Môn tích hợp: đề kiểm tra rời rạc, điểm 3 môn chia đều, tính liên môn không rõ

07/12/2022 06:28
Ngọc Mai
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Dạy chương trình GDPT 2018, đề kiểm tra môn tích hợp rời rạc, cộng điểm 3 môn chia trung bình để lấy 1 đầu điểm duy nhất nên khó đánh giá năng lực học sinh.

Hiện nay, hầu hết các trường trung học đã tổ chức kiểm tra đánh giá học sinh giữa kỳ I. Tuy nhiên, tại các trường trung học phổ thông, trung học cơ sở, việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 khiến trường “than khó” trong công tác ra đề, đánh giá học sinh.

Thậm chí có trường do chưa có tổ chuyên môn, đề kiểm tra xây dựng một cách rời rạc, chấm điểm chưa sát với năng lực học sinh khi chia trung bình, lấy 1 đầu điểm duy nhất để vào sổ.

Không có tổ chuyên môn khiến trường ra đề, chấm và vào điểm

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, một vị Phó Hiệu trưởng của trường phổ thông dân tộc nội trú trung học cơ sở ở miền núi phía Bắc đã có những chia sẻ về thực tế thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với khối lớp 6 và 7. Đồng thời đưa ra kiến nghị, đề xuất nhằm thực hiện thuận lợi khi áp dụng chương trình mới cho các khối lớp 8, 9.

Giờ học của học sinh miền núi. (Ảnh minh họa: nguồn TTXVN).

Giờ học của học sinh miền núi. (Ảnh minh họa: nguồn TTXVN).

“Do chưa có giáo viên được đào tạo bài bản nên với môn tích hợp Khoa học tự nhiên, trường sắp xếp 2-3 giáo viên phân môn cùng dạy. Khi kiểm tra, đánh giá, trường tổ chức cho các giáo viên cùng xây dựng đề nên bộc lộ rõ sự rời rạc, thiếu liên môn. Hay nói cách khác, đề kiểm tra môn Khoa học tự nhiên chỉ là đề của 3 môn riêng biệt Hóa học, Vật lý, Sinh học được ghép lại thành 1 đề, yếu tố tích hợp không chặt chẽ”, vị Phó Hiệu trưởng nhận xét.

Không có tổ chuyên môn, cả trường chỉ có 1-2 giáo viên dạy được Khoa học tự nhiên. Nhưng những giáo viên này trước đây cũng chỉ được đào tạo đơn môn hoặc 2 môn, không phải liên môn nên khó đảm trách các môn còn lại.

Khắc phục khó khăn trong công tác ra đề kiểm tra môn tích hợp, trường cho giáo viên dạy môn nào thì ra hẳn một đề hoàn chỉnh môn đó với thang điểm 10. Sau đó, các giáo viên này sẽ trộn tất cả các đề riêng vào cùng 1 đề để tổ chức kiểm tra cho học sinh vào 2 tiết liền nhau hoặc bố trí vào một buổi chiều. Giáo viên dạy môn nào sẽ chấm bài của môn đó. Phân công nhập điểm cũng sẽ không cố định mà luân phiên linh hoạt giáo viên.

“Môn Khoa học tự nhiên sẽ chấm theo thang 30 điểm/3 môn. Cách tính điểm sẽ là điểm của 3 môn cộng lại và chia trung bình.

Ví dụ, 1 học sinh có điểm của 3 môn Hóa học, Vật lý, Sinh học là 5, 6, 7 thì trung bình điểm môn Khoa học tự nhiên là 6 điểm.

Như vậy, rủi ro là từ cách dạy, ra đề cho đến chấm điểm môn Khoa học tự nhiên, tính liên môn sẽ khó đảm bảo. Hơn nữa, nếu chia trung bình điểm 3 môn, thì học sinh sẽ có tư tưởng chú trọng môn này hơn môn kia, dẫn tới việc đánh giá không đúng năng lực của học sinh”, vị này cho biết.

Đối với kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn, Phó Hiệu trưởng chia sẻ, nhà trường vừa tổ chức kiểm tra cho học sinh lớp 6, 7 nhưng chưa thể đánh giá đúng, cụ thể, thực chất khả năng học Ngữ văn theo chương trình mới của học sinh chỉ qua 1 bài kiểm tra giữa kỳ.

“Những học sinh có ý thức, khả năng học tốt thì cảm nhận, làm bài sẽ tốt và ngược lại. Để học sinh hoàn thành yêu cầu của bài kiểm tra, trường quán triệt giáo viên tổ chức dạy học và định hướng cách làm, cách tiếp cận bài như thế nào cho học sinh. Cụ thể, giáo viên dạy học sinh cách cảm nhận, tập trung học theo từng thể loại như thơ, truyện... mục đích là để đến khi đề kiểm tra ra vào tác phẩm bất kỳ, các em đều sẽ biết cách làm.

Trước đây, ở chương trình cũ, các ngữ liệu về tập làm văn, tiếng Việt, chủ yếu vẫn là khuyến khích sử dụng ngữ liệu ngoài sách giáo khoa. Thời gian gần đây, thực hiện chương trình mới, trong mỗi cuộc tập huấn, các chuyên viên cũng định hướng cho giáo viên nên sử dụng tài liệu, ngữ liệu ngoài sách giáo khoa.

Việc giáo viên có thể không dạy hết các tác phẩm trong sách giáo khoa cũng đều có lý do. Nhất là các tác phẩm này không được đưa vào đề kiểm tra.

