LTS: Sau nhiều sự cố đáng buồn liên quan đến những tiêu cực trong giáo dục, thầy giáo Nguyễn Cao cho rằng mỗi chúng ta đều cần chung tay để đổi mới giáo dục, hướng đến một nền giáo dục tốt hơn.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Chỉ trong vòng hơn 1 tháng qua, những sự cố giáo dục liên tục xảy ra ở khắp nơi trong cả nước. Giáo viên đánh học trò ở Quảng Bình, Hà Nội, Long An, Đắk Lắk, An Giang… đã trở thành nỗi ám ảnh cho toàn xã hội.
Học trò đánh thầy ở Bình Định phải nhập viện, Hiệu trưởng xâm hại hàng chục học trò ngay tại trường ở Phú Thọ… Những sự việc như thế đã khiến cho dư luận bàng hoàng về tính chất, mức độ.
Và, mỗi khi những sự việc như vậy xảy ra thì nhiều người lại nhìn vào Bộ trưởng mà quên đi vai trò của Ban Giám hiệu, Phòng, Sở Giáo dục và lãnh đạo các địa phương đang giữ một vai trò rất lớn.
Mỗi người cần chung tay thay đổi để đổi mới giáo dục. Ảnh minh họa: VOV |
Những sự cố giáo dục xảy ra thì Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm không? Tất nhiên là có rồi bởi Bộ trưởng là Tư lệnh ngành, là người chịu trách nhiệm về ngành của mình đang phụ trách.
Tuy nhiên, một mình Bộ trưởng có làm được không? Làm sao Bộ trưởng có thể đi vào chi tiết hoạt động của tất cả các nhà trường được.
Điều Bộ trưởng và lãnh đạo Bộ có thể làm là chỉ đạo và ban hành các chính sách vĩ mô.
Những công việc chi tiết thuộc về lãnh đạo ngành giáo dục địa phương, các hiệu trưởng nhà trường và các cơ quan chức năng liên quan của địa phương đó. Bởi, các văn bản hiện hành cũng đã quy định rất rõ điều này.
Tại Nghị định số 69/2017/NĐ-CP ngày 25/5/2017 đã quy định về chức năng của Bộ Giáo dục như sau:
“Bộ Giáo dục và Đào tạo là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, trung cấp sư phạm, cao đẳng sư phạm, giáo dục đại học và các cơ sở giáo dục khác về:
Mục tiêu, chương trình, nội dung giáo dục; quy chế thi, tuyển sinh và văn bằng, chứng chỉ; phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; cơ sở vật chất và thiết bị trường học; bảo đảm chất lượng, kiểm định chất lượng giáo dục; quản lý nhà nước các dịch vụ sự nghiệp công thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ”.
Bắt phải nghe lời, người lớn luôn luôn đúng khiến trẻ bị xâm hại tình dục |
Điều này cho chúng ta thấy rằng chức năng chính của Bộ Giáo dục và Đào tạo là quản lý nhà nước, phát triển đội ngũ và phát triển các nội dung giáo dục.
Việc quản lý con người phải thuộc về các Uỷ ban Nhân dân huyện, tỉnh của các địa phương.
Chúng ta đều thấy rõ bất cập hiện nay đó là mặc dù là cơ quan chủ quản nhưng tuyển dụng và bổ nhiệm nhân sự của ngành giáo dục không phải là chức năng của Bộ Giáo dục mà là của Bộ Nội vụ, của Uỷ ban Nhân dân tỉnh, huyện.
Thế nhưng, mỗi khi ngành giáo dục có những sự cố về đạo đức nhà giáo thì các Uỷ ban Nhân dân các cấp thường không bị dư luận hướng tới. Thậm chí, rất ít khi các Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh, huyện lên tiếng.
Còn nhớ, sau khi vụ việc tiêu cực trong kỳ thi Trung học phổ thông Quốc gia xảy ra ở nhiều địa phương, trên các phương tiện thông tin đại chúng chủ yếu hướng vào Bộ Giáo dục - điều này cũng hoàn toàn hợp lý.
