Phương án trích 3.500 tỷ đồng ngân sách mua sách giáo khoa để đưa vào thư viện trường học cho học sinh mượn của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nhận được nhiều ý kiến góp ý từ xã hội trong thời gian qua.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, nhiều hiệu trưởng bày tỏ sự vui mừng trước đề xuất mới, tuy nhiên cũng có ý kiến đặt ra vấn đề làm thế nào để sử dụng hiệu quả nguồn ngân sách. Hiện nay, thực hiện theo chương trình mới, mỗi địa phương có thể sử dụng các bộ sách khác nhau, chưa kể, nội dung sách còn điểm tranh cãi và tính ổn định lâu dài cũng còn phải chờ đánh giá cụ thể.
Thực hiện quy trình mượn, bảo quản sách không rập khuôn với mọi trường hợp
Ông Nguyễn Khắc Điệp - Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú trung học cơ sở Trà Mai, huyện Nam Trà My (Quảng Nam) chia sẻ niềm vui khi biết về đề xuất mua sách giáo khoa cho học sinh mượn của Bộ Giáo dục và Đào tạo:
“Nếu đề xuất mới này được phê duyệt thì quá tốt! Từ khi thực hiện chương trình mới, giá sách giáo khoa tăng cao hơn nhiều, mà đầu năm học còn bao nhiêu khoản khác phải lo, nên đối với các gia đình học sinh khó khăn, chi phí mua sách trở thành gánh nặng. Do đó, đề xuất mua sách giáo khoa cho học sinh mượn của Bộ Giáo dục và Đào tạo thật sự rất nhân văn!”
Thầy và trò Trường Phổ thông dân tộc bán trú trung học cơ sở Trà Mai, huyện Nam Trà My (Quảng Nam). Ảnh: Website nhà trường |
Theo thầy Điệp chia sẻ, Trà Mai là một xã miền núi, học sinh ở đây chủ yếu là con em vùng đồng bào dân tộc thiểu số, khó khăn.
“Xã Trà Mai vừa mới "thoát nghèo" trong quá trình thực hiện chủ trương về xây dựng nông thôn mới, tuy nhiên thực tế đời sống bà con vẫn còn nhiều khó khăn. Do đã “thoát nghèo” nên nhiều chế độ chính sách của Nhà nước dành cho con em đồng bào dân tộc thiểu số vùng đặc biệt khó khăn đã không còn được áp dụng.
Vì vậy, nếu các em học sinh được mượn sách miễn phí thì gánh nặng kinh tế tới các bậc phụ huynh sẽ giảm, đồng thời đây cũng là giải pháp giúp khuyến khích tinh thần học tập của các em”, thầy Điệp nói.
Toàn Trường Phổ thông dân tộc bán trú trung học cơ sở Trà Mai có 276 học sinh từ khối 6 đến khối 9; trong đó có 186 học sinh là đồng bào dân tộc thiểu số.
Trước đây, cứ hàng năm trước khi khai giảng năm học mới, thầy Điệp cùng các thầy cô giáo trong trường thường kêu gọi đồng nghiệp từ nhiều nơi, cả trong tỉnh và ngoài tỉnh vận động, quyên góp, xin sách cũ cho trường, xây dựng thư viện dùng chung cho học sinh mượn.
Tuy nhiên, từ khi áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới, với việc mỗi địa phương lựa chọn các bộ sách khác nhau, và có nhiều danh mục sách được phê duyệt, hành trình xin sách cho học sinh của thầy Điệp gặp nhiều khó khăn hơn. Vì phải xin đúng loại sách trong bộ sách mà học sinh trường mình sử dụng đối với lớp 6 và hết năm nay là cả đối với lớp 7 (theo chương trình giáo dục phổ thông 2018).
Để sử dụng hiệu quả nguồn ngân sách 3.500 tỷ cho việc trang bị sách giáo khoa, Hiệu trưởng trường Phổ thông dân tộc bán trú trung học cơ sở Trà Mai kiến nghị:
Trước tiên Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có chỉ đạo tới các địa phương thực hiện khảo sát, đánh giá nhu cầu cụ thể, tránh tình trạng “cào bằng” khi cấp sách giáo khoa.