Cái khó của trường là do lần đầu tiên dạy chương trình mới nên từ cán bộ quản lý đến giáo viên đều rất bỡ ngỡ trong quá trình ra đề Ngữ văn. Thực tế, đối với chuyên gia khi làm nghiên cứu, việc lấy ngữ liệu trích dẫn còn phải cân nhắc chứ chưa nói đến tư duy của giáo viên.

Để đảm bảo tính mô phạm giáo dục, nhà trường quán triệt giáo viên lựa chọn văn bản có cơ sở, chính thống bằng cách lấy từ sách, tài liệu từ nhà xuất bản uy tín”, vị này cho biết.

Về phía học sinh, các em đều sẽ thích đề thi được ra vào những bài cụ thể, đã được học qua giống như lối kiểm tra với chương trình cũ. Với cách kiểm tra theo chương trình mới, giáo viên sợ ra đề ngoài sách giáo khoa sẽ khiến học sinh không biết làm, điểm thấp.

"Phần đọc hiểu hoàn toàn mở rộng, khuyến khích. Nhưng phần nghị luận văn học có thể vẫn nên cho sử dụng tác phẩm trong sách giáo khoa vì những tác phẩm này đảm bảo chất lượng chuẩn, quá trình giáo viên dạy tác phẩm này trên lớp cũng do đó mà sẽ có ý nghĩa hơn.

Bên cạnh đó, việc giao bài tập về nhà cho học sinh chuẩn bị trước theo chương trình giáo dục phổ thông mới, giáo viên phải xác định, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng cá nhân, tổ nhóm trong lớp nghiên cứu trước. Phạm vi nghiên cứu là hoàn toàn rộng mở nên khó kiểm soát học sinh đã tìm hiểu những tác phẩm như thế nào? Có đúng thể loại, trọng tâm, trọng điểm để phục vụ bài học hôm sau hay không?", vị Phó Hiệu trưởng cho biết.

Sử dụng mạng xã hội thông minh để tránh rủi ro khi chọn ngữ liệu ngoài sách giáo khoa

Không chỉ khó với cấp trung học cơ sở, bậc trung học phổ thông cũng gặp nhiều khó khăn trong xây dựng đề, đánh giá học sinh lớp 10 thực hiện chương trình mới.

Cùng bàn về vấn đề này, thầy Phạm Văn Long, Hiệu trưởng Trung học phổ thông Mường Bú (huyện Mường La, Sơn La) cho biết, triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới đối với lớp 10, năm học này, nhà trường tiến hành kiểm tra giữa kỳ môn Ngữ văn và đã có kết quả.

Theo đánh giá của thầy Hiệu trưởng, chất lượng bài làm của học sinh còn bộc lộ nhiều hạn chế nên điểm chưa cao. Nguyên nhân một phần do trình độ nhận thức của học sinh không đồng đều, một phần do là lần đầu tiếp cận bài kiểm tra Ngữ văn theo chương trình giáo dục phổ thông mới nên cả giáo viên, học sinh đều lúng túng.

“Điểm chưa cao, người giáo viên đứng lớp cũng rất lo lắng. Song, thực tế cho thấy rằng, chất lượng bài kiểm tra của học sinh lớp 10 khi thực hiện chương trình mới lần đầu tiên thì sao có thể bằng so với chương trình cũ ngay được.

Môn Ngữ văn nói riêng và các môn khác trong chương trình giáo dục phổ thông 2018 lớp 10 nói chung, là môn mới hoàn toàn và được viết bởi những chuyên gia, nhà xuất bản khác nhau. Do đó, bản thân giáo viên khi tiếp cận cũng cảm thấy không dễ dàng, chứ chưa nói đến học sinh. Và lại, đặc thù học sinh miền núi nên chất lượng học tập thể hiện qua các bài thi, kiểm tra thường không được như kỳ vọng.

Với môn Ngữ văn, việc xây dựng đề kiểm tra sẽ theo phân phối chương trình. Học đến đâu, giáo viên lựa chọn sử dụng kiến thức trong bài kiểm tra liên quan đến phần đó. Để đảm bảo, trường thành lập ban ra đề nhằm thực hiện chặt chẽ các khâu.

Công nghệ 4.0 có nhiều lợi ích những cũng tiềm ẩn rủi ro nếu không được sử dụng tỉnh táo. Internet giúp giáo viên thuận tiện tham khảo các dạng đề, cách ra đề Ngữ văn. Tuy nhiên, giáo viên tránh lấy các văn bản, tác phẩm chưa được kiểm chứng, không chính thống, trôi nổi trên mạng xã hội để dạy và đưa vào đề thi, bởi chỉ cần sai lệch sẽ ảnh hưởng đến uy tín, chất lượng đào tạo”, thầy Long chia sẻ.

Cũng theo chia sẻ của thầy Long, nhận thức của học sinh về vấn đề xã hội ngày nay không còn truyền thống như trước. Do đó, việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018, giáo viên phải mở rộng nhiều hơn bằng cách thông qua các chương trình thực tế của trường, phối hợp với công tác Đoàn, Hội để các em tham gia ngoại khóa, tăng cường tương tác, liên kết xã hội.

“Tất cả những hoạt động này hướng tới mục tiêu nhằm tăng cường hiểu biết thực tiễn cho học sinh. Từ đó, giúp kích thích phát triển trí tuệ, sáng tạo trong bài làm văn.

Tâm huyết và mong mỏi của nhà giáo làm công tác quản lý là tới đây, khi triển khai chương trình mới cho lớp 11, 12 thì nên có 1 bộ sách duy nhất để tạo tính đồng bộ cho giáo viên giảng dạy, cũng như tham khảo các dạng đề kiểm tra, tránh tình trạng văn mẫu ở học sinh”, thầy Long hy vọng.

Ngọc Mai