48 thầy cô đến từ nhiều vùng miền trên cả nước được tuyên dương tại chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” 2018 là những tấm gương tiêu biểu trong dạy dỗ, chăm sóc trẻ khuyết tật.
Đó không chỉ là những giáo viên đang công tác trong các trung tâm, cơ sở chăm sóc, dạy trẻ khuyết tật mà còn có cả những người dạy hòa nhập cho trẻ khuyết tật trong trường học bình thường.
Nhưng dù ở đâu mỗi người thầy, người cô đều luôn yêu thương hết lòng vì những học sinh khuyết tật, kém may mắn.
Tôi vô cùng xúc động trước câu chuyện kể của thầy giáo khiếm thính Võ Duy Quang (sinh năm 1988), "người lái đò" đặc biệt của Trường nuôi dạy trẻ khiếm thính tỉnh Lâm Đồng đã chọn nghề giáo thay vì đam mê thiết kế thời trang để có thể dạy dỗ cho các em khuyết tật ngay tại chính ngôi trường mà mình đã từng trưởng thành.
Tính đến nay thầy Quang đã có 4,5 năm nuôi dạy trẻ khiếm thính.
Thầy giáo khiếm thính Võ Duy Quang (hàng đầu, ngồi giữa) chia sẻ về việc dạy cho các em khiếm thính. (Ảnh: Thùy Linh) |
Theo lời kể của thầy, tôi được biết, khi tốt nghiệp lớp 12 với nhiều băn khoăn chọn ngành học nào tiếp theo thì cậu học trò tên Quang khi đó quan sát nhiều trường học trên cả nước thấy học sinh khiếm thính gặp nhiều khó khăn, thiệt thòi, đặc biệt là không có môi trường để học lên cao.
Nhớ lại tuổi thơ của mình, thầy Quang kể: “Khi là học sinh cấp 1, giáo viên sử dụng phương pháp lời nói để giảng dạy cho tôi nhưng tôi không hiểu được gì cả, chính vì thế tôi rất thấu hiểu sự khó khăn của trẻ khiếm thính.
Xuất phát từ ý nghĩ đó, quyết định chọn học sư phạm với mong muốn giúp các em có hoàn cảnh giống như tôi có thể không mất nhiều thời gian như tôi để có thể học từ cấp 1 lên đến hết cấp 3, hòa nhập với xã hội và trở thành những con người thành đạt”.
Những tưởng thầy – trò đồng cảnh ngộ thì sẽ không gặp khó khăn trong quá trình giảng dạy nhưng thầy Quang cho biết, thật sự là có rất nhiều khó khăn.
Thầy Quang chia sẻ, học sinh khiếm thính đến học ở trường với nhiều lứa tuổi khác nhau, đặc biệt các em chưa hề được can thiệp phương pháp nào phù hợp do đó, các em hoàn toàn mất khoảng thời gian từ 0-6 tuổi trong đầu không có ngôn ngữ, kiến thức để phát triển.
Hay đối với học sinh lớp 1, học sinh dự bị vào lớp 1, nhiều em 8, 9 tuổi mới đi học trong khi nền tảng kiến thức của các em là con số 0, lúc đó người thầy phải rất kiên trì, cố gắng truyền đạt để học sinh biết được rằng các em có ngôn ngữ kí hiệu từ đó học thêm để giao tiếp có như vậy mới thay đổi cuộc sống của mình.
Thầy Võ Duy Quang được tôn vinh tại chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" năm 2018. (Ảnh: Thùy Linh) |
Gửi tình cảm tri ân tới các thầy cô đặc biệt là các thầy cô có mặt trong chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2018 tối 15/11, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng gửi lời cám ơn đến các em học sinh khuyết tật cũng như rất nhiều tấm gương người khuyết tật dù thiệt thòi về thể chất, tinh thần đã luôn nỗ lực vươn lên trở thành người có ích cho xã hội.
Rất nhiều người làm được những việc mà có khi nhiều người khỏe mạnh cũng không làm được trong học tập, hoạt động xã hội, thể thao… làm cho thế giới biết nhiều hơn về đất nước Việt Nam.
Mặc dù đã có thêm nhiều trường chuyên biệt, nhiều trường học dạy hòa nhập cho trẻ khuyết tật, nhiều giáo viên trẻ lựa chọn công việc gian nan này nhưng Phó Thủ tướng cũng nhắc lại số liệu thống kê trong 100 trẻ khuyết tật ở độ tuổi đến trường mới chỉ có 6 cháu được đi học.
“Số trẻ khuyết tật đến trường còn quá thấp. Điều này phải trở thành một nội dung rất quan trọng trong đổi mới giáo dục thời gian tới. Việc đưa trẻ khuyết tật đến trường đòi hỏi nỗ lực của cả các thầy cô giáo lẫn phụ huynh và học sinh.
Do đó, chúng ta cần tạo điều kiện, phong trào để tất cả các học sinh, thầy cô và phụ huynh nhận thức được, cùng chung tay. Đây không chỉ là đạo lý, tình cảm, truyền thống của dân tộc mà còn là trách nhiệm.
Trong các trường phổ thông bình thường cũng cần có quy định từ cơ sở vật chất, lối đi, bàn ghế, chuẩn bị cho các cháu về tâm lý, trang bị kiến thức, kinh nghiệm cho thầy cô về việc này”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.