Mong Bộ Giáo dục bỏ quy định giáo viên THPT hạng I phải có bằng thạc sĩ

11/06/2022 07:00
Cao Nguyên
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Giáo viên trung học phổ thông có bằng thạc sĩ chưa hẳn đã giỏi chuyên môn, nghiệp vụ so với người chỉ có bằng cử nhân.

Ngày 02/02/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành các Thông tư số 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập.

Nhận thấy chùm Thông tư 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT còn nhiều bất cập, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung các Thông tư này.

Nhiều bài viết trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam thời gian qua bày tỏ sự đồng tình với một số thay đổi của chùm Thông tư như:

- Bỏ quy định giáo viên phải có chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp theo hạng;

- Bỏ quy định tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông ở từng hạng chức danh nghề nghiệp;

- Không yêu cầu giáo viên tiểu học, trung học cơ sở hạng I phải có trình độ thạc sĩ;

- Giáo viên được xếp lương tương ứng với hạng chức danh nghề nghiệp được bổ nhiệm;

- Giáo viên mầm non, phổ thông không cần nộp minh chứng đã thực hiện công việc của hạng khi thực hiện bổ nhiệm từ hạng chức danh nghề nghiệp cũ sang hạng chức danh nghề nghiệp mới.

Tuy nhiên, tôi không đồng tình với quy định giáo viên bậc trung học phổ thông hạng I phải "có bằng thạc sĩ trở lên thuộc ngành đào tạo giáo viên đối với giáo viên trung học phổ thông hoặc có bằng thạc sĩ trở lên chuyên ngành phù hợp với môn học giảng dạy hoặc có bằng thạc sĩ quản lý giáo dục trở lên". [1]

Giáo viên có bằng thạc sĩ chưa hẳn đã giỏi chuyên môn nghiệp vụ so với người chỉ có bằng cử nhân. (Ảnh minh họa)

Giáo viên có bằng thạc sĩ chưa hẳn đã giỏi chuyên môn nghiệp vụ so với người chỉ có bằng cử nhân. (Ảnh minh họa)

Thứ nhất, về thực tiễn, ngoài những nhiệm vụ của giáo viên trung học phổ thông hạng II, giáo viên trung học phổ thông hạng I phải thực hiện các nhiệm vụ sau thì không nhất thiết phải có bằng thạc sĩ:

- Tham gia biên soạn hoặc thẩm định hoặc lựa chọn sách giáo khoa, tài liệu giáo dục địa phương hoặc các tài liệu dạy học khác và tài liệu bồi dưỡng cho giáo viên;

- Làm báo cáo viên, chia sẻ kinh nghiệm hoặc dạy minh họa ở các lớp tập huấn, bồi dưỡng phát triển chuyên môn, nghiệp vụ giáo viên từ cấp tỉnh trở lên hoặc tham gia dạy học trên truyền hình;

- Chủ trì các nội dung bồi dưỡng, hướng dẫn đồng nghiệp triển khai chủ trương, nội dung đổi mới của ngành hoặc sinh hoạt chuyên đề từ cấp tỉnh trở lên;

- Tham gia đánh giá ngoài hoặc công tác kiểm tra chuyên môn, nghiệp vụ cho giáo viên từ cấp tỉnh trở lên;

- Tham gia ban tổ chức hoặc ban giám khảo hoặc ban ra đề trong các hội thi của giáo viên từ cấp tỉnh trở lên;

- Tham gia hướng dẫn hoặc đánh giá các hội thi hoặc các sản phẩm nghiên cứu khoa học kỹ thuật của học sinh trung học phổ thông từ cấp tỉnh trở lên;

- Tham gia ra đề và chấm thi học sinh giỏi trung học phổ thông từ cấp tỉnh trở lên.

Minh chứng là, cá nhân người viết (giáo viên hạng II) đang dạy bậc trung học phổ thông, làm công tác kiêm nhiệm tổ trưởng chuyên môn nhưng đều thực hiện tất cả những nhiệm vụ của giáo viên hạng I.

Cụ thể, tôi đã tham gia lựa chọn sách giáo khoa lớp 10 cho năm học 2022-2023; có giáo án dự thi đổi mới phương pháp dạy học đạt giải cấp tỉnh (tương đương với chia sẻ kinh nghiệm); luôn chủ trì các cuộc họp chuyên môn; thành viên của đoàn đánh giá ngoài; giám khảo các kì thi học sinh giỏi Olympic cấp tỉnh; hướng dẫn học sinh nghiên cứu khoa học kĩ thuật cấp tỉnh.

