Một cách học Văn khác

26/08/2018 07:02
Phạm Toàn
(GDVN) - Con đường học Văn mới đem đến sự tự tin cho người học và mang lại kết quả đồng đều hơn, đồng thời cũng làm nảy sinh nhiều học sinh xuất sắc hơn.

LTS: Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam trân trọng giới thiệu bài viết thứ 2 của nhà giáo Phạm Toàn, một nhà giáo lão thành luôn dấn thân tìm ra giải pháp mới cho giáo dục.        

Văn phong, nội dung bài viết thể hiện quan điểm, góc nhìn của tác giả và nhóm Cánh Buồm.

Lịch sử của cách học Văn mang tên Cánh Buồm

Đây là cách học Văn mang tên Cánh Buồm. Nó ra đời và trưởng thành như thế nào?

Cách học Văn này được hình thành từ cuối những năm 1970 tại hệ thống trường thực nghiệm Giáo dục phổ thông dưới sự chỉ đạo khoa học của giáo sư Hồ Ngọc Đại.

Năm 1986, nhờ có nhà văn Nguyên Ngọc làm tổng biên tập, một bài báo mang tính tuyên ngôn về học Văn đã được đăng trên báo Văn nghệ - bài Sao lại học Văn? của tác giả Phạm Toàn.

Bài này sau được in lại thành chương 4 sách Công nghệ dạy Văn của cùng tác giả (Nhà xuất bản Đại học Quốc gia, Hà Nội, 2000, Lao động tái bản năm 2004).  

Cũng từ năm 1986, các tập sách giáo khoa thực nghiệm Văn lớp 2, Văn lớp 3, Văn lớp 4 đã ra đời, do giáo sư Hồ Ngọc Đại chỉ đạo khoa học, và Phạm Toàn chủ biên.

Một cách học Văn khác  ảnh 1Cánh Buồm: Cách tổ chức việc tự học tiếng Việt và Văn

Từ năm 2012, bộ sách Văn bậc tiểu học do nhóm Cánh Buồm biên soạn đã có đủ từ lớp 1 đến lớp 5.

Đến năm 2016, bộ sách Văn bậc tiểu học và trung học cơ sở do nhóm Cánh Buồm biên soạn đã có từ lớp 1 đến lớp 9.

Toàn bộ sách Văn cũng như sách Tiếng Việt cùng các bộ sách Lối sống, Khoa học Tiếng Anh lẫn các sách khác của nhóm Cánh Buồm đều do nhà xuất bản Tri thức công bố tại Hà Nội trong các lần xuất bản và tái bản.

Nội dung cách học

Nội dung khoa học từ điểm khởi đầu được giáo sư Hồ Ngọc Đại hướng dẫn có thể gói gọn trong ba điểm mấu chốt:

Đầu tiên: Công thức A -> a (đọc A lớn mũi tên a nhỏ) có ý nghĩa là tổ chức cho trẻ em chuyển được cái A lớn trong cuộc sống thành cái năng lực a nhỏ trong tâm lý của mình.

Thứ hai: Việc chuyển A lớn thành a nhỏ đó được tiến hành theo cách đi lại con đường người đi trước đã đi tức con đường của người nghiên cứu khoa học, hoặc là người nghệ sĩ.

Thứ 3: Công việc chuyển A lớn thành a nhỏ không diễn ra qua lời giảng giải và ghi nhớ máy móc, mà tiến hành bằng hệ thống việc làm theo một quy trình công nghệ chặt chẽ.

Việc làm của nhóm Cánh Buồm liên quan đến việc tổ chức học Văn của học sinh phổ thông là đã xác định những “việc làm” của người nghệ sĩ để tổ chức cho học sinh “làm lại”.

Một cách học Văn khác  ảnh 2Bản chất của việc học - cơ sở lý luận của Cánh Buồm

Tức là đã trả lời được câu hỏi: người nghệ sĩ đã sống và hành động như thế nào để có tác phẩm nghệ thuật.

Cánh Buồm đã soạn các sách giáo khoa thể hiện việc làm của học sinh tiểu học như sau:

Lớp Một – tập làm lại tâm tư của người nghệ sĩ đã thông cảm với cuộc sống thực – từ đó sách Văn lớp 1 có chủ đề đồng cảm được học qua các trò chơi đóng vai.

Lớp Hai – tập làm lại thao tác tưởng tượng để tạo ra tác phẩm nghệ thuật – từ đó sách Văn lớp 2 có chủ đề tưởng tượng để học sinh tái tạo các hình tượng bắt gặp trong tác phẩm.

Lớp Ba – tập làm lại thao tác liên tưởng để những hình tượng không còn tính chất ngẫu nhiên mà mang hẳn một ý (như một “nghĩa bóng”) – từ đó sách Văn lớp 3 có chủ đề liên tưởng để học sinh tập làm ra cái “nghĩa bóng” cho cái hình tượng mang nghĩa đen.

Lớp Bốn – tập làm lại thao tác sắp xếp để tạo ra những bố cục khác nhau. Đây là giai đoạn cho trẻ em tập tự tạo một kỷ luật nghệ thuật.

Lớp Năm – tập vận dụng phương pháp đã nắm bắt vào các dạng nghệ thuật khác nhau: văn tự sự, thơ, kịch, hội họa, nhảy múa, âm nhạc.

