Năm 2021: Có 40 địa phương không giao nhiệm vụ, đặt hàng đào tạo GV theo NĐ 116

07/03/2023 09:33
LÃ TIẾN
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Năm 2021, tỉ lệ sinh viên được địa phương đặt hàng chỉ chiếm 17,4% so với số sinh viên nhập học và chiếm 24,3% tổng số sinh viên đăng ký hưởng chính sách.

Nghị định 116/2020 ngày 25/9/2020 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm có hiệu lực thi hành từ ngày 15/11/2020, áp dụng bắt đầu từ khoá tuyển sinh năm học 2021-2022.

Qua quá trình triển khai, tháng 2/2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, trong đó nêu rõ những khó khăn, vướng mắc khi thực hiện.

Năm 2021, tỉ lệ sinh viên được địa phương đặt hàng chỉ chiếm 17,4% so với số sinh viên nhập học và chiếm 24,3% tổng số sinh viên đăng ký hưởng chính sách (Ảnh: Lã Tiến)

Năm 2021, tỉ lệ sinh viên được địa phương đặt hàng chỉ chiếm 17,4% so với số sinh viên nhập học và chiếm 24,3% tổng số sinh viên đăng ký hưởng chính sách (Ảnh: Lã Tiến)

Tuy nhiên, trong những năm đầu thực hiện Nghị định 116, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã đạt được những kết quả đáng khích lệ.

Cụ thể, trong khoá tuyển sinh năm 2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thông báo cho các cơ sở đào tạo 50.505 chỉ tiêu, số thí sinh đăng ký xét tuyển là 130.893, số trúng tuyển là 49.673 đạt 98,35% chỉ tiêu, số nhập học cuối cùng là 43.038, đạt 85,22% chỉ tiêu.

Những chỉ số này đều cao hơn hẳn so với các năm trước, đồng thời điểm chuẩn các ngành đào tạo giáo viên cũng có sự tăng mạnh trong tương quan với các ngành, lĩnh vực khác.

Điều này chứng tỏ các chính sách của Nghị định 116 đã có tác động lớn, tích cực tới thu hút người học.

Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tình hình triển khai giao nhiệm vụ, đặt hàng giữa các địa phương với các cơ sở đào tạo được thống kê cụ thể như sau:

Tình hình triển khai giao nhiệm vụ, đặt hàng giữa các địa phương với các cơ sở đào tạo (Ảnh: LT)

Tình hình triển khai giao nhiệm vụ, đặt hàng giữa các địa phương với các cơ sở đào tạo (Ảnh: LT)

Tuy nhiên, tỉ lệ sinh viên được địa phương đặt hàng, giao nhiệm vụ chỉ chiếm 17,4% so với số sinh viên nhập học và chiếm 24,3% so với tổng số sinh viên đăng ký hưởng chính sách.

Như vậy, số sinh viên thuộc diện “đào tạo theo nhu cầu xã hội” và được ngân sách nhà nước cấp (thông qua Bộ Giáo dục và Đào tạo) chiếm tỉ lệ 75,7% so với số viên đăng ký hưởng chính sách và 82,6% so với số sinh viên nhập học.

Trong năm 2021, có 12/58 cơ sở đào tạo trực thuộc địa phương được các địa phương giao nhiệm vụ triển khai và chi trả kinh phí (học phí và sinh hoạt phí, thực hiện theo Nghị định 116) cho sinh viên.

Có 13 trường cao đẳng sư phạm và các trường đại học trực thuộc địa phương còn lại có đào tạo giáo viên chưa nhận được kinh phí để cấp cho sinh viên, trong đó có cả Trường Đại học Thủ đô Hà Nội và Trường Đại học Sài Gòn.

Có 6 cơ sở đào tạo đã được các địa phương sở tại, lân cận đặt hàng nhưng chưa chi trả kinh phí, hoặc mới trả kinh phí một phần rất nhỏ (trong đó có 2 trường trọng điểm: Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 13 chỉ tiêu; Trường Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh 51 chỉ tiêu);

Năm 2021 còn 40/63 địa phương chưa triển khai việc giao nhiệm vụ, đặt hàng đào tạo giáo viên của khoá tuyển sinh năm 2021, cụ thể:

Danh sách các địa phương không triển khai giao nhiệm vụ đặt hàng đào tạo giáo viên (Ảnh: LT)

Danh sách các địa phương không triển khai giao nhiệm vụ đặt hàng đào tạo giáo viên (Ảnh: LT)

Đối với các trường trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo có chỉ tiêu lớn hơn số lượng được đặt hàng, Bộ đã triển khai cấp kinh phí theo diện “đào tạo theo nhu cầu xã hội”, tuy nhiên ngân sách được phân bổ từ Bộ Tài chính chưa đáp ứng đủ số lượng đã thực tuyển.

Như vậy, có thể nói phương thức thực hiện thông qua đặt hàng, giao nhiệm vụ và đấu thầu đào tạo không được triển khai ở mức độ và hiệu quả như quan điểm chủ đạo của Nghị định 116.

Đối với năm 2022, dựa trên nhu cầu các địa phương đăng ký, Bộ Giáo dục và Đào tạo xác định và thông báo cho các cơ sở đào tạo 37.434 chỉ tiêu.

Kết thúc tuyển sinh đợt 1, số thí sinh đăng ký xét tuyển 81.914, số trúng tuyển nhập học là 26.183 đạt 70% chỉ tiêu.

Như vậy, tính cả về số chỉ tiêu được xác định, số thí sinh đăng ký xét tuyển đã sụt giảm đáng kể so với năm 2021.

Điều này cho thấy những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai cho khóa tuyển sinh 2021 đã tác động trực tiếp tới tình hình tuyển sinh năm 2022.

Do đó, Bộ đang tiếp nhận thông tin từ các địa phương để tiếp tục hướng dẫn các địa phương, cơ sở đào tạo triển khai đặt hàng, giao nhiệm vụ đào tạo giáo viên năm 2022 theo hệ thống phần mềm.

Cũng theo báo cáo của các trường thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhu cầu kinh phí đến hết năm 2022 là 1.604.628 triệu đồng.

Tổng kinh phí từ ngân sách nhà nước giao năm 2022 đã giao cho các trường trực thuộc Bộ để thực hiện chế độ theo quy định là 1.166.205 triệu đồng (đáp ứng được 73% nhu cầu), trong đó Bộ Tài chính giao 866.893 triệu đồng từ đầu năm (đáp ứng được 54% nhu cầu).

Do còn thiếu quá nhiều kinh phí nên Bộ Giáo dục và Đào tạo đã rà soát các nhiệm vụ khác để cân đối bổ sung thêm 299.312 triệu đồng trong phạm vi dự toán được Bộ Tài chính giao từ đầu năm.

Đối với kinh phí hỗ trợ sinh hoạt phí và cấp bù học phí cho sinh viên sư phạm theo Nghị định 116 còn thiếu 438.423 triệu đồng, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản đề nghị Bộ Tài chính thẩm định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ cấp bổ sung cho các đơn vị, đặc biệt là sinh hoạt phí chi trả cho sinh viên.

LÃ TIẾN