Cô Đỗ Thị Thúy Dương chia sẻ về kiểm tra đánh giá trắc nghiệm môn Ngữ văn

28/11/2022 06:50
Sơn Quang Huyến
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Theo cô Dương, câu hỏi trắc nghiệm trong Ngữ văn để đa dạng hóa hình thức kiểm tra đánh giá nhưng chỉ ở một mức độ nhất định.

Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Công văn số 3175/BGDĐT-GDTrH, hướng dẫn đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá môn Ngữ văn ở trường phổ thông.

Theo đó, Bộ đã nêu rõ quan điểm chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra đánh giá môn Ngữ văn ở trường phổ thông cần:

1) Đảm bảo phát huy những mặt tích cực của cá tính, trí tưởng tượng, năng lực ngôn ngữ, năng lực văn học, tư duy hình tượng và tư duy logic;

2) Yêu cầu học sinh vận dụng kiến thức đã học và kĩ năng đọc, viết, nói, nghe vào bối cảnh và ngữ liệu mới; tạo cơ hội để học sinh khám phá, đề xuất ý tưởng và sáng tạo ra sản phẩm mới, gợi mở liên tưởng, tưởng tượng, huy động được vốn sống vào quá trình đọc, viết, nói, nghe;

3) Tránh dùng lại các văn bản đã học trong sách giáo khoa để kiểm tra nhằm khắc phục tình trạng học thuộc và sao chép;

4) Khuyến khích xây dựng đề kiểm tra để phát huy cao nhất khả năng sáng tạo của học sinh, hạn chế tính chủ quan, cảm tính của người chấm; tôn trọng cách nghĩ, cách cảm riêng của học sinh trên nguyên tắc không vi phạm các chuẩn mực…

Công văn 3175/BGDĐT-GDTrH không yêu cầu bắt buộc phải kiểm tra đánh giá môn Ngữ văn bằng hình thức trắc nghiệm.

Thế nhưng, thời gian qua dư luận lo lắng về kiểm tra đánh giá môn Ngữ văn bằng hình thức trắc nghiệm sẽ “không tốt” cho môn Ngữ văn.

Về vấn đề này, cô Đỗ Thị Thúy Dương, giáo viên Ngữ văn Trường Trung học phổ thông chuyên Lê Quý Đôn, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có một số chia sẻ kinh nghiệm của bản thân với thầy cô giáo quan tâm.

Nói về kiểm tra đánh giá môn Ngữ văn bằng hình thức trắc nghiệm, cô Đỗ Thị Thúy Dương cho biết:

“Cuộc sống đa dạng muôn vàn hình thái. Mỗi hình thái đều có những ưu khuyết nhất định, bổ trợ cho nhau. Điều này giúp làm đầy tư duy của nhân loại.

Xét vậy, việc kiểm tra đánh giá tất yếu cũng tồn tại nhiều loại hình. Bên cạnh tự luận, đương nhiên cần trắc nghiệm khách quan.

Trắc nghiệm khách quan có những thế mạnh, khắc phục hạn chế của tự luận: kiểm tra được diện rộng kiến thức và diện rộng học sinh trong một thời gian ngắn; tạo điều kiện để học sinh tự đánh giá kết quả học tập của mình một cách tương đối chính xác…

Với môi trường giáo dục hiện đại (khi công nghệ thông tin ngày càng phát triển, thâm nhập vào mọi bình diện trong đó có kiểm tra đánh giá), trắc nghiệm là một xu hướng tất yếu không thể tránh khỏi.

Tuy nhiên, trắc nghiệm khách quan chỉ thích hợp với mức độ nhận biết và thông hiểu, khó kiểm tra được khả năng vận dụng. Mặt khác, tư duy sâu về vấn đề kĩ năng diễn đạt, trình bày; sự sáng tạo, cá tính không được phát huy khi làm trắc nghiệm khách quan”.

Thực tế, hình thức trắc nghiệm môn Ngữ văn đã được sử dụng trong kiểm tra, thi như thế nào, cô Đỗ Thị Thúy Dương cho biết:

“Năm 2008 tôi đã soạn câu hỏi trắc nghiệm khách quan cho các “game” giáo dục. Năm 2022 khi giảng dạy Đánh giá năng lực ngôn ngữ tiếng Việt cho dự án CEE, cùng quá trình tham gia biên soạn sách Đánh giá năng lực, tôi có điều kiện nghiên cứu sâu hơn về xu hướng trắc nghiệm đối với môn Ngữ văn.

