Bài viết: “Có những thầy cô mua bán, xin cho giáo án và đủ thứ khác trên mạng xã hội” của tác giả Lê Mai đăng trên Tạp chí Điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 22/11/2020 nhận được rất nhiều sự quan tâm của bạn đọc trên cả nước nhưng đáng lưu ý là phần đông các ý kiến đều tỏ ra không đồng tình với nội dung mà tác giả nêu.
Sáng kiến mua, xin không ngoài mục đích nộp dự thi giáo viên giỏi và đăng ký chiến sĩ thi đua (Ảnh tác giả) |
Không phải người trong ngành đọc xong bài viết, đọc đến những lời bình luận mà đa phần trái quan điểm với bài viết sẽ nghĩ gì? Nghĩ rằng, nhiều người phản đối như thế phải chăng bài viết nói không đúng?
Người trong nghề như chúng tôi lại thấy rằng vì bài viết nói quá đúng thực trạng nên mới bị phản ứng như thế.
Thật sự thì không chỉ có những thầy cô mà phải khẳng định có rất nhiều giáo viên hiện nay mua bán, xin cho giáo án. Đặc biệt trong năm học này, việc mua bán, xin cho giáo án ở bậc tiểu học (cụ thể lớp 1) tăng đột biến và sẽ báo động còn sẽ tăng gấp nhiều lần vào năm học tới khi lớp 2 và lớp 6 thực hiện việc thay sách giáo khoa.
Giáo án lớp 1 mới được giáo viên quan tâm nhiều nhất (Ảnh tác giả) |
Điều đáng buồn là, giáo viên lại chưa dám thừa nhận mặt trái của việc mua bán, xin cho giáo án (mặc dù ai trong cuộc cũng biết). Đã thế, có người còn biện bạch rằng đó là việc cần làm, nên làm để nâng cao trình độ, nâng cao tay nghề chuyên môn và đổi mới phương pháp dạy học của bản thân.
Mua bán, xin cho giáo án, sáng kiến kinh nghiệm là điều rất tốt, đáng hoan nghênh ư?
Nói đến việc, mua bán, xin cho giáo án bạn Nguyễn Lực cho rằng: “Làm sao mà phải nghiêm trọng hóa vấn đề?
Giáo viên họ có quá nhiều giáo án, sổ sách phải làm. Việc họ xin nhau bài giảng mẫu để tham khảo, sửa lại cho phù hợp điều kiện hoàn cảnh, biến cái của người khác thành của mình, điều đó không chỉ giáo viên mà hiện nay ngành nào cũng vậy thôi.
Vấn đề cơ bản là không dập khuôn máy móc bài giảng của người khác là được.
Bạn Minh Nhớ cũng đồng quan điểm: “Giáo viên người ta mua hay xin giáo án về có phải để nguyên vậy đâu cũng phải chỉnh sửa lại nhiều cho phù hợp với tình hình đối tượng học sinh lớp học, hoặc người ta tham khảo, học hỏi những phương pháp, hình thức tổ chức hay. Cái này đáng nhẽ phải tuyên dương chứ sao lại phê bình?”
Và cũng thật bất ngờ khi một giáo viên có hơn 20 năm kinh nghiệm đứng lớp và là Tổ trưởng chuyên môn cũng có một tư tưởng vô cùng “thoáng” khi nói về việc mua bán, xin cho giáo án, sáng kiến kinh nghiệm.
Trong bài viết: “Thầy cô mua bán, trao đổi giáo án, tài liệu qua mạng có gì xấu?” của tác giả Bùi Nam đăng trên Tạp chí Điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 25/11 khẳng định:
“…việc trao đổi, chia sẻ tư liệu là rất cần thiết để giáo viên giảng dạy hiệu quả. Còn việc bán tư liệu cũng là việc hợp lý, nếu bỏ ra một số ít kinh phí để có được một giáo án tốt, một tài liệu tốt, hay để tham khảo và chia sẻ kinh nghiệm cho đồng nghiệp là điều đáng hoan nghênh.
Phải quen dần với việc có được những cái hay, cái tinh túy,… phải mất phí để người đầu tư tạo những sản phẩm đó có chất lượng hơn.
Bên cạnh, đó có rất nhiều trang web miễn phí (free), những hội nhóm lập ra để chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp hay tốt, kiến thức chuyên môn, chuyên sâu,… để giáo viên vận dụng áp dụng vào giảng dạy,… là điều rất tốt, đáng hoan nghênh.
Do đó, tôi cho rằng việc mua, bán, xin cho,… tài liệu tham khảo, sáng kiến kinh nghiệm, giải pháp hay để thực hiện nhiệm vụ cho tốt, cho hấp dẫn là điều nên khuyến khích giáo viên thực hiện càng nhiều càng tốt để có thêm nguồn tư liệu, ngữ liệu dạy học phù hợp, khuyến khích sáng tạo để nâng cao chất lượng và hiệu quả trong giáo dục.
… bản chất tốt đẹp của việc mua, bán, chia sẻ giáo án, tài liệu, sáng kiến kinh nghiệm, khoa học kỹ thuật hay mô hình thí nghiệm,… là điều đáng khuyến khích hơn là đáng bị lên án”.
Quan sát thực tế đời sống học đường xung quanh, tôi nhận thấy người mua sáng kiến kinh nghiệm không phải để tham khảo, để học hỏi cái hay, cái tinh túy của đề tài nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy cho bản thân mình, ngược lại họ mua sáng kiến kinh nghiệm chỉ nhằm mục đích để dự thi giáo viên giỏi, để đăng ký chiến sĩ thi đua các cấp.
Điều này theo quan điểm của cá nhân người viết, không thể gọi là học hỏi mà là gian dối, biến chất xám trí tuệ của người khác thành của mình trong các cuộc thi nhằm đổi lấy thành tích cho bản thân.
Sau những cuộc thi này, người nào đạt các danh hiệu sẽ được nhận thưởng, được tuyên dương và có nhiều cơ hội được bổ nhiệm.
Đã có tỉnh thành phát hiện và công bố tên tuổi của những giáo viên sao chép sáng kiến kinh nghiệm dự thi lấy thành tích và nhận được sự đồng tình của rất đông bạn đọc.
Bởi thế, việc mua bán, xin cho sáng kiến kinh nghiệm hay các đề tài nghiên cứu về giáo dục cần phải lên án mạnh mẽ. Có thế người đạt các danh hiệu hay được bổ nhiệm mới thực tài. Và ngành giáo dục cần những người tài, trung thực như vậy.
Còn việc mua bán, xin cho giáo án, với giáo viên lớn tuổi, có thâm niên giảng dạy lâu năm còn đỡ, những giáo viên mới ra trường nhưng chỉ biết mua bán, xin cho giáo án của người khác về làm của mình sẽ thế nào đây?
Đi dạy nhưng không xem bài trước sao có được những phương pháp giảng dạy hay? Sao có được hình thức dạy học tốt? Việc ỉ vào việc có giáo án mua được nên không nghiên cứu bài trước khi lên lớp chắc chắn tiết dạy như thế sẽ không thành công.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện quan điểm của tác giả.