Những năm gần đây, việc thu hút người giỏi vào ngành sư phạm đã được Nhà nước, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các cơ quan quản lý quan tâm. Đặc biệt với sự ra đời của Nghị định 116/2020/NĐ-CP quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt với sinh viên sư phạm, chất lượng đầu vào các ngành đào tạo giáo viên đã có những tiến triển tích cực.
Xoay quanh công tác đào tạo giáo viên và việc triển khai thực hiện Nghị định 116 trong hai năm qua, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã cuộc trò chuyện, trao đổi với Giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Văn Sơn – Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh.
Giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Văn Sơn – Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: NVCC) |
Phóng viên: Thưa Giáo sư Huỳnh Văn Sơn, qua 2 năm triển khai thực hiện Nghị định 116/2020/NĐ-CP, có thể thấy, hoạt động tuyển sinh, đào tạo ngành sư phạm đã có nhiều khởi sắc, thầy đánh giá như thế nào về những chuyển biến của công tác đào tạo giáo viên trong thời gian qua?
Giáo sư Huỳnh Văn Sơn: Ngành sư phạm trong những năm vừa qua đã có sự thay đổi nhất định khi điểm chuẩn của một số chuyên ngành tăng đáng kể. Điểm chuẩn của các cơ sở đào tạo sư phạm cũng thể hiện độ phân cách ở một mức độ nhất định.
Điều dễ nhận thấy là người học đã có lựa chọn khá rõ: hưởng chính sách theo Nghị định 116 hoặc không - tự lo học phí… Điều này cũng phần nào cho thấy người học đã có sự cân nhắc và đánh giá về hiệu quả, tính pháp lý của từng chính sách, người học có sự chủ động nhất định trong quá trình học tập, hướng nghiệp…
Có thể nói sau 2 năm triển khai thực hiện Nghị định 116, đã có những tác động nhất định như: học sinh, sinh viên bắt đầu quan tâm đến chính sách của mình được hưởng nên quan tâm đến ngành đào tạo giáo viên, một số sinh viên đến với ngành sư phạm có phần tác động của chính sách, nhất là sinh hoạt phí…
Cần khẳng định rằng: phải đủ độ dài về thời gian để đánh giá một cách bài bản về chính sách cũng như tác động của chính sách này, và lẽ nhiên, chúng ta cũng không thể phủ nhận các vấn đề nảy sinh từ chính sách.
Phóng viên: Thầy đã chia sẻ về những tín hiệu tích cực trong hoạt động đào tạo sư phạm từ khi triển khai Nghị định 116. Song, qua ghi nhận của báo chí thời gian qua, vẫn còn đó nhiều vướng mắc, điểm nghẽn trong quá trình thực hiện, đặc biệt liên quan đến việc đặt hàng đào tạo, chi trả tiền sinh hoạt phí cho sinh viên hay việc bồi hoàn kinh phí nếu sinh viên ra trường không công tác trong ngành sư phạm? Theo thầy, đâu là nguyên nhân dẫn tới những vướng mắc nêu trên?
Giáo sư Huỳnh Văn Sơn: Điều 5 của Nghị định 116 quy định: kinh phí hỗ trợ sinh viên sư phạm đào tạo theo phương thức giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu và sinh viên sư phạm theo nhu cầu xã hội (không thuộc đối tượng giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu) đều do ngân sách Nhà nước chi trả, được giao trong dự toán ngân sách Nhà nước hằng năm.
Tuy nhiên, chúng ta vẫn chưa quy định cụ thể trách nhiệm của Ủy ban nhân dân tỉnh trong việc chi trả đối với sinh viên sư phạm đào tạo theo nhu cầu xã hội – những sinh viên không thuộc đối tượng giao nhiệm vụ, đặt hàng, hoặc đấu thầu. Đồng thời, cũng chưa có quy định cụ thể việc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng dự toán kinh phí gửi Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan để thẩm định, giao dự toán kinh phí để tổ chức thực hiện.
Ngoài ra, chúng ta cũng cần hình dung những vấn đề phát sinh liên quan đến việc bồi hoàn kinh phí nếu sinh viên ra trường không công tác trong ngành sư phạm. Điều này có thể diễn ra ở nhiều biểu hiện: hiểu thế nào cho đúng về công tác trong ngành sư phạm; hiểu thế nào về việc luân chuyển giữa các tỉnh thành vì những lý do thuyết phục – nhân văn; ai là người thu bồi hoàn kinh phí nếu sinh viên ra trường không công tác trong ngành sư phạm theo sự đầu tư của tỉnh, thành?
Tất cả những vấn đề này cần được làm rõ và có hướng dẫn cụ thể để Nghị định 116 thực sự đi vào thực tiễn cuộc sống.
Phóng viên: Thưa thầy, việc đặt hàng đào tạo cũng như cấp chỉ tiêu đào tạo có thể nảy sinh nhiều vấn đề liên đới. Về việc này, đâu là những lưu ý có liên quan đến hoạt động đào tạo giáo viên?
