Năm mới 2023, lãnh đạo Phòng Giáo dục ở Thủ đô mong mỏi điều gì?

26/01/2023 06:30
Anh Trang
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Lãnh đạo một số Phòng Giáo dục và Đào tạo ở Hà Nội đã có những chia sẻ về những thành tựu nổi bật của giáo dục địa phương trong năm vừa qua.

Năm mới Quý Mão 2023, lãnh đạo một vài Phòng Giáo dục và Đào tạo ở Hà Nội đã có những chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về những thành tựu nổi bật của giáo dục địa phương trong năm vừa qua và những nhiệm vụ, kỳ vọng trong năm mới.

Ba Vì phấn đấu đến năm 2025 đạt tỷ lệ 90% trường công lập đạt chuẩn quốc gia

Ông Phùng Ngọc Oanh, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ba Vì (Hà Nội) cho biết, năm học 2021-2022 diễn ra trong bối cảnh hết sức đặc biệt, toàn ngành tiếp tục bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, học sinh nhiều tháng phải ngừng đến trường, tổ chức dạy và học trực tuyến.

Nhờ công tác phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn thực hiện tốt, cho nên Ba Vì là huyện duy nhất được thành phố chọn thí điểm tổ chức học trực tiếp cho học sinh khối 9 từ tháng 11/2021. Các khối khác bắt đầu từ tháng 3, tháng 4 năm 2022.

Ông Phùng Ngọc Oanh, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ba Vì. Ảnh: NVCC

Ông Phùng Ngọc Oanh, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ba Vì. Ảnh: NVCC

Trong quá trình triển khai, các nhà trường đã chủ động xây dựng kịch bản phòng chống dịch; xây dựng kế hoạch dạy học phù hợp (kết hợp trực tuyến, trực tiếp) nhằm đảm bảo chất lượng, kế hoạch giáo dục và kết thúc năm học an toàn hiệu quả.

Được sự quan tâm chỉ đạo của của các đơn vị và sự phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành, đoàn thể trong huyện, ngành giáo dục Ba Vì đã hoàn thành xuất sắc kế hoạch đề ra với mục tiêu kiên trì chất lượng giáo dục.

Kết thúc năm học, Phòng Giáo dục và Đào tạo đã được Sở Giáo dục và Đào tạo đánh giá 12/13 tiêu chí xếp loại tốt trở lên, trong đó 01 tiêu chí xuất sắc đó là công tác ứng dụng công nghệ thông tin.

Đặc biệt, trong năm học 2021-2022, ngành giáo dục huyện Ba Vì có 09 cá nhân được Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng Bằng khen; 03 tập thể được Ủy ban nhân dân thành phố tặng Cờ thi đua xuất sắc; 05 tập thể, 07 cá nhân được Ủy ban nhân dân thành phố tặng Bằng khen;...

Phòng Giáo dục và Đào tạo Ba Vì được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen có thành tích trong công tác giáo dục từ năm học 2017-2018 đến năm học 2021-2022, góp phần vào xây dựng chủ nghĩa xã hội, bảo vệ Tổ quốc.

Bên cạnh những thành tích nổi bật đạt được, ngành giáo dục huyện Ba Vì cũng ghi nhận một số tồn tại, hạn chế như:

Về cơ sở hạ tầng, phòng chức năng và công trình phụ trợ của các nhà trường cơ bản đã có. Tuy nhiên do đang triển khai xây dựng nên hiện một số trường mầm non còn thiếu phòng Âm nhạc, thể chất; cấp tiểu học và trung học cơ sở còn thiếu một số phòng học bộ môn; thiết bị dạy học lớp 3, lớp 7 chương trình mới chỉ đáp ứng yêu cầu tối thiểu, cần được đầu tư bổ sung.

Còn tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ ở một số bộ môn tiểu học và trung học cơ sở. Tỷ lệ giáo viên phổ thông đạt chuẩn theo quy định tại Luật Giáo dục 2019 còn thấp. Một bộ phận giáo viên còn hạn chế về năng lực, tinh thần tự học, ý thức trách nhiệm, nhiệt huyết, tận tình với nghề chưa cao. Ngoài ra, việc ứng dụng công nghệ thông tin của một số giáo viên chưa thường xuyên, liên tục dẫn đến chất lượng giờ dạy cũng bị ảnh hưởng.

