Thực nghiệm chương trình mới liệu có lặp lại vết xe đổ VNEN?

25/04/2018 09:07
Đỗ Quyên
(GDVN) - Thực tiễn quá trình thực nghiệm, triển khai VNEN đã có không ít thầy cô phản đối bên ngoài, nhưng lại ủng hộ khi ghi phiếu đánh giá do "sợ" ban giám hiệu..

LTS: Chương trình giáo dục phổ thông mới đã được áp dụng dạy thực nghiệm tại 48 trường thuộc 6 địa phương.

Trước thông tin này, cô giáo Đỗ Quyên đưa ra một số kiến nghị để việc đánh giá thực nghiệm được chính xác và khách quan.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết. Văn phong, nội dung bài viết thể hiện quan điểm, góc nhìn của tác giả.

Thế là, sau thời gian ngắn ngủi lấy ý kiến đóng góp cho chương trình giáo dục phổ thông mới (đã có khá nhiều bài viết tâm huyết của giáo viên, của chuyên gia và của một số người quan tâm đến giáo dục), chúng tôi nhận thấy ban soạn thảo chương trình gần như không tiếp thu những ý kiến đóng góp quý báu ấy.

Chương trình đã được đem thực nghiệm vào giảng dạy ở cả 3 cấp tại 48 trường tại Lào Cai, Hà Nội, Bình Định, Lâm Đồng, Bà Rịa-Vũng Tàu và Cần Thơ.

Mỗi tỉnh, thành chọn 3 trường tiểu học, 3 trường trung học cơ sở và 2 trường trung học phổ thông để triển khai việc thực nghiệm và đã được các nhà làm chương trình đánh giá là thành công.

Chương trình giáo dục phổ thông mới đã được áp dụng dạy thực nghiệm tại 48 trường trên 6 địa phương. Ảnh: VTV
Chương trình giáo dục phổ thông mới đã được áp dụng dạy thực nghiệm tại 48 trường trên 6 địa phương. Ảnh: VTV

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình tổng thể nhận định:

"Khi chọn trường, chúng tôi đã phối hợp với các sở Giáo dục và Đào tạo chú ý đến các trường ở những địa bàn khác nhau để "đo" khả năng đáp ứng chương trình trong các điều kiện khác nhau.

Tại các trường này, chúng tôi tiến hành dạy thử. Nội dung, yêu cầu dạy thực nghiệm của ban soạn thảo chương trình đưa ra, nhưng giáo viên sẽ do các trường chủ động bố trí.

Ban soạn thảo không đặt ra điều kiện chọn giáo viên dạy thử nghiệm. Bên cạnh đó, ban soạn thảo còn lấy phiếu trưng cầu ý kiến giáo viên về từng chương trình.

Phiếu được gửi và nhận nội dung trả lời qua mạng để đảm bảo tính khách quan. Ban soạn thảo cũng phỏng vấn trực tiếp giáo viên ở một số trường triển khai dạy thực nghiệm” [1];

Thực nghiệm chương trình mới liệu có lặp lại vết xe đổ VNEN? ảnh 2Nhiều trường ở Sài Gòn muốn chương trình mới giảm tải hơn nữa

Giáo sư Phạm Hồng Tung - chủ biên môn lịch sử đã khẳng định:

"Không có khái niệm thất bại.

Khi triển khai dạy thực nghiệm, có những giáo viên dạy thành công, cũng có những người dạy lần đầu không thành công";

Phó giáo sư, Tiến sĩ Mai Sỹ Tuấn đã tỏ lạc quan khi cho rằng:

"Nhiều giáo viên khi chưa tham gia dạy thực nghiệm đã lo lắng, lo nhất là môn tích hợp nhưng các giáo viên lo lắng vì không hiểu hoặc hiểu sai.

Khi được tập huấn thì họ đều cho biết có thể làm được. Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tổ chức bồi dưỡng tín chỉ cho giáo viên, để mỗi giáo viên đều dạy được toàn bộ nội dung môn học này.

Nhưng môn học vẫn được phát triển theo các mạch lý, hóa, sinh nên trong những trường hợp bất khả kháng vẫn có thể bố trí mỗi giáo viên dạy theo một mạch.

