Tàu khu trục tên lửa USS Truxtun DDG 103, Hạm đội 6, Hải quân Mỹ |
Mỹ điều quân diễn tập với đồng mình và theo dõi Nga ở Biển Đen
Ngày 7 tháng 3 năm 2014, tờ "Nhật báo Phố Wall" Mỹ đưa tin, ngoài việc Nga điều quân, Hải quân Mỹ gần đây cũng có động thái điều lực lượng quân sự tới Biển Đen. Ngày 6 tháng 3, tàu khu trục tên lửa USS Truxtun (DDG 103) thuộc biên đội tàu sân bay USS George HW Bush của Hạm đội 6, Hải quân Mỹ đã rời khỏi cảng Souda của Hy Lạp, sẽ tiến hành diễn tập liên hợp với Quân đội Romania và Bulgaria.
Hơn nữa, Mỹ đã điều thêm 6 máy bay chiến đấu F-15 và 60 nhân viên quân đội đến Lithuania, tăng cường tuần tra không phận các nước Baltic. Lithuania vốn có 4 máy bay F-15 và 150 binh sĩ Mỹ. Có tin cho rằng, Mỹ làm như vậy là để đồng minh khu vực yên tâm.
Theo hãng tin CNA Đài Loan, việc Mỹ tăng cường điều động lực lượng quân sự cho thấy, Mỹ “rõ ràng có ý định gây sức ép với Nga”. Tuy quân Mỹ tuyên bố việc điều tàu khu trục Truxtun tới Biển Đen là có kế hoạch từ trước và không có liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine, nhưng vẫn phát đi thông điệp mang tính biểu tượng đối với Nga.
Máy bay chiến đấu F-15E Mỹ xuất hiện ở Israel |
Ngoài ra, theo “Nhật báo phố Wall” Mỹ, có nguồn tin cho biết, cùng với việc Hạm đội 6 Mỹ bí mật tuyên bố bước vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu, tàu chỉ huy USS Mount Whitney lớp Blue Ridge và tàu khu trục nhỏ USS Taylor có trang bị hệ thống thu thập tình báo hiện đã bỏ neo ở nơi đối diện với căn cứ hải quân Sevastopol Nga ở Crimea, theo dõi mọi động thái quân sự của Nga ở miền nam, miền trung và miền tây.
Cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Tomasz Siemoniak cho biết, Quân đội Mỹ tuần tới sẽ điều 12 máy bay chiến đấu F-16 và 300 nhân viên quân sự đến Ba Lan, tham gia diễn tập huấn luyện. Do nước láng giềng Ukraine nổ ra khủng hoảng, quy mô cuộc diễn tập này sẽ mở rộng.
Cuộc diễn tập này lấy căn cứ không quân Lask ở miền trung Ba Lan làm trung tâm, quy mô ban đầu khá nhỏ, chỉ sử dụng máy bay vận tải, nhưng do Nga can thiệp Crimea, Ba Lan yêu cầu mở rộng.
Liên quan đến hành động của Mỹ, theo tờ “Tin tức Trung Quốc”, ngày 6 tháng 3, Hạ viện Mỹ do Đảng Cộng hòa kiểm soát đã biểu quyết khẩn cấp thông qua dự luật cung cấp khoản vay 1 tỷ USD cho Ukraine với 385 phiếu thuận và 23 phiếu chống.
Đây là lần đầu tiên Quốc hội Mỹ hành động vì cuộc khủng hoảng Ukraine và quyết định này chỉ đưa ra trong vòng 2 ngày kể từ khi đưa ra tuyên bố. Trước đó, chính quyền Ukraine yêu cầu quốc tế cung cấp hỗ trợ tài chính ít nhất 15 tỷ USD. Tuần tới, Thượng viện Mỹ sẽ xem xét dự luật này.
Máy bay chiến đấu F-15E Mỹ xuất hiện ở Israel |
Nhà Trắng cùng ngày chính thức đưa ra các biện pháp trừng phạt đối với Nga và Crimea, ra lệnh trừng phạt đối với các cá nhân và tổ chức “đe dọa chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine”, đồng thời cho biết phản đối Crimea tổ chức trưng cầu dân ý về chủ quyền.
Đồng thời, Quốc hội Mỹ cũng đang chuẩn bị các biện pháp trừng phạt chính thức đối với Nga. Chủ tịch Hạ viện Mỹ cho biết, biện pháp trừng phạt chỉ là “bước đi thứ nhất”, Quốc hội Mỹ sẽ hợp tác với Nhà Trắng, cung cấp mọi biện pháp có thể để Tổng thống Obama giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine.
Hai viện Quốc hội Mỹ cùng ngày cũng tổ chức phiên điều trần về cuộc khủng hoảng Ukraine. Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Burns cho biết, Mỹ sẽ tiếp tục xem xét kỹ “mỗi mắt xích” của quan hệ Mỹ-Nga, bao gồm tạm dừng “phần quan trọng” của đối thoại song phương, Mỹ cũng sẽ nhanh chóng áp dụng các bước đi, tăng cường cam kết an ninh với đồng ninh NATO, nhưng đồng thời cũng tìm kiếm “lối thoát ngoại giao” để giải quyết cuộc khủng hoảng này.
Ngày 6 tháng 3, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cũng đã tổ chức hội đàm vòng 2 từ khi cuộc khủng hoảng Ukraine xấu đi nghiêm trọng, nhưng hai bên không đạt được thỏa thuận nào về giải quyết tình hình Ukraine.
Máy bay chiến đấu F-15E Mỹ xuất hiện ở Israel |
Mỹ thảo luận với Trung Quốc về tình hình Ukraine
Tờ “Tin tức Tham khảo” Trung Quốc ngày 7 tháng 3 cho biết, theo hãng tin Reuters Anh, sau khi cấp cao hai nước Mỹ và Trung Quốc tiến hành tiếp xúc cấp cao, Nhà Trắng ra tuyên bố cho biết, quan chức hai nước đồng ý trong tranh chấp giữa Ukraine và Nga phải tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine.
Theo bài báo, Trung Quốc có thái độ thận trọng đối với cuộc xung đột Ukraine, không phê phán đối tác chiến lược Nga, đồng thời kiên trì chính sách không can thiệp vào công việc nội bộ nước khác.
Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Susan Rice và Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì đã thảo luận về tình hình Ukraine. Tuyên bố của Nhà Trắng cho biết, quan chức hai nước đã tái khẳng định tầm quan trọng của việc Mỹ-Trung đi sâu “hợp tác thực tế, ứng phó với thách thức khu vực và toàn cầu”.
Tuyên bố cho biết: “Họ còn nhất trí cho rằng, Mỹ và Trung Quốc có lợi ích chung trong việc ủng hộ các bên nỗ lực tìm kiếm giải quyết hòa bình xung đột Ukraine-Nga, nền tảng của giải quyết xung đột là tôn trọng Luật pháp quốc tế, bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine”.
Mỹ đã tham gia các hoạt động ngoại giao toàn cầu phản đối Nga triển khai quân đội ở khu vực Crimea, miền nam Ukraine.
Máy bay chiến đấu F-15E Mỹ xuất hiện ở Israel (nguồn mạng quân sự sina Trung Quốc) |