Đề kiểm tra lấy ngữ liệu ngoài SGK khiến GV bỡ ngỡ, học sinh gặp khó khăn

16/10/2022 06:50
Anh Trang
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Đề kiểm tra không dùng các văn bản trong SGK, bắt buộc HS phải vận dụng kỹ năng, phương pháp tiếp cận một văn bản theo đặc trưng thể loại để làm bài.

Cuối tháng 7/2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo có Công văn số 3175/BGDĐT-GDTrH gửi các Sở Giáo dục và Đào tạo về việc hướng dẫn đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn ở trường phổ thông. Công văn của Bộ nhấn mạnh việc tránh dùng các văn bản trong sách giáo khoa làm ngữ liệu xây dựng đề cuối kỳ, cuối năm học, cuối cấp học. Việc này nhằm đánh giá chính xác năng lực học sinh, khắc phục tình trạng học sinh chỉ học thuộc bài hoặc sao chép nội dung tài liệu có sẵn.

Chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Lê Mai Phương, giáo viên Ngữ văn Trường Trung học phổ thông Đào Duy Từ (Hà Nội) bày tỏ, đổi mới này sẽ tránh được việc học sinh “học vẹt”, “học tủ” những kiến thức giáo viên cho ghi ở trên lớp. Để làm được bài, học sinh bắt buộc phải học hiểu vấn đề, nắm được phương pháp tiếp cận văn bản.

Về căn cứ và cách ra đề, cô Phương cho hay, đề kiểm tra/đề thi thường có hai phần, phần 1 là phần đọc hiểu, phần 2 là phần làm văn. Đối với phần đọc hiểu, giáo viên có thể linh hoạt ngữ liệu và các câu hỏi. Còn đối với phần làm văn, giáo viên kiểm tra kỹ năng viết bài văn ngắn của học sinh, thường dao động khoảng 500 chữ (2 trang giấy) và điều đặc biệt là ngữ liệu đề bài đưa ra phải có đặc trưng thể loại tương đương với một văn bản học sinh đã được học trong sách giáo khoa.

“Trong bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống, bài đầu tiên học sinh được học là Sức hấp dẫn của truyện kể, học sinh được học 3 truyện thần thoại, 1 truyện trung đại (Chuyện chức Phán sự đền Tản Viên) và 1 truyện hiện đại là Chữ người tử tù.

Đề thi có thể hỏi một văn bản khác trong tập Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ trừ Chuyện chức Phán sự đền Tản Viên như Chuyện Từ Thức lấy vợ tiên chẳng hạn. Cụ thể, câu hỏi liên quan đến đặc trưng thể loại của truyện kể như cảm nhận về nhân vật, cảm nhận về chi tiết đặc sắc, cảm nhận về nghệ thuật xây dựng nhân vật, nghệ thuật kể chuyện của tác giả. Hoặc có thể cho một đoạn văn bản bất kỳ trong Vang bóng một thời của Nguyễn Tuân.

Ngữ liệu đề thi không có trong văn bản mẫu học sinh được học trong sách mà học sinh phải vận dụng kỹ năng và phương pháp tiếp cận một văn bản theo đặc trưng thể loại mới làm được bài”, cô Phương lấy ví dụ.

Cô Lê Mai Phương, giáo viên Ngữ văn trường Trung học phổ thông Đào Duy Từ (Hà Nội). Ảnh: NVCC

Cô Lê Mai Phương, giáo viên Ngữ văn trường Trung học phổ thông Đào Duy Từ (Hà Nội). Ảnh: NVCC

Thực tế, sau khi bước vào năm học mới và cho học sinh luyện đề một thời gian, cô Phương nhận thấy rằng, cách học và ra đề này cũng bộc lộ một số khó khăn nhất định.