Nhưng, điều chúng ta quên mất là Chủ tịch Hội đồng thi ở các tỉnh (thành) là Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh. Nếu vai trò chỉ đạo, quán triệt của các vị này làm tốt, phối hợp tốt với Bộ Giáo dục thì có xảy ra tiêu cực không?
Quay lại với các sự việc tai tiếng vừa qua ở ngành giáo dục, điều mà chúng ta thấy đó là đạo đức của một bộ phận giáo viên hiện nay có vấn đề.
Vẫn biết, học sinh bây giờ có nhiều em chán học, chậm tiếp thu kiến thức, có những lúc vô lễ với thầy cô giáo đang trực tiếp giảng dạy mình.
Nhưng, không phải vì thế mà giáo viên thẳng tay đánh học trò. Vết thương trên da thịt học trò có thể nhanh chóng lành nhưng vết thương tinh thần của các em, của ngành giáo dục còn phải rất lâu mới có thể khuây khỏa được.
Chúng ta cùng thay đổi, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ vừa nói với thầy cô |
Mới đây nhất là trường hợp Hiệu trưởng Đinh Bằng My - người chịu quản lý trực tiếp của Uỷ ban Nhân dân huyện Thanh Sơn (Phú Thọ) lại có thể làm những chuyện bệnh hoạn như vậy với học trò.
Nhưng, điều chúng ta thấy rất rõ là cơ quan nào cử ông My đi học quản lý, ai cử ông đi học trung cấp chính trị, ai bổ nhiệm ông này làm hiệu trưởng, ai ký quyết định công nhận ông này làm Bí thư chi bộ nhà trường?
Tất nhiên, không thể là Bộ trưởng Giáo dục Phùng Xuân Nhạ được. Vì thế, trách nhiệm thuộc về Uỷ ban Nhân dân huyện, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thanh Sơn trong suốt quá trình bổ nhiệm và giám sát, đánh giá ông My hàng năm.
Những sự cố đầy tai tiếng đã xảy ra trong thời gian qua ở ngành giáo dục đã để lại hậu quả rất lớn cho ngành và toàn xã hội.
Vì thế, trước những diễn biến như vậy, đòi hỏi sự nỗ lực phấn đấu, trau dồi đạo đức của mỗi cá nhân và sự chung tay của tất cả các cơ quan chức năng. Trong đó, theo chúng tôi thì lãnh đạo địa phương cần phải sâu sát nhiều hơn nữa.
Trong quá trình giám sát, đánh giá, phân loại giáo viên, đảng viên hàng năm cần có những chỉ đạo phù hợp, kịp thời để phòng tránh những sự cố đánh tiếc có thể xảy ra.
Những cán bộ quản lý, giáo viên đang công tác trực tiếp trong ngành giáo dục cần nêu cao tính gương mẫu về đạo đức của người thầy.
Những trường hợp vi phạm cần được đưa ra kỷ luật, lãnh đạo nhà trường, địa phương không nên giấu diếm, cũng đừng nên quá sợ các cơ quan báo chí mà xử lý nội bộ một cách nhẹ nhàng êm xuôi để rồi những trường hợp vi phạm đó chưa đủ sức “nêu gương” cho những người khác.
Chia sẻ của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trong buổi làm việc ở Yên Bái ngày 17/12 vừa qua, chúng tôi xem là tâm đắc và chí tình: “Để giáo viên thay đổi thì Hiệu trưởng phải thay đổi, cán bộ quản lý giáo dục Phòng, Sở phải thay đổi, tôi và những người làm ở Bộ Giáo dục- Đào tạo cũng cần phải thay đổi”.
Và, chắc chắn để ngành giáo dục đi lên, không có những sự cố buồn thì không có gì thuyết phục hơn là mọi người cùng thay đổi, cùng chung tay vì sự nghiệp giáo dục nước nhà.