Điều khác trước là giáo viên dạy các mạch này phải cùng thảo luận, phối hợp hoạt động dạy học với nhau";

Giáo sư Đỗ Đức Thái cũng tự tin nhận xét:

"Cách gọi nôm na "môn học tích hợp" có thể gây tâm lý lo lắng cho giáo viên.

Còn đối với học sinh thì đây chỉ là những môn học, giống như các môn học khác mà thôi”;

Dù thế, tôi vẫn không thể tin việc thực nghiệm chương trình được diễn ra một cách tường minh đúng như những gì quý thầy làm chương trình đang nói. Vì sao ư?

Thực nghiệm chương trình mới liệu có lặp lại vết xe đổ VNEN? ảnh 3VNEN rơi vào im lặng và những lo sợ cho chương trình, sách giáo khoa mới

Vì cách chọn trường, chọn lớp, chọn giáo viên để dạy một tiết thao giảng kiểu này cũng không khác gì cách làm của dự án VNEN.

Cứ cho là nội dung, yêu cầu dạy thực nghiệm do ban soạn thảo đưa ra còn giáo viên sẽ do các trường chủ động bố trí, như khẳng định của Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết.

Nhưng liệu các sở, phòng giáo dục và chính từng trường được chọn có thực hiện đúng yêu cầu bố trí "ngẫu nhiên" các thày cô dạy thực nghiệm mà không phải lựa, chọn hay không?

Thực tế chúng tôi chứng kiến cách triển khai VNEN thì hoàn toàn khác.

Tâm lý các trường dạy thao giảng cho cấp trên tham dự lâu nay phải chuẩn bị thật chu chu đáo “từ chân đến răng” kẻo người ta đánh giá mình dạy tệ, chuyên môn trường kém cỏi, chuyên môn phòng không sát sao...

Có nhiều người còn bao biện thế này “họ chỉ dự một tiết, nếu để họ đánh giá không ra gì thì mang tiếng cả đời”.

Đó là lý do vì sao các tiết thao giảng cụm trường, liên trường, các tiết dạy chuyên đề cho cấp trên dạy lại được đầu tư công phu, lại được chuẩn bị kĩ càng đến thế.

Tôi không tin vì chính mình đã từng bị loại ra khỏi vòng đánh giá về tính hiệu quả của phương pháp dạy học VNEN.

Thực nghiệm chương trình mới liệu có lặp lại vết xe đổ VNEN? ảnh 4Khi dạy chương trình phổ thông mới, hàng chục ngàn giáo viên sẽ đi về đâu?

Sau tiết dạy thao giảng về phương pháp VNEN, nhà trường tập trung giáo viên ghi vào phiếu đánh giá những ưu, khuyết điểm của chương trình VNEN và nêu đề xuất tiếp tục duy trì hoặc dẹp bỏ.

Chính tôi (một giáo viên đang trực tiếp dạy theo mô hình VNEN và có thể tự tin khẳng định nắm rất chắc mô hình này) lại bị bỏ ngoài danh sách.

Không hiểu do "vô tình" hay có "chỉ đạo", mà thay vào đó là một số giáo viên không dạy VNEN vào ghi bản đánh giá thay tôi.

Lỗi duy nhất của tôi chính là dám nói thẳng nói thật và dám ghi vào phiếu dòng chữ: Nên dẹp bỏ chương trình VNEN. Nói điều này, tôi dám khẳng định mình sẽ đưa ra bằng chứng thuyết phục nhất.

Trao đổi với một số đồng nghiệp của mình đang dạy VNEN ở nhiều trường trong thị xã (những người hàng ngày cũng lên án VNEN mạnh mẽ nhất, dĩ nhiên là chỉ nói sau lưng) rằng “Mọi người đánh giá thế nào vào phiếu?”

Tôi thật bất ngờ trước những câu trả lời của họ: “Tụi em ghi vẫn nên tiếp tục”; “Tụi em ghi những ưu điểm của nó”.