Thứ nhất, đối với học sinh, vì chương trình không nặng về kiến thức nhưng nặng về phương pháp và kỹ năng nên nếu học sinh không tập trung khi học trên lớp thì không thể hiểu được bản chất của vấn đề. Đến khi làm bài thi, cho một ngữ liệu hoàn toàn mới học sinh khó xử lý, bỡ ngỡ, bị thụ động. Ngược lại, học sinh nào chăm chỉ nghe giảng, chủ động thì vẫn làm được bài, thậm chí có thể phát huy được sức sáng tạo của mình.

“Tôi thấy rằng, sách giáo khoa mới rất hay nhưng đang lý tưởng hóa học sinh nên có những phần khó và không dành cho học sinh đại trà.

Lớp tôi dạy là của trường ngoài công lập nên sức học của các em khá yếu, qua những buổi học và luyện đề, nhiều học sinh không làm được bài, chỉ có khoảng 20% là có khả năng qua điểm trung bình”, cô Phương nói.

Thứ hai, đối với giáo viên, luôn phải nhắc nhở học sinh tinh thần bài thi mở và ngữ liệu không có trong sách giáo khoa nên khi học phải chú ý tập trung nghe giảng để hiểu bản chất vấn đề, đặc biệt là phương pháp, kỹ năng làm bài, hiểu được đặc trưng thể loại.

Bên cạnh đó, vì thay đổi cách học và kiểm tra nên giáo viên gần như là soạn lại và làm lại giáo án từ đầu, luôn luôn phải tìm kiếm cách dạy mới sao cho học sinh nắm được phương pháp và kỹ năng làm bài.

“Để việc học và tiếp thu kiến thức được hiệu quả, nên bổ sung thêm một số bài rèn luyện phương pháp viết cho học sinh để học sinh quen và có thêm kỹ năng làm bài”, cô Phương kiến nghị.

Cùng bàn luận về vấn đề trên, thầy Ngô Văn Tuyến, giáo viên Ngữ văn Trường Trung học phổ thông Lý Thái Tổ (Hà Nội) cho rằng, việc đổi mới ra đề kiểm tra/đề thi Ngữ văn 10 là một bước đột phá tích cực trong việc kiểm tra, đánh giá, là tiền đề để chúng ta có những bước thay đổi cho các năm học tiếp theo.

Thầy Ngô Văn Tuyến, giáo viên Ngữ văn Trường Trung học phổ thông Lý Thái Tổ (Hà Nội). Ảnh: NVCC

Thầy Ngô Văn Tuyến, giáo viên Ngữ văn Trường Trung học phổ thông Lý Thái Tổ (Hà Nội). Ảnh: NVCC

Theo thầy Tuyến, với sự đổi mới này, giáo viên không bị quá gò bó về cách ra đề, có thể đưa ra một ý tưởng, một câu hỏi độc đáo mới mẻ làm cho học sinh thấy hào hứng, phát huy được sự sáng tạo. Bên cạnh đó, quan điểm cá nhân của học sinh cũng được thể hiện rõ nét hơn.

Tuy nhiên, ghi nhận những thuận lợi, thầy Tuyến cũng bày tỏ một số khó khăn sau một thời gian triển khai.

“Vì đã quá quen với cách học, kiểm tra, đánh giá cũ nên với cách học và kiểm tra mới này, giáo viên và học sinh vẫn chưa quen. Đề thi theo hướng mở nên đòi hỏi học sinh cần làm chủ được nhiều kiến thức, cảm thụ văn chương tốt, tư duy nhạy bén, kĩ năng làm bài tốt. Do đó, chắc chắn sẽ có một số học sinh học yếu và khả năng tiếp thu hạn chế thì việc làm bài cũng gặp những khó khăn nhất định”, thầy Tuyến chia sẻ.

Hiện tại, để chuẩn bị tốt nhất trong việc ra các đề kiểm tra môn Ngữ văn, thầy cùng với Tổ Văn - Trường Trung học phổ thông Lý Thái Tổ (Hà Nội) đã có những cuộc họp để trao đổi, bàn bạc việc ra đề kiểm tra, đánh giá theo hướng mới này, trên tinh thần theo đúng hướng dẫn của Bộ, Sở.

Anh Trang