Một số giáo viên căn ke từng 0,1 điểm với học sinh, có nên?

06/06/2024 09:09
Cao Nguyên
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Không ít giáo viên chưa hiểu cặn kẽ Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT quy định về đánh giá học sinh THCS và THPT nên căn ke từng 0,1 điểm với học sinh.

Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT quy định về đánh giá kết quả học tập trong từng học kì, cả năm học đối với học sinh trung học cơ sở và học sinh trung học phổ thông gồm 4 mức: Tốt, Khá, Đạt, Chưa đạt.

Nhiều học sinh chỉ cần 0,1 điểm là đã thay đổi kết quả xếp loại học kì, năm học. Chỉ cần 0,1 điểm, các em sẽ được xếp loại Đạt thay vì Chưa đạt. Tương tự, xếp loại từ Đạt lên Khá; từ Khá lên Tốt.

Tuy vậy, người viết là giáo viên trung học phổ thông nhận thấy, nhiều giáo viên vẫn căn ke từng 0,1 điểm với học sinh, dẫn đến có em phải kiểm tra lại hoặc không được xếp loại Khá, Tốt là rất đáng tiếc.

học thcs.jpg
Ảnh minh họa.

Một số giáo viên chia sẻ với người viết rằng, nếu cho em này thêm 0,1 điểm thì sẽ gây mất công bằng với những em khác. Thế nhưng, người viết không đồng tình với quan điểm này về cả lí và tình vì những lí do sau đây.

Thứ nhất, khoản 4 Điều 4 (Yêu cầu đánh giá) Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT nêu:

"Đánh giá vì sự tiến bộ của học sinh; coi trọng việc động viên, khuyến khích sự cố gắng trong rèn luyện và học tập của học sinh; không so sánh học sinh với nhau."

Như thế, việc đánh giá học sinh không giống như phép tính trong toán học - đòi hỏi sự chính xác tuyệt đối - mà phải mang tính nhân văn.

Có học sinh chỉ cần 0,1 điểm là được xếp loại Đạt thay vì Chưa đạt (ví dụ môn Toán từ 3,4 lên 3,5). Học sinh được xếp loại Đạt thì các em (và thầy cô giáo) không phải mất thời gian, công sức ôn tập và kiểm tra lại trong hè.

Học sinh bậc trung học cơ sở, trung học phổ thông đã biết xấu hổ với bạn bè, thầy cô khi bị kiểm tra lại. Người viết đã từng chứng kiến không ít học sinh đã bỏ học giữa chừng do phải kiểm tra lại.

Dĩ nhiên, người viết không hề cổ xuý việc giáo viên cho điểm khống. Người viết cũng không hề đánh giá thấp việc giáo viên cho học sinh kiểm tra lại.

Thay vào đó, giáo viên bộ môn nên cho học sinh làm một, hai bài kiểm tra thường xuyên (hệ số 1) để cải thiện điểm. Ví dụ, đối với môn Tiếng Anh, học sinh còn yếu ngữ pháp thì giáo viên cho các em kiểm tra từ vựng hoặc nói, nghe.

Nếu học sinh làm bài kiểm tra (lấy cột điểm thường xuyên) lần 1, lần 2 vẫn không đạt thì phải kiểm tra lại cuối năm (giáo viên thường quen gọi là thi lại). Học sinh làm bài không đạt yêu cầu thì phải chấp nhận ở lại lớp để học lại.

Thứ hai, khoản 2 Điều 6 Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT (Đánh giá thường xuyên) có quy định như sau:

"Đối với một môn học, mỗi học sinh được kiểm tra, đánh giá nhiều lần, trong đó chọn một số lần kiểm tra, đánh giá phù hợp với tiến trình dạy học theo kế hoạch giáo dục của tổ chuyên môn, ghi kết quả đánh giá vào sổ theo dõi và đánh giá học sinh (theo lớp học) để sử dụng trong việc đánh giá kết quả học tập môn học theo quy định tại khoản 1 Điều 9 Thông tư này".