Giả sử, có giáo viên trung học phổ thông hạng II được thăng hạng I, liệu thầy cô có làm tốt hàng loạt nhiệm vụ như đã liệt kê hay không?

Đơn cử, giáo viên muốn chủ trì sinh hoạt chuyên môn thì phải có năng lực, được thể hiện qua quá trình giảng dạy, sự tích lũy kinh nghiệm, khả năng lãnh đạo quản lí... chứ không phải cứ được thăng hạng thì có thể làm tốt nhiệm vụ này.

Thứ hai, về hành lang pháp lí, Điều 72 Luật Giáo dục 2019 quy định trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo:

"Có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên đối với giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông. Trường hợp môn học chưa đủ giáo viên có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên thì phải có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm. Có bằng thạc sĩ đối với nhà giáo giảng dạy trình độ đại học". [2]

Như thế, Luật Giáo dục không yêu cầu giáo viên trung học phổ thông phải có bằng thạc sĩ.

Bên cạnh đó, Điều 5 Luật Giáo dục đại học (Luật số 08/2012/QH13) ngày 18/6/2012 của Quốc hội quy định mục tiêu của giáo dục như sau (trích):

"Đào tạo trình độ thạc sĩ để học viên có kiến thức khoa học nền tảng, có kỹ năng chuyên sâu cho nghiên cứu về một lĩnh vực khoa học hoặc hoạt động nghề nghiệp hiệu quả, có khả năng làm việc độc lập, sáng tạo và có năng lực phát hiện, giải quyết những vấn đề thuộc chuyên ngành được đào tạo". [3]

Như thế để thấy rằng, người có học vị thạc sĩ chủ yếu làm công tác khoa học vì họ được đào tạo một chuyên ngành hẹp. Còn giáo viên bậc trung học phổ thông cốt yếu phải giỏi chuyên môn và nghiệp vụ thì sẽ nâng cao chất lượng giảng dạy.

Và chưa có một khảo sát nào chứng minh rằng giáo viên có bằng thạc sĩ thì sẽ dạy giỏi hơn người chỉ có bằng cử nhân.

Dĩ nhiên, phần nhiều giáo viên có bằng thạc sĩ thì theo đó trình độ cũng được nâng cao, nhưng việc thầy cô có dạy giỏi hay không là còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố như khả năng truyền đạt, kinh nghiệm giảng dạy, lòng nhiệt huyết với nghề, am hiểu tâm lí lứa tuổi...

Ngoài ra tôi cũng băn khoăn, liệu giáo viên trung học phổ thông hạng I có cần bằng thạc sĩ quản lí giáo dục hay không?

Báo VTC News ngày 10/1/2021 dẫn lời Giáo sư Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng, yêu cầu giáo viên trung học phổ thông phải có bằng thạc sĩ, bằng cấp đó phải phù hợp với công tác chuyên môn.

"Ví thử người có bằng thạc sĩ quản lý không thể dạy Toán, Văn cấp 3. Vì chuyên môn của anh ta là quản lý. Nếu bảo anh ta dạy Toán, Văn khác nào bảo cá leo cây. Anh muốn dạy giỏi Toán, Văn thì anh phải là thạc sĩ Toán, thạc sĩ Văn.

Tuy nhiên tại Việt Nam yêu cầu bằng cấp còn khá chung chung, chưa quy định rõ, chỉ cần có bằng làm đẹp hồ sơ là được", Giáo sư Phạm Tất Dong nêu quan điểm, theo VTC News. [4]

Qua bài viết này, tôi mong Bộ Giáo dục và Đào tạo bỏ quy định yêu cầu giáo viên trung học phổ thông hạng I phải có bằng thạc sĩ. Bởi, về mặt thực tiễn và cả hành lang pháp lí đều chưa phù hợp như tôi đã chứng minh.

Tài liệu tham khảo:

[1] //luatvietnam.vn/co-cau-to-chuc/thong-tu-04-2021-tieu-chuan-xep-luong-giao-vien-thpt-cong-lap-198083-d1.html

[2] //luatvietnam.vn/giao-duc/luat-giao-duc-2019-175003-d1.html

[3] //thuvienphapluat.vn/van-ban/Giao-duc/Luat-Giao-duc-dai-hoc-2012-142762.aspx

[4] //vtc.vn/gs-pham-tat-dong-giao-vien-thpt-khong-can-bang-thac-si-ar589990.html

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Cao Nguyên