Tôi hỏi các đồng nghiệp này rằng, vì sao họ lại ghi khác với suy nghĩ của mình bấy nay. Câu trả lời tôi nhận được là: “Tại vì Ban giám hiệu thích thế, không dám ghi trái chiều để sợ bị mất lòng”.

Chẳng biết phải nói sao, tôi buột miệng:

Vậy từ nay mọi người đừng than vãn “sáng dạy VNEN chiều dạy truyền thống”, đừng nói học sinh học càng ngày càng dốt, đừng than chúng ngồi học ồn ào chỉ nói chuyện như cái chợ mà không chịu học, đừng tỏ lòng thương học trò vì sợ chúng mỏi mắt gù lưng bởi suốt ngày phải ngồi theo mâm...”.

Thế đấy, thực tế những dự án về chương trình, sách giáo khoa khi "thao giảng", "thí điểm" hay triển khai ở cơ sở mà ngành giáo dục lâu nay vẫn làm, khá nhiều giáo viên nói và làm hoàn toàn khác nhau.

Vậy nên để khẳng định chương trình đã thực nghiệm tốt, giáo viên có nhận xét tốt bản thân tôi thấy chưa đủ cơ sở.

Nhất là sự im lặng của quý thầy tham gia làm chương trình mới trước những câu hỏi rất cụ thể, rõ ràng của các thầy cô giáo trên cả nước về chương trình mới trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam.

Khẳng định của Phó giáo sư Mai Sĩ Tuấn về môn "tích hợp" mà chúng tôi dẫn trên đây càng cho thấy lo ngại của chúng tôi là có cơ sở. Cách "tích hợp" của thầy Tuấn chỉ là dồn 3 môn Lý, Hóa, Sinh vào 1 sách mà thôi.

Tôi đồng ý thực nghiệm. Nhưng phải trung thực, cái gì giáo viên, phụ huynh phản ánh góp ý thì những người viết sách và triển khai chương trình phải tiếp thu chỉnh sửa chứ đừng như kiểu dự án VNEN bắt buộc giáo viên ai cũng phải khen hay phải tô hồng.

Thực nghiệm chương trình mới liệu có lặp lại vết xe đổ VNEN? ảnh 5Chương trình, sách giáo khoa mới đang đi theo vết xe đổ VNEN?

Chọn vài giáo viên mỗi trường, thực nghiệm vài bài, chuẩn bị có tư vấn sẽ rất khác với đại trà.

Hơn nữa thế nào gọi là thực nghiệm chương trình? Phải đưa chương trình vào dạy thử mới thấy được có quá tải không? Có logic hệ thống không? Tích hợp, liên thông thế nào?....

Chứ làm theo kiểu cắt ra một mẩu như vậy thì không thể có được kết luận khoa học, không đủ độ tin cậy, thưa các Chuyên gia!

Chỉ dạy một vài bài mà khẳng định là thành không chỉ là điều hoang tưởng.

Một số kiến nghị

Thứ nhất, cần phải có chuyên gia giám sát việc dạy thực nghiệm. Không thông báo về các tỉnh kế hoạch sẽ về dạy thực nghiệm mà bốc thăm ngẫu nhiên.

Khi về đến tỉnh ấy, sẽ lấy danh sách các trường ở các huyện thị lại bốc thăm lần nữa.

Thứ hai, chỉ định ngẫu nhiên giáo viên dạy, bốc thăm lớp, bốc bài dạy bất kì và chỉ cho thời gian chuẩn bị là một buổi (để tránh tình trạng soạn bài tập thể và dạy thử hoặc gà bài sẵn cho học sinh trước khi dạy).

Thứ ba, sau tiết dạy, tổ chức khảo sát học sinh và công bố kết quả cụ thể tránh sự nhập nhằng khi kết quả không như ý.

Nếu làm được theo những kiến nghị trên vẫn cho kết quả như mong muốn thì chúng tôi mới dám tin rằng chương trình là thành công không có khái niệm thất bại như các thày đã tuyên bố.

Tài liệu tham khảo:

https://tuoitre.vn/thuc-nghiem-chuong-trinh-pho-thong-moi-khong-that-bai-20180423073824517.htm

Đỗ Quyên