Ví dụ môn Ngữ văn 10 (không bao gồm chuyên đề học tập) có 105 tiết/năm, theo quy định có 4 cột điểm đánh giá thường xuyên (hệ số 1).

Theo khoản 2 Điều 6 như đã dẫn, giáo viên bộ môn có thể cho học sinh kiểm tra 6, 7 lần và chọn ra 4 cột điểm cao nhất để vào sổ theo dõi và đánh giá học sinh.

Học sinh được kiểm tra nhiều lần thì các em sẽ có thêm cơ hội để cải thiện điểm. Có điều, học sinh làm bài kiểm tra nhiều lần thì giáo viên sẽ mất công công chấm nên thầy cô thường cho các em làm ở mức tối thiểu.

Có trường hợp học sinh sẽ được từ xếp loại từ Đạt lên Khá (từ 6,4 lên 6,5) hoặc từ Khá lên Tốt (từ 7,9 lên 8) nhưng giáo viên vẫn nhất quyết không cho các em kiểm tra lại, theo người viết là chưa thấu tình đạt lí.

Ví dụ, môn Ngữ văn, học sinh A có điểm số như sau: điểm kiểm tra thường xuyên: 7, 7, 7, 7; điểm kiểm tra giữa kì 2: 6; điểm kiểm tra cuối năm: 6. Học sinh A có điểm trung bình môn Ngữ văn cả năm là 6,44 (làm tròn 6,4).

Nếu giáo viên cho học sinh A kiểm tra lại, giả sử điểm kiểm tra thường xuyên của em là 7, 7, 7, 8 thì điểm trung bình môn Ngữ văn cả năm là 6,55 (làm tròn 6,6).

Thêm 0,1 điểm, học sinh được xếp loại từ Đạt lên Khá hoặc từ Khá lên Tốt, sẽ góp phần giúp các em có thêm động lực trong học tập.

Thứ ba, có giáo viên nêu lí lẽ, sở dĩ thầy cô không cho các em làm bài kiểm tra lại để có thể lấy thêm 0,1 điểm là vì các môn kiểm tra theo hình thức trắc nghiệm được chấm từ 0,2 điểm.

Người viết cũng không đồng tình với lí lẽ này, bởi lẽ khoản 1 Điều 7 Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT quy định đánh giá định kì (giữa kì, cuối kì) như sau:

"Đánh giá định kì (không thực hiện đối với cụm chuyên đề học tập), gồm đánh giá giữa kì và đánh giá cuối kì, được thực hiện thông qua: bài kiểm tra (trên giấy hoặc trên máy tính), bài thực hành, dự án học tập."

Có thể nhận thấy, việc đánh giá định kì được quy định rất đa dạng theo các hình thức như: bài kiểm tra (trên giấy hoặc trên máy tính), bài thực hành, dự án học tập.

Nhưng, theo ghi nhận của người viết, nhiều trường trung học cơ sở, trung học phổ thông thực hiện đánh giá định kì rất đơn điệu.

Các nhà trường chủ yếu tổ chức kiểm tra theo hình thức tự luận hoặc trắc nghiệm nên chưa đánh giá được năng lực học sinh một cách toàn diện.

Ví dụ, môn Tiếng Anh chỉ kiểm tra theo hình thức trắc nghiệm thì làm sao đánh giá được khả năng nghe và nói của các em.

Nhiều học sinh nghe, nói tốt nhưng hạn chế về ngữ pháp, nếu bài kiểm tra chỉ thiên về ngữ pháp thì rõ ràng gây thiệt thòi rất lớn cho các em.

Quan điểm cá nhân người viết cho rằng, nếu giáo viên vì một lí do nào đó mà nâng điểm vô tội vạ cho học sinh là rất đáng chê trách, đáng lên án.

Còn việc thầy cô giáo tạo điều kiện cho học sinh kiểm tra lại để cải thiện cột điểm thường xuyên là việc nên làm, cần làm.

Điều này còn thể hiện tinh thần của Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT: Quan điểm đổi mới về hoạt động kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực và sự tiến bộ của học sinh.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Cao Nguyên