Một số giáo viên nói học chứng chỉ chức danh nghề nghiệp chỉ "cưỡi ngựa xem hoa"

15/03/2021 06:36
Phạm Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nhiều giáo viên khẳng định chứng chỉ chức danh nghề nghiệp không có ý nghĩa đối với công tác dạy học mà chỉ mang tính hình thức, ép buộc cứng nhắc.

Trước các Thông tư 01, 02, 03, 04 quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, các trường phổ thông công lập được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, nhiều giáo viên bày tỏ sự lo lắng về việc "giữ hạng, giữ lương".

Đặc biệt hầu hết giáo viên chia sẻ mong muốn bỏ chứng chỉ chức danh nghề nghiệp đang tồn tại nhiều vấn đề bất cập.

2,5 triệu đồng cho 10 buổi học để lấy chứng chỉ và những trăn trở của giáo viên

Sau một buổi học chứng chỉ chức danh nghề nghiệp tại trường một trường cao đẳng sư phạm, cô P, giáo viên tại tỉnh Nghệ An đã chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về những giờ học không mấy hiệu quả mà cô đã tham gia.

Cô P cho biết: "Bản thân tôi thấy chứng chỉ chức danh nghề nghiệp chỉ mang tính hình thức, không có ý nghĩa gì với công tác dạy và học tại trường, lại khiến giáo viên tốn kém về thời gian, tiền bạc.

Về thời gian và chi phí để học tập, ban đầu họ thông báo học 8 buổi, sau đó là 10 buổi, chi phí đào tạo hết 2,5 triệu đồng mỗi giáo viên.

Tuy nhiên, điều đáng nói là việc dạy học giống như "cưỡi ngựa xem hoa", người dạy chỉ trình chiếu slide trong khi đa số giáo viên không hứng thú với việc học, thoải mái làm việc riêng. Một phần vì nội dung không hữu ích, không thiết thực và cách thức truyền đạt nhàm chán".

Cô P cho rằng chứng chỉ chức danh nghề nghiệp không giúp giáo viên nâng cao chuyên môn, không có ý nghĩa đối với công tác giảng dạy (Ảnh minh họa: Phạm Minh)

Cô P cho rằng chứng chỉ chức danh nghề nghiệp không giúp giáo viên nâng cao chuyên môn, không có ý nghĩa đối với công tác giảng dạy (Ảnh minh họa: Phạm Minh)

Theo cô P, nội dung học chứng chỉ chức danh nghề nghiệp được chia làm ba phần. Phần thứ nhất là kiến thức chính trị, quản lý nhà nước và các kỹ năng chung. Phần thứ hai là kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp. Phần thứ ba là tìm hiểu thực tế và viết bài thu hoạch.

"Về kiến thức chính trị, tôi đã học thông qua các lớp bồi dưỡng Đảng và đã được học khi là sinh viên của trường cao đẳng sư phạm. Về quản lý nhà nước, giáo viên cũng đã từng được học, giáo viên có thể tự tìm hiểu thêm qua nhiều kênh thông tin nhưng với giáo viên không đảm nhận vai trò quản lý, rõ ràng việc học tập nâng cao trình độ chuyên môn là quan trọng hơn.

Đối với kiến thức kỹ năng nghề nghiệp, chúng tôi theo chuyên ngành sư phạm nên kiến thức kỹ năng nghề nghiệp đã được đào tạo chuyên sâu. Còn nếu học từ 3 -5 buổi để lấy chứng chỉ thì liệu rằng có hiệu quả hay không?

Bên cạnh đó, quá trình dạy học, trao đổi chuyên môn và quá trình tự học, giáo viên sẽ phải luôn rèn luyện về kỹ năng, tìm hiểu kiến thức mới.

Về đạo đức nghề nghiệp, tâm lý lứa tuổi học sinh, trong chuyên ngành đào tạo sư phạm đều có. Một tờ chứng chỉ không khẳng định được điều gì và không giúp ích gì cho giáo viên, học sinh", cô P nêu quan điểm.

Ngoài ra, cô P cũng nhấn mạnh vai trò của việc học tập, bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên. Giáo dục đang trên hành trình đổi mới với nhiều thách thức, việc giáo viên học tập, bồi dưỡng để nâng cao kiến thức, trình độ chuyên môn là cần thiết.

Tuy nhiên, việc đào tạo để lấy chứng chỉ chức danh nghề nghiệp không phục vụ công cuộc đổi mới của giáo dục, không có ý nghĩa thực tiễn đối với việc dạy và học trong nhà trường.

