Mỗi năm cả nước có hơn 2.000 sinh viên y khoa tiếp tục học lên sau đại học

03/09/2022 06:49
Doãn Nhàn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nhìn chung nguồn nhân lực y tế chất lượng cao có xu hướng tăng, trung bình mỗi năm cả nước có hơn 2.000 sinh viên y khoa tiếp tục học chương trình sau đại học.

Bác sĩ là một ngành học yêu cầu thời gian học tập và nghiên cứu lâu dài cùng với lượng kiến thức rất lớn. Hiện nay, theo chương trình đào tạo tại nước ta, để trở thành bác sĩ, người học phải mất khoảng trung bình 7,5 năm: 6 năm học trong trường và 18 tháng thực hành ở bệnh viện thì mới được cấp chứng chỉ hành nghề.

Số học viên được đào tạo sau đại học

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê năm 2021, số học viên được đào tạo sau đại học và chuyên khoa Y giai đoạn từ 2015-2020 có xu hướng tăng lên, tuy nhiên tốc độ tăng khá chậm và không đồng đều.

Cụ thể, từ năm 2015-2020, cả nước có thêm 11.316 học viên (tăng 9,76%) được đào tạo sau đại học, nghĩa là sau khi kết thúc 6 năm học tại trường, sinh viên tiến hành học lên cao học, nghiên cứu sinh. Như vậy, trung bình mỗi năm cả nước có hơn 2.000 sinh viên y khoa tiếp tục học chương trình sau đại học.

Tuy nhiên, biến động từng giai đoạn trong khoảng 5 năm này khác nhau, cụ thể:

Giai đoạn từ 2015-2017, số học viên được đào tạo sau đại học tăng mạnh, từ 104.629 học viên năm 2015, đã tăng lên 121.253 vào năm 2017, tăng thêm 16.624 học viên (tăng 13,71%).

Giai đoạn từ 2017-2019, số học viên được đào tạo sau đại học giảm mạnh, từ 121.253 học viên năm 2015, đã giảm xuống chỉ còn 105.974 học viên vào năm 2017, giảm 15.279 học viên (giảm 14,41%).

Kể từ năm 2019, số học viên được đào tạo sau đại học bắt đầu tăng trở lại.

Phân tách riêng hệ cao học và nghiên cứu sinh, số lượng chênh lệch đáng kể nhưng tốc độ gia tăng tỷ lệ lại không quá chênh nhau.

Theo đó, số học viên học lên cao học gấp khoảng 8,5 lần số lượng học viên học lên nghiên cứu sinh (năm 2020). Giai đoạn 2015-2020, số lượng học viên cả học lên cao học và nghiên cứu sinh đều có xu hướng gia tăng; trong đó, tốc độ gia tăng của đội ngũ học viên học lên nghiên cứu sinh nhỉnh hơn một chút so với tốc độ tăng đội ngũ học viên học lên cao học.

Cụ thể, năm 2015, cả nước có 93.758 học viên học lên cao học, tới năm 2020, số này tăng lên 103.833 học viên, tăng 9,3%.

Trong khi đó, năm 2015, số học viên học lên nghiên cứu sinh là 10.871 học viên, trong vòng 5 năm có thêm 1.241 học viên học lên nghiên cứu sinh, tăng số lượng lên 12.112 học viên, tăng 10,25%.

Số học viên tốt nghiệp sau đại học

Số học viên tốt nghiệp sau đại học, nghĩa là học viên hoàn thành chương trình học cao học và nghiên cứu sinh nhìn chung có xu hướng gia tăng.

Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Thống kê, năm 2015, cả nước có 32.206 học viên tốt nghiệp cao học, đến năm 2017, con số này tăng lên là 36.476 học viên (tăng 11,71%).

Số học viên tốt nghiệp nghiên cứu sinh có tốc độ tăng trưởng mạnh. Cụ thể, năm 2015, có 866 học viên tốt nghiệp nghiên cứu sinh, sau 2 năm có thêm 679 học viên tốt nghiệp, nâng tổng số nghiên cứu sinh tốt nghiệp năm 2017 là 1.545 học viên, tăng 43,95%.

Số học viên được đào tạo chuyên khoa Y

Ở Việt Nam, để trở thành một bác sĩ chuyên khoa cấp 1, người học phải mất khoảng 10 năm, và bác sĩ chuyên khoa 2 sẽ mất khoảng ít nhất 12 năm.

Cụ thể, sau khi kết thúc 6 năm đào tạo trong ngành y đa khoa, nếu bác sĩ học thêm một chuyên khoa nào đó (khoảng 18 tháng) thì sẽ được cấp chứng chỉ hành nghề và được gọi là bác sĩ chuyên khoa định hướng, thêm 2 năm học lên nữa thì mới trở thành một bác sĩ chuyên khoa 1.