Giáo sư Huỳnh Văn Sơn: Đồng ý là đặt hàng đào tạo cũng như cấp chỉ tiêu đào tạo có thể nảy sinh nhiều vấn đề liên đới. Điều này đòi hỏi việc rà soát và đảm bảo dữ liệu giáo viên của ngành giáo dục và đào tạo từng địa phương là rất quan trọng. Việc rà soát này phải dựa trên nền tảng của các dữ liệu được chuẩn hóa, nhất là phải đảm bảo các yêu cầu của dữ liệu lớn. Trong đó, đơn vị hay nhân sự phụ trách cần được tính toán một cách dài hạn để cập nhật dữ liệu này.
Ngoài ra, việc đảm bảo dữ liệu phải đáp ứng các yêu cầu dự báo với các diễn tiến và các tác động từ môi trường - cần được chú trọng như: tỉ lệ sinh và trẻ em đến trường, đi học; tỉ lệ di cư tự do, số giáo viên không tiếp tục theo ngành, số giáo viên về hưu hàng năm… Đó là chưa kể định hướng phát triển kinh tế xã hội của tỉnh cũng như đầu tư trọng điểm về giáo dục.
Việc đảm bảo dữ liệu hàng năm, cập nhật thường xuyên và liên tục để hệ thống hóa dữ liệu và khai thác dữ liệu theo các biến động là điều rất quan trọng.
Để có thể đối sánh dữ liệu giữa nhu cầu thực tiễn và dự báo với số liệu đặt hàng và sự biến động liên tục hàng năm theo một chu trình quả không phải là đơn giản. Cụ thể nhân sự được giao việc này phải thường xuyên theo dõi từng học kỳ, từng năm về số giáo viên ở ngành, số đặt hàng theo một biên độ 4 năm – khi sinh viên phải học 4 năm. Thế nhưng không phải sinh viên nào cũng tốt nghiệp đúng hạn mà quy chế đào tạo cho phép sinh viên có thể kéo dài nhiều hơn thế trong khoảng hơn 4 năm đến 8 năm cho thời gian học đại học.
Thực tế cho thấy việc đặt hàng từng nhóm ngành cũng phải cân nhắc rất kỹ lưỡng. Hiện nay vẫn còn khá nhiều cơ sở đào tạo khác nhau và việc xem xét lựa chọn các cơ sở đào tạo giáo viên đặt hàng quả không phải đơn giản. Bởi, người học, cơ sở đào tạo và người đặt hàng phải cùng đồng thuận; việc đặt hàng phải đúng đối tượng mong đợi; việc đặt hàng phải được phối kết hợp một cách hiệu quả, thuận lợi…
Những áp lực phát sinh không phải đơn giản có thể đề cập như: nhu cầu đặt hàng ở tỉnh có nhưng số sinh viên ngành đó không có đủ hay không muốn chọn chế độ đặt hàng; cơ sở đào tạo đặt hàng không còn nhiều chỉ tiêu ngành tuyển do có nhiều cơ sở đặt hàng cùng một lúc…
Phóng viên: Vậy đâu sẽ là giải pháp cho vấn đề này, để chúng ta khai thông những điểm nghẽn trong việc thực hiện Nghị định 116 và ngày càng nâng cao chất lượng công tác đào tạo giáo viên, thưa thầy?
Giáo sư Huỳnh Văn Sơn: Trước hết, cần tôn trọng Nghị định, nhất là những vấn đề cơ bản của Nghị định cũng đã tiếp cận một góc nhìn mới tích cực trong công tác đào tạo giáo viên. Ngoài ra cũng cần nhìn nhận vấn đề, Nghị định cũng đã nhận phản hồi, góp ý sau 2 năm thực thi.
Để nâng cao chất lượng công tác đào tạo giáo viên không phải chỉ dựa vào Nghị định như là căn cứ duy nhất mà cần quan tâm đến nhiều vấn đề: thách thức từ đầu ra mà xã hội cần, bối cảnh phải đáp ứng Chương trình giáo dục phổ thông 2018, chương trình đào tạo giáo viên và chất lượng đào tạo của cơ sở giáo dục… Nhất là quan điểm rèn nghề, quan điểm phát triển năng lực đích thực của giảng viên cũng như sinh viên sư phạm…
Tuy nhiên, khâu bồi dưỡng sau đào tạo và nhất là các chế độ dành cho giáo viên khi ra trường cũng là vấn đề cần xem xét và tiếp tục có những biện pháp cải tiến nhanh chóng, quyết liệt…
Ngoài ra, mô hình hay phương thức cam kết theo hợp đồng đào tạo với các tỉnh, thành cũng như vấn đề đảm bảo tính địa phương hóa nhưng vẫn đạt chuẩn cao cũng là điều cần thiết, các vấn đề giáo dục địa phương, thực hành, thực tập theo địa phương và thỏa mãn mong đợi của địa phương đặt hàng… cần được chú ý đến.
Song song đó, việc giao sản phẩm và đánh giá sản phẩm nhất là các sản phẩm về con người không thể đơn giản hóa mà cần được thực hiện một cách chu đáo, nghiêm túc bởi các giải pháp và các dự trù một cách hệ thống, bao quát.
Trân trọng cảm ơn Giáo sư Huỳnh Văn Sơn!