Trong khi yêu cầu về chứng chỉ này mang tính hình thức thì việc học tập của giáo viên cũng mang tính đối phó, miễn cưỡng. Giáo viên chỉ học chứng chỉ nhằm mục đích giữ hạng, thăng hạng. Nội dung học tập không thiết thực thì động lực học tập của giáo viên cũng không có.

"Vấn đề cần quan tâm hiện nay là hiệu quả của đổi mới giáo dục, hiệu quả và chất lượng dạy học. Giáo viên nên học tập và nên được đào tạo, bồi dưỡng thêm. Tuy nhiên, học cái gì và học như thế nào mới là vấn đề cần lưu tâm.

Cần đào tạo cho giáo viên những kiến thức, kỹ năng để họ dạy học có hiệu quả, phù hợp với xu hướng của nền giáo dục 4.0, có thể là hướng dẫn, tập huấn cho giáo viên về công nghệ thông tin, về đổi mới công tác giảng dạy,... Điều này sẽ hữu ích hơn so với việc học chứng chỉ chức danh nghề nghiệp một cách hình thức, máy móc, cứng nhắc như hiện nay.

Bên cạnh đó, cần phải tính đến vấn đề dạy học như thế nào? Thời đại 4.0 cho phép việc đào tạo trực tiếp kết hợp với đào tạo trực tuyến, phương pháp này giúp giáo viên tiết kiệm thời gian, tiền bạc và học tập một cách chủ động.

Nội dung đào tạo hữu ích, cách thức đào tạo phù hợp sẽ giúp giáo viên giảm bớt áp lực, gánh nặng và học tập hiệu quả", cô P khẳng định.

Đã học chứng chỉ vẫn lo rớt hạng

Bên cạnh việc học chứng chỉ chức danh nghề nghiệp để giữ hạng, thăng hạng thì việc xếp hạng giáo viên hiện nay cũng khiến giáo viên lo lắng, băn khoăn về tính hợp lý của việc xếp hạng này.

Tương ứng với giáo viên hạng III, hạng II, hạng I lại có một loại chứng chỉ chức danh nghề nghiệp riêng. Tiêu chuẩn, nhiệm vụ,... của giáo viên theo từng hạng được giáo viên cho là chưa thỏa đáng.

Cô P cho biết, hiện nay, nhiều giáo viên vừa hoàn thành chứng chỉ chức danh nghề nghiệp hạng I nhưng lại lo lắng bị rớt hạng do không có bằng thạc sĩ.

Việc phân loại chứng chỉ theo hạng giáo viên dẫn tới tình trạng một giáo viên có thể phải học đến 3 chứng chỉ chức danh nghề nghiệp. Điều này gây tốn kém cho giáo viên, là những ràng buộc, áp lực đối với giáo viên.

"Đánh giá, xếp hạng giáo viên dựa trên tấm bằng hay chứng chỉ là chưa đủ. Giáo viên sở hữu tấm bằng thạc sĩ cũng chưa dám khẳng định là dạy học tốt hơn. Kinh nghiệm, kỹ năng sư phạm, quá trình nỗ lực học tập phát triển và hiệu quả dạy học của giáo viên cũng là những yếu tố cần ghi nhận.

Học chứng chỉ với những nội dung mang tính chung chung, chỉ có lý thuyết suông, không bám sát chuyên môn sẽ không giải quyết được những vấn đề thực tiễn trong giáo dục.

Chính vì vậy, tôi hi vọng Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ giúp giáo viên gỡ bỏ những ràng buộc mang tính hình thức như chứng chỉ chức danh nghề nghiệp, để giáo viên có thời gian, tập trung học tập và phát triển chuyên môn của mình, từng bước nâng cao chất lượng dạy học,", cô P chia sẻ.

Cô T.V giáo viên tiểu học tại tỉnh Lâm Đồng cũng chia sẻ những băn khoăn của bản thân: "Là giáo viên trẻ mới vào nghề, với tấm bằng cử nhân, cách đây một năm, tôi đã học chứng chỉ chức danh nghề nghiệp hạng II. Tuy nhiên, trước những yêu cầu mới về tiêu chuẩn, nhiệm vụ của giáo viên hạng II, tôi đang lo lắng mình sẽ bị rớt xuống hạng III.

Thêm một điều khiến tôi băn khoăn là sau khi rớt hạng, liệu tôi có phải đi học chứng chỉ chức danh nghề nghiệp hạng III hay không? Rõ ràng điều này là bất hợp lý nhưng theo quy định tương ứng với mỗi hạng lại có một chứng chỉ riêng".

Phạm Minh