Nguồn ngân sách của Nhà nước là có hạn, đồng thời là tiền của nhân dân, vì vậy phải tính đúng, tính đủ, sử dụng sao cho hiệu quả, tránh việc mua ào ạt sách giáo khoa, nơi thừa, nơi thiếu.
Thứ hai, theo thầy Điệp, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên thống nhất việc sử dụng một bộ sách giáo khoa dùng chung thay vì mỗi địa phương lựa chọn một bộ sách khác nhau.
“Nếu việc cho mượn sách giáo khoa được thực hiện, theo tôi Bộ Giáo dục và Đào tạo nên tính đến việc thống nhất một bộ sách giáo khoa để tránh việc sách sử dụng một năm rồi không tái sử dụng được cho những vùng miền khác nhau vào những năm sau.
Kiến thức ở bậc phổ thông về cơ bản có vai trò chính là trang bị kiến thức nền cho học sinh, vì thế việc sử dụng thống nhất về sách sẽ giúp tạo ra sự thống nhất trong việc học và xây dựng đề thi”, thầy Điệp nói.
Thứ ba, thầy Điệp kiến nghị, khi cho học sinh mượn sách, nhà trường cần có quy ước rõ ràng về quy định mượn, bảo quản để rèn luyện cho học sinh thói quen giữ gìn sách vở.
“Thực tế như ở trường tôi, việc cho mượn sách giáo khoa đã được thực hiện từ lâu. Cứ đầu năm học, khi cho học sinh mượn sách, tôi đều quán triệt tới các em rằng phải giữ gìn cẩn thận, nếu hư hỏng thì sẽ phải tự bỏ tiền ra để bù lại.
Tuy nhiên, với những em có hoàn cảnh khó khăn hoặc gặp trường hợp đặc biệt như mưa lũ làm hỏng sách mượn thì nhà trường cũng hết sức tạo điều kiện, không yêu cầu đền bù, việc thực hiện quy định mượn sách và bảo quản không rập khuôn máy móc với mọi trường hợp”, thầy Điệp nói.
Khó tránh được nhu cầu thừa, thiếu sách bộ môn ở từng năm học
Sách giáo khoa theo Chương trình giáo dục phổ thông mới. Ảnh: Doãn Nhàn |
Khác với thầy Điệp cho rằng nên sử dụng chung một bộ sách giáo khoa, thì thầy Khuất Đăng Khoa - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Hai Bà Trưng (Thạch Thất, Hà Nội) lại cho rằng việc chọn sách giáo khoa phụ thuộc vào trình độ học tập của học sinh ở các khu vực khác nhau.
Theo thầy Khoa, đề xuất mua sách giáo khoa cho học sinh mượn là một chính sách tốt, và nên để tất cả các em học sinh có nhu cầu đều được mượn thay vì chỉ áp dụng với học sinh vùng khó khăn.
Đối với học sinh cấp 3, việc lựa chọn sách còn phụ thuộc vào nhu cầu lựa chọn các môn học của các em. Vì vậy, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Hai Bà Trưng kiến nghị: “các trường cần căn cứ theo số lượng học sinh, nhu cầu, học sinh đăng ký ban nào, môn học nào thì đăng ký cơ cấu sách cần mượn cho phù hợp”.
Nhu cầu lựa chọn các môn học của học sinh sẽ thay đổi theo từng năm học, do đó theo thầy Khoa, nhà trường cần có tính toán và cân đối để tránh lãng phí, “không thể có ngân sách để năm nào cũng cấp để mua sách giáo khoa”. Do đó, thầy Khoa nhấn mạnh các trường học cần phải thật kĩ lưỡng tính toán nhu cầu sử dụng. Tất nhiên sẽ khó tránh được tình trạng thừa, thiếu sách bộ môn ở từng năm học do nhu cầu của học sinh, nhưng nhà trường cần đảm bảo tỷ lệ này thấp nhất có thể.