LTS: Bàn về công tác ra đề trong kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2018, Thạc sĩ Nguyễn Đình Anh, Hội Khoa học Tâm lý – Giáo dục tỉnh Nghệ An chia sẻ một số ý kiến cá nhân của mình trong bài viết sau.
Toà soạn trân trọng gửi đến cùng độc giả.
Kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia đang còn có một số khâu quan trọng nữa như chấm thi, công bố kết quả thi cho học sinh mới kết thúc.
Tuy nhiên công việc quan trọng nhất liên quan tới sự tập trung chú ý của của hàng chục triệu người Việt Nam là việc tổ chức cho học sinh làm các bài thi đã kết thúc.
Công tác ra đề thi trung học phổ thông quốc gia còn nhiều điều đáng bàn. Ảnh minh hoạ: TTXVN |
Căn cứ vào kết quả công tác tổ chức thi của Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng với các địa phương chúng tôi xin nêu ra một số nhận xét bước đầu mang tư cách cá nhân về kỳ thi năm nay như sau:
Kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm nay đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo, các bộ ngành Trung ương và các địa phương chuẩn bị hết sức chu đáo.
Trước kỳ thi Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng Bộ Công An đã nêu ra cảnh báo và yêu cầu các hội đồng thi và cán bộ coi thi cảnh giác ngăn ngừa việc người ngoài vào phòng thi và học sinh có thể sử dụng các thiết bị công nghệ cao để làm lọt đề thi ra ngoài.
Do đó, số học sinh vi phạm quy chế thi năm nay đã giảm hẳn chỉ còn lại một số lượng không đáng kể.
Các địa phương đã chuẩn bị các phương án cần thiết để đối phó với các tình huống xấu do thiên tai gây ra để bảo đảm cho kỳ thi được tiến hành một cách suôn sẻ.
Mặc dù vậy, kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2018 vẫn còn để lại một số điều làm cho học sinh, phụ huynh và giáo giới băn khoăn đối với Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Với tư cách cá nhân, tôi xin nêu ra những băn khoăn sau đây:
Năng lực chọn đề thi, phản biện đề thi, duyệt đề thi của cán bộ quản lý và giáo viên được Bộ Giáo dục và Đào tạo cử đi làm đề thi ở vài môn thi chưa thực sự quán xuyến một cách đầy đủ về tình hình văn học, bước phát triển về kinh tế - xã hội của nước nhà và cũng ở mức độ nào đó chưa thực sự xứng tầm về chuyên môn.
Chúng tôi xin được dừng lại 2 môn thi để làm rõ nhận định này:
Môn Ngữ văn: Ưu điểm đáng ghi nhận là người soạn đề thi đã chọn các văn bản văn học của các tác giả đã được khẳng định vị thế trên lịch sử văn học nước nhà để đưa vào hai phần thi đọc hiểu và làm văn.
Góp phần làm rõ đặc trưng cần có của đề thi môn Ngữ văn là công việc của người làm đề thi môn Ngữ văn là dù có đổi mới đến mức nào, dù có ra đề mang có tính “mở” đến mức nào thì văn bản đưa ra cho học sinh trong phần đọc hiểu và phần làm văn cũng cần được lấy từ các văn bản văn học.
Cách ra đề môn Ngữ văn trong kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2018 theo hướng đó là đúng đắn.
Và theo ý chúng tôi, đó còn là căn cứ để loại bỏ một thái độ “thái quá” của những người ra đề môn Ngữ văn ở các sở, các phòng Giáo dục và đào tạo, các trường đại học, cao đẳng hiện nay là có thể lấy bất cứ một văn bản, một sự kiện bất kỳ nào đó ngoài văn chương, không liên quan đến văn học để làm văn bản cho học sinh làm bài ở phần thi đọc hiểu.
Đề Văn mở nên đáp án cũng mở, chỉ cần không trái thuần phong mỹ tục |
Nhưng điều đáng tiếc là do “cái tầm” của mình nên những người làm đề thi môn Ngữ văn kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2018 đã đưa đoạn trích bài thơ “Đánh thức tiềm lực” của nhà thơ Nguyễn Duy viết từ những năm 1980-1982 ra làm đề thi cho phần đọc hiểu nhưng lại chưa đưa ra được một đáp án đầy đủ các ý, tứ cơ bản cần phải hiểu về thông điệp mà nhà thơ Nguyễn Duy muốn gửi gắm trong bài thơ “Đánh thức tiềm lực” cũng như trong đoạn trích của bài thơ mà những người làm đề thi đã đưa ra trong phần thi đọc hiểu của đề thi.
Bởi vì đã nói tới đọc hiểu thì ít ra người đọc cũng phải hiểu được ý tứ cơ bản nhất của bài thơ, đoạn thơ đó.
Theo sự cảm nhận của chúng tôi, đối tượng chủ yếu để Nguyễn Duy hướng tới giãi bày mạch nguồn tình cảm và gửi lời đề nghị của mình tới người đọc trong “Đánh thức tiềm lực” là các cấp quản lý chứ đối tượng chính yếu không phải là giới trẻ đang ở tuổi học trò.
Mặc dù học sinh phổ thông đã đủ tư cách là một bạn đọc, một người yêu thơ nhưng các em chưa phải là đối tượng chính mà nhà thơ Nguyễn Duy gửi tới tâm niệm của mình.