Năm 2022, câu hỏi trắc nghiệm môn Ngữ văn được sử dụng chính thức trong kì thi/ đề thi Đánh giá năng lực của một số đại học lớn.

Đề tham khảo của Đại học Quốc gia Hà Nội có 50 câu Ngữ văn – Ngôn ngữ (phần thi Định tính) trong tổng số 150 câu trắc nghiệm; của Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh có 20 câu ngôn ngữ tiếng Việt trong tổng số 120 câu trắc nghiệm.

Đề minh họa Bài thi môn Ngữ văn của Đại học Sư phạm Hà Nội có 3.0 điểm/10.0 điểm dành cho trắc nghiệm với 15 câu (đọc hiểu 3 văn bản ngoài chương trình, mỗi văn bản 5 câu); của Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh có 20 câu trắc nghiệm (15 câu đầu chủ yếu liên quan tới kiến thức ngữ văn và tiếng Việt trong chương trình hiện hành, 5 câu còn lại gắn với 1 văn bản ngoài chương trình).

Còn trong đề thi của Bộ thì sao? Hiện tại chưa một kì thi/ đề thi nào của Bộ Giáo dục có câu hỏi trắc nghiệm môn Ngữ văn.

Mặt khác, theo Công văn 3175 chưa có một hướng dẫn, chỉ đạo trực tiếp hay gián tiếp nào đề cập tới việc sử dụng câu hỏi trắc nghiệm trong kiểm tra, đánh gía Ngữ văn.

Bên cạnh đó, kiểm tra đánh giá hay bất cứ khâu đoạn nào đều cần hướng tới đặc trưng và mục tiêu của môn học. Ngữ văn là khoa học nghệ thuật, mục tiêu cuối cùng của dạy học bộ môn là phát triển năng lực thẩm mĩ, bồi đắp tâm hồn, nâng cao trình độ và năng lực tiếng Việt.

Công văn 3175 cũng nhấn mạnh yêu cầu với kiểm tra đánh giá: “phát huy những mặt tích cực của cá tính”; “đề xuất ý tưởng và tạo ra sản phẩm mới”; “Khuyến khích việc xây dựng đề mở trong kiểm tra đánh giá để phát huy cao nhất sự sáng tạo của học sinh”… Chiếu theo bình diện này, câu hỏi trắc nghiệm hoàn toàn “yếu thế” trong đề kiểm tra đánh giá môn Ngữ văn.

Làm thế nào để mỗi tổ bộ môn ở các trường Phổ thông sử dụng câu hỏi trách nghiệm khách quan hiệu quả trong kiểm tra đánh giá, cô Đỗ Thị Thúy Dương chia sẻ hướng tiếp cận vấn đề như sau:

1 - Xây dựng ma trận và ngân hàng câu hỏi chuẩn xác, đa dạng.

2 - Xác định rõ ưu điểm và hạn chế của câu hỏi trắc nghiệm và mục đích của mỗi lần kiểm tra đánh giá để đưa trắc nghiệm vào đề thi với liều lượng phù hợp.

Ví dụ: nếu mục đích một phần muốn học sinh tiếp cận với các đề thi Đánh giá năng lực có sử dụng câu hỏi trắc nghiệm khách quan (của 4 trường đại học đã thực hiện trong đánh giá năng lực như đã nêu trên), có thể tổ chức phần trắc nghiệm mà điểm tối đa 4.0 điểm.

Nếu muốn vừa tiệm cận các đề thi đánh giá năng lực vừa phục vụ cho kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông nên kết hợp trắc nghiệm và tự luận ở đọc hiểu….

Tựu chung lại, theo tôi, có thể dùng câu hỏi trắc nghiệm trong Ngữ văn để đa dạng hóa hình thức kiểm tra đánh giá nhưng chỉ ở một mức độ nhất định, không nên coi là hình thức chính và tuyệt đối hóa nó.

Sơn Quang Huyến