Tỉ lệ huy động trẻ ra lớp nhà trẻ, chất lượng giáo dục đại trà còn thấp so với mặt bằng chung của thành phố.

Công tác quản lý dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường còn hạn chế; việc quản lý trung tâm giáo dục ngoài nhà trường, nhóm trẻ tư thục bước đầu đã đi vào nề nếp, tuy nhiên việc quản lý còn gặp khó khăn.

Từ một số tồn tại, vướng mắc như vậy, ngoài 12 nhiệm vụ trọng tâm mà Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã đặt ra trong năm học này, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ba Vì cho biết, ngành giáo dục địa phương tập trung một số nhiệm vụ trọng tâm như sau:

Tiếp tục đổi mới công tác quản lý giáo dục, đổi mới quản trị nhà trường theo hướng tinh gọn, hiện đại, minh bạch; tăng cường thực hiện dân chủ cơ sở, phát huy vai trò và tiếng nói của đội ngũ nhà giáo trong các trường. Tập trung xây dựng, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành và tổ chức triển khai các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, nhiệm vụ, đề án, chương trình theo từng năm và giai đoạn đảm bảo tính hiệu quả, khả thi.

Thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông. Triển khai chương trình, sách giáo khoa mới đối với lớp 3, lớp 7. Đẩy mạnh giáo dục STEM trong giáo dục phổ thông.

Ảnh minh họa: Anh Trang

Ảnh minh họa: Anh Trang

Đẩy mạnh chuyển đổi số, cải cách hành chính trong giáo dục. Ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin trong quản lý và giảng dạy. Phát động các phong trào thi đua hiệu quả, thiết thực.

Xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, đạt chuẩn về trình độ đào tạo, có phẩm chất đạo đức tốt, chuyên môn, nghiệp vụ vững vàng. Tham mưu xây dựng kế hoạch, phương án tuyển dụng, đào tạo bồi dưỡng để có đủ giáo viên, đảm bảo chất lượng dạy học các môn học bắt buộc theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, đặc biệt là môn Tin học và Ngoại ngữ.

Thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho giáo dục. Tham mưu đẩy mạnh công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, phấn đấu đến năm 2025 đạt tỷ lệ 90% trường công lập đạt chuẩn quốc gia.

Đảm bảo công bằng trong tiếp cận giáo dục và nhu cầu học tập của người dân; tập trung đầu tư cho các đơn vị còn khó khăn, từng bước giảm sự chênh lệch về phát triển giáo dục giữa các vùng miền. Tăng cường hợp tác, kết nối giữa các đơn vị trường trong thành phố.

“Để tiếp tục hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học, mỗi nhà giáo cần phải quyết tâm thực hiện hiệu quả cao các nội dung kế hoạch trọng tâm của ngành và các nhiệm vụ của huyện, thành phố giao; luôn coi trọng chất lượng dạy, học và chú trọng đổi mới trong công tác quản lý, chỉ đạo.

Trước hết, mỗi cán bộ quản lý cần phải thống nhất về nhận thức “Chất lượng của một nền giáo dục phụ thuộc vào chất lượng của đội ngũ giáo viên”. Do vậy, các nhà trường cần đặc biệt quan tâm, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Đây chính là nhân tố quan trọng, vừa là mục tiêu, vừa là động lực để đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục”, ông Phùng Ngọc Oanh nói.

Năm 2023, quận Hai Bà Trưng tập trung chuyển đổi số giáo dục

Tình hình về đại dịch Covid-19 đã tạm lắng xuống, ngành giáo dục đứng trước những thách thức về sự thiếu hụt kiến thức do thời kỳ học trực tuyến kéo dài. Đứng trước thực trạng đó, chia sẻ với Tạp chí, ông Nguyễn Văn Tám, Phó Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) cho biết, ngành giáo dục quận đã đồng loạt triển khai các biện pháp.

Về đức dục