Năm học 2022-2023, chương trình giáo dục phổ thông 2018 được triển khai ở bậc trung học phổ thông đối với lớp 10. Sau khi nhiều học sinh và phụ huynh phải "cân não" để đưa ra quyết định học tổ hợp môn lựa chọn nào vào hồi đầu năm học thì đến nay, dù đã ổn định thì nhiều trường vẫn xuất hiện tình trạng học sinh xin chuyển môn/chuyển tổ hợp.
Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Lê Văn Nho, Phó Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Trần Quốc Tuấn (Phú Yên) cho biết: “Nhà trường sớm ổn định về tổ hợp môn, lớp học từ đầu năm nhưng đến nay vẫn có một số học sinh muốn chuyển. Vì Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo chưa có hướng dẫn cụ thể nào về vấn đề này nên trường chưa thể trả lời các em và phụ huynh”.
Thực tế, lứa tuổi từ lớp 9 lên lớp 10 khó có thể xác định được định hướng nghề nghiệp tương lai để đưa ra lựa chọn tổ hợp môn phù hợp. Hiểu rõ điều đó, nhiều phụ huynh cũng đã bày tỏ luôn thắc mắc từ những ngày tư vấn tuyển sinh đầu năm của nhà trường về việc sau này con họ có được chuyển tổ hợp không, chuyển xong tổ chức dạy như thế nào, thi tốt nghiệp và xét tuyển đại học của lứa học sinh học chương trình mới sẽ ra sao?
Đặc biệt, sau khi học một thời gian, một số học sinh nhận ra sức học của mình yếu hơn các bạn trong lớp; chán học các môn hiện tại; thậm chí các em bị ảnh hưởng bởi một số luồng thông tin về việc tổ hợp các em đang học sẽ thu hẹp "cánh cửa” vào đại học sau này.
Chưa kể, một số học sinh của trường đang theo học các tổ hợp môn thiên hướng khoa học xã hội, sau đó các em muốn học thêm một số môn bên khoa học tự nhiên để hi vọng 3 năm sau cánh cửa xét tuyển vào đại học rộng hơn.
Ảnh minh họa: Phạm Linh |
Từ đó, dẫn đến tình trạng học sinh có nhu cầu chuyển môn/chuyển tổ hợp. Về vấn đề này, nhà trường chưa biết sẽ giải quyết như thế nào vì chưa có hướng dẫn cụ thể.
“Hiện tại, Trường Trung học phổ thông Trần Quốc Tuấn có 441 học sinh lớp 10, lớp ít nhất có 40 học sinh, lớp nhiều nhất có 47 học sinh. Nếu đáp ứng nguyện vọng chuyển tổ hợp của các em học sinh sẽ gây khó cho nhà trường về đội ngũ, số lượng học sinh/ lớp không đảm bảo, một số lớp học có thể xảy ra tình trạng quá tải”, thầy Nho cho hay.
“Đổi mới phương pháp dạy học trong chương trình giáo dục phổ thông 2018 theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và vận dụng kiến thức; tập trung dạy cách học, cách nghĩ, khuyến khích tự học, tạo cơ sở để người học cập nhật và đổi mới tri thức, kĩ năng qua đó hình thành và phát triển năng lực, phẩm chất”. Muốn thực hiện được mục tiêu đặt ra, theo thầy Nho, số lượng học sinh trong lớp là yếu tố quyết định quan trọng. Nếu sĩ số quá đông, giáo viên khó có thể tổ chức định hướng phát triển năng lực của từng học sinh.
“Hiện nay, lớp học môn Âm nhạc của Trường Trung học phổ thông Trần Quốc Tuấn đang có tới 47 học sinh. Vì quá đông nên giáo viên rất khó để sát sao trong việc hướng dẫn, kiểm tra, đánh giá từng học sinh. Chưa kể, khi học trung học cơ sở, hầu hết các em chỉ coi Âm nhạc như tiết học thư giãn, không chú trọng nên khi lên trung học phổ thông, gần như giáo viên phải dạy lại cho các em kiến thức từ đầu.
Dù nhà trường rất muốn giãn sĩ số học sinh nhưng còn phụ thuộc và số lượng biên chế giáo viên, cơ sở vật chất hiện có”, thầy Nho nói.
Cùng chia sẻ về băn khoăn trong việc thay đổi môn/tổ hợp môn của học sinh, cô Nguyễn Thị Minh Tâm, Phó Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Phan Chu Trinh (Phú Yên) cho biết, từ đầu năm, Sở Giáo dục và Đào tạo Phú Yên đã có chỉ đạo, với những trường hợp xin chuyển tổ hợp môn, nhà trường cần xem xét lý do là gì, có chính đáng không. Sau đó, trường phải xây dựng kế hoạch riêng để bổ trợ kiến thức còn thiếu cho các em học sinh đó.
Theo cô Tâm, tùy vào tình hình từng trường, có thể tiến hành bổ trợ kiến thức cho học sinh theo hình thức trực tiếp hoặc trực tuyến, tổ chức dạy học trái buổi cho các em.
“Năm học 2022-2023, Trường Trung học phổ thông Phan Chu Trinh có 1200 học sinh lớp 10, chia thành 11 lớp (3 lớp tổ hợp các môn theo hướng khoa học tự nhiên, 8 lớp tổ hợp các môn theo hướng khoa học xã hội). Nếu học sinh có xu hướng chuyển sang các lớp khoa học xã hội nhiều thì tình trạng giáo viên của các bộ môn khoa học tự nhiên như Lý, Hóa, Sinh sẽ dôi dư ra và xảy ra tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ.
Lúc đó, bắt buộc trường phải bố trí các thầy cô thiếu tiết kiêm nhiệm thêm một số nhiệm vụ có thể quy đổi ra tiết như công tác chủ nhiệm, các hoạt động ngoài giờ lên lớp, bồi dưỡng học sinh giỏi”, cô Tâm cho hay.
Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn chưa có quy chế, quy định nào về việc học sinh xin thay đổi môn/ tổ hợp môn học khiến trường học rối bời. Theo cô Tâm, trước tình trạng học sinh và phụ huynh thắc mắc, bày tỏ nguyện vọng, nhà trường rất thụ động, chỉ có thể tư vấn, phân tích dựa vào công tác tâm lý là chính.
Vì vậy, Phó Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Phan Chu Trinh hi vọng Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm có hướng dẫn cụ thể để các trường nắm được và thực hiện.