Sau khi hành nghề một thời gian, nếu bác sĩ chuyên khoa cấp 1 muốn nâng cao trình độ chuyên môn, có thể đi học tiếp 2 năm nữa, có trình luận văn để thành bác sĩ chuyên khoa cấp 2.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Thống kê năm 2021, nhìn chung số lượng học viên được đào tạo chuyên khoa Y có xu hướng tăng.

Cụ thể, đội ngũ học viên được đào tạo chuyên khoa Y cấp 1 nhiều hơn đội ngũ chuyên khoa Y cấp 2.

Năm 2015, số học viên được đào tạo chuyên khoa Y cấp 1 là 3.746 học viên, đến năm 2017, số này tăng lên là 6449 học viên, tăng 41,91%.

Số học viên được đào tạo chuyên khoa Y cấp 2 vào năm 2015 là 1065 học viên, năm 2017 số này tăng lên 1601 học viên, tăng 33,48%.

Số học viên tốt nghiệp chuyên khoa Y

Mặc dù số lượng học viên được đào tạo tăng lên, tuy nhiên theo số liệu thống kê, số học viên tốt nghiệp chuyên khoa Y lại có xu hướng giảm.

Cụ thể, năm 2015, số học viên tốt nghiệp chuyên khoa Y cấp 1 là 2.148 học viên, tuy nhiên đến năm 2017, số học viên tốt nghiệp chuyên khoa Y cấp 1 chỉ đạt 1956 học viên, giảm 9,82%.

Số lượng học viên tốt nghiệp bác sĩ chuyên khoa Y cấp 2 có tốc độ giảm mạnh hơn số lượng học viên tốt nghiệp bác sĩ chuyên khoa Y cấp 1. Theo đó, năm 2015, số học viên tốt nghiệp bác sĩ chuyên khoa Y cấp 2 là 575 học viên, đến năm 2017, số học viên tốt nghiệp chỉ đạt 496 học viên, giảm 15,93%.

Đại dịch Covid-19 kéo dài suốt 3 năm qua có lẽ là bức tranh phản ánh chân thực nhất tầm quan trọng của đội ngũ y bác sĩ. Trong cuộc chiến đấu với dịch bệnh, hàng trăm chiến sĩ áo trắng đã gác lại việc gia đình, ngày đêm giành giật sự sống cho hàng triệu đồng bào trên cả nước.

Tuy nhiên, hiện nay ngành y tế còn những “khoảng lặng” cần được quan tâm và giải quyết triệt để thì mới có thể thu hút tốt nguồn nhân lực cho ngành Y: mức lương của bác sĩ mới ra trường còn thấp, trong khi chi phí và thời gian học tập bỏ ra rất lớn; công việc nhiều, áp lực tuy nhiên mức đãi ngộ lại chưa tương xứng,...

Kết quả là làn sóng nhân viên y tế nghỉ việc hàng loạt vừa qua. Cụ thể, trong năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022, đã có hơn 9000 viên chức y tế xin nghỉ việc, bỏ việc [1]. Do đó, yêu cầu cấp thiết hiện nay chính là cải thiện ngay môi trường làm việc, thu nhập cho nhân viên y tế, về lâu dài rất cần nhiều chính sách mang tầm chiến lược.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng đã từng nhấn mạnh “nghề y là một nghề đặc biệt, nhân lực y tế phải đáp ứng yêu cầu chuyên môn và y đức; cần được tuyển chọn, đào tạo, sử dụng và đãi ngộ đặc biệt". [2]

Theo quy định về chế độ tiền lương và phụ cấp hiện nay (với mức lương cơ sở là 1.490.000 đồng) thì bác sỹ sau khi học 6 năm và sau 18 tháng thực hành để được cấp chứng chỉ hành nghề, nếu tuyển dụng vào đơn vị sự nghiệp công lập thì hưởng lương là 2,34 x 1.490.000 đồng = 3.486.000 đồng. Với phụ cấp ưu đãi nghề là 40% thì mức thu nhập 4.881.240 đồng (chưa trừ nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế).

Tài liệu tham khảo:

[1]: https://laodong.vn/infographic/toan-canh-lan-song-bac-si-nhan-vien-y-te-nghi-viec-tren-ca-nuoc-1068773.ldo

[2]: https://dangcongsan.vn/thoi-su/phat-trien-manh-me-hon-nguon-nhan-luc-y-te-chat-luong-cao-604750.htm

Doãn Nhàn