Vậy có nên chọn bài thơ “Đánh thức tiềm lực” của Nguyễn Duy để làm đề thi tốt nghiệp Trung học phổ thông quốc gia hay không?
Bối cảnh ra đời của bài thơ “Đánh thức tiềm lực” là những năm 1980-1982.
Thời đó mới chỉ là khoảng thời gian rất ngắn sau chiến tranh.
Tâm sự, tình cảm của Nguyễn Duy gửi gắm trong “Đánh thức tiềm lực” là một tình cảm đáng trân trọng.
Còn từ năm 1982 đến nay đất nước này đã có cả chiến lược 30 năm đổi mới.
Quy trình chấm tự luận và trắc nghiệm được thực hiện như thế nào? |
Trung ương Đảng đã có Nghị quyết Trung ương 2 Khóa 8 khẳng định:
“Khoa học Công nghệ, Giáo dục và Đào tạo là Quốc sách hàng đầu”…
Cho nên để chọn một văn bản hoặc một đoạn trích của một tác phẩm văn học để đưa vào phần đọc hiểu đề thi môn Ngữ văn của kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông quốc gia năm 2018 có lẽ sẽ có rất nhiều văn bản và đoạn trích văn bản có ý nghĩa giáo dục thẩm mỹ, có ý nghĩa khởi nghiệp sát thực hơn để lựa chọn đưa vào đề thi khi mà đất nước ta đã có 30 năm đổi mới để phát triển.
Chứ không cần đưa học sinh quay lại thời những năm 1980-1982 để bàn luận trả lời những câu hỏi mà thời cuộc và bài thơ đã đặt ra cách đây mấy chục năm để xem là vấn đề mới mẻ đang đặt ra với tuổi trẻ hôm nay.
Một nguyên tắc đặt ra cho người làm đề, đặc biệt đề văn ở phần đọc hiểu khi đã đưa văn bản nào ra cho học sinh đọc hiểu thì đáp án chấm thi bắt buộc học sinh phải hiểu và nêu ra được cái ý chính, ý cốt lõi, ý chủ đạo mà tác giả của văn bản đã gửi gắm trong đó.
Đáp án chấm thi phần đọc hiểu môn thi Ngữ văn kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2018 không hiểu vì sao lại đang thiếu một ý rất cơ bản của văn bản trích bài thơ “Đánh thức tiềm lực” của Nguyễn Duy chưa được đưa ra làm yêu cầu học sinh phải nêu được một ý cơ bản đó trong bài làm.
Ý cơ bản đó là gì chắc mọi thầy giáo dạy văn trong cả nước đều rõ (...).
Một vấn đề mang tính kỹ thuật đặt ra nếu học sinh làm bài đủ tất cả các yêu cầu của phần đọc hiểu và còn đưa cái ý cơ bản mà Nguyễn Duy muốn gửi gắm tới những nhà quản lý có trách nhiệm của đất nước trong bài thơ “Đánh thức tiềm lực” mà đáp án chấm thi chưa yêu cầu tới thì sẽ được tính thêm với mức điểm nào.
Còn các nhà giáo làm đề thi môn Ngữ văn kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2018 sẽ được đồng nghiệp cả nước đánh giá, nhìn nhận ra sao về cái tầm nhìn của mình về sự phát triển của kinh tế - xã hội và lịch sử của văn học nghệ thuật?
Về môn Toán, chúng tôi đọc thấy trên báo chí và mạng xã hội nhiều nhà giáo cho rằng đề thi năm nay khó. Khó chứ không phải đề ra sai.
Phải cần nhiều thời gian hơn quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo mới giải xong các bài toán.
Nếu đúng như vậy thì những gì đã xảy ra khi các thầy giáo biên soạn và phê duyệt để đề toán trở thành đề thi quốc gia?
Có phải chăng các nhà soạn đề không căn đo đúng lượng thời gian tối thiểu cần để giải mỗi bài toán?
Kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2018 là kỳ thi phục vụ cho hai mục đích:
Lấy điểm thi để công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông cho học sinh và lấy điểm thi để xét tuyển vào đại học, cao đẳng.
Đề Toán nếu khó thì có sự phân hóa cao; thuận chiều cho việc xét chọn học sinh vào đại học cao đẳng.
Nhưng sẽ rất băn khoăn nếu như những người làm đề thi môn Toán không xác định rõ số lượng câu hỏi và thời gian cần thiết để làm các câu hỏi trắc nghiệm đủ trình độ tốt nghiệp cho học sinh trong tổng số câu hỏi và tổng thời gian làm bài của cả đề thi thì sẽ làm ảnh hưởng đến kết quả tốt nghiệp của học sinh.
Nếu quả thật có việc Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa chú ý tới việc xác định thời gian cụ thể thích hợp, tối thiểu để học sinh trả lời các câu hỏi trong đề thi môn Toán thì Bộ nên tìm giải pháp để giải quyết thỏa đáng quyền lợi cho học sinh.
Đăc biệt, cần ưu tiên giải quyết với đối tượng là học sinh thi để lấy kết quả tốt nghiệp trong kỳ thi quốc gia năm 2018 khi các em thật sự không có đủ thời gian làm bài tối thiểu để giải đủ các bài ở mức trung bình nhằm lấy điểm tốt nghiệp cho các em.