Công việc học tập tiến hành như trên ở bậc tiểu học giúp học sinh biết cách học Văn. Thậm chí, đó là con đường sẽ dẫn học sinh đến chỗ yêu thích Văn học và Nghệ thuật.

Nó không diễn ra bằng cách giảng giải, mà bằng cách cho học sinh sống như người nghệ sĩ đã sống để gửi cho đời những tác phẩm có giá trị.

Phương pháp xưa nay ở nhà trường được gắn với phương pháp dạy học của nhà giáo.

Phương pháp từ đây sẽ được coi như cách làm ra sản phẩm với những việc làm rõ rệt rất dễ cho người dạy tổ chức cho học sinh thực hiện – đó là phương pháp học và cái “cách học” đó diễn ra theo cách đi lại con đường người đi trước đã đi.

Một cách học Văn khác  ảnh 3Nhóm Cánh Buồm công bố tài liệu công trình bộ sách giáo khoa bậc Trung học

Lên bậc trung học cơ sở, học sinh sẽ dùng cái cách học đã biết để cùng bè bạn và giáo viên khám phá tiếp và tiếp tục làm lại những việc làm của người đi trước ở bậc cao hơn.

Cụ thể là:

Lớp Sáu – học về cảm hứng nghệ thuật để cùng trả lời tại sao người nghệ sĩ lại làm ra tác phẩm nghệ thuật.

Cảm hứng đó chính là sự tiếp nối của lòng đồng cảm và thể hiện theo cách riêng của người nghệ sĩ.

Vì thế, trong sách Văn lớp 6 Cánh Buồm có nội dung như tại sao viết văn, tại sao làm thơ, tại sao vẽ tranh, tại sao diễn kịch…  

Lớp By – học về cách giải mã tác phẩm nghệ thuật để tập tự tìm hiểu và sống với thể loại thơ kịch…

Thơ ca dân gian đã phát triển từ truyền khẩu sang các cách biểu đạt phát triển hơn như thế nào. Kịch cũng đi từ hát chèo sang kịch nghệ mới hơn ra sao.

Lớp Tám – học tiếp về cách giải mã tác phẩm nghệ thuật để tập tự tìm hiểu và sống với thể loại tự sự… Những tự sự từ thời truyền khẩu đã tiến sang giai đoạn hiện đại như thế nào. Tiểu thuyết lịch sử, truyện trẻ em, truyện khoa học… ra đời như thế nào và có giá trị ra sao…

Lớp Chín – tạm kết thúc công việc học Văn ở trường phổ thông. Học sinh tiếp tục học hai tác phẩm: Truyện Kiều của Nguyễn Du và Faust của nhà thơ Đức Goethe.

Truyện  Kiều được học theo lối kể chuyện, đố Kiều, bói Kiều, vịnh Kiều… con đường dân gian quen thuộc khiến cho Kiều đã sống thực sự trong dân tộc.

Faust kết thúc cuộc học Văn với tác phẩm mang chủ đề nhân loại con người tiến lên qua những lầm lạc.

Một cuộc triển lãm báo cáo kết quả học tập do học sinh cùng làm (Ảnh: tác giả cung cấp).
Một cuộc triển lãm báo cáo kết quả học tập do học sinh cùng làm (Ảnh: tác giả cung cấp).

Quá trình triển khai

Nhóm Cánh Buồm biết rất rõ rằng có nhiều bạn đọc sẽ thấy một cách học Văn như trên mang nội dung quá nặng với trẻ em.

Thực tiễn dùng sách, dù còn ở một phạm vi rất hẹp, vẫn cho các tác giả thấy rõ con đường tập tự học đã đem đến hứng thú học Văn cho học sinh.

Con đường học Văn qua hình thức giảng giải vẫn có thể có kết quả, nhưng trình độ cao nhất là đến gần được trình độ của người rao giảng.

Con đường học Văn mới đem đến sự tự tin cho người học và mang lại kết quả đồng đều hơn, đồng thời cũng làm nảy sinh nhiều học sinh xuất sắc hơn.

Nhóm Cánh Buồm kiên trì tổ chức những cuộc Hội thảo hàng năm tại Trung tâm Văn hóa Pháp ở Hà Nội, mà những tên hội thảo cho thấy chủ ý, Hiểu trẻ em - Dạy trẻ em (2009), Chào Lớp Một (2010), Tự học – Tự giáo dục (2011), Em biết cách học (2012)… Cao hơn Xa hơn và dễ tự học hơn (2014)

Trung tâm Văn hóa Pháp cũng giúp Cánh Buồm tổ chức hai cuộc Hội thảo tại Viện IDECAF Thành phố Hồ Chí Minh.

Trò chuyện cùng nhóm Cánh Buồm: Cải cách nhà cải cách - ưu tiên của mọi ưu tiên

Nhóm Cánh Buồm cũng được vinh dự báo cáo công việc tại Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam vào tháng 3/2010 và vào mùa hè năm 2013.

Ủy ban Văn hóa – Giáo dục – Thanh niên - Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cũng hai lần nghe nhóm báo cáo công việc, một lần vào ngày 17/7/2014 và một lần vào ngày 5/6/2017.

Chúng tôi mong muốn bạn đọc dùng thử sách Cánh Buồm và chúng ta cùng nhau làm cho cách học Văn mới được phổ biến, sao cho học sinh được trưởng thành – qua học Văn mà tâm hồn trong sáng hơn, cách sống nhạy cảm và tinh tế hơn… 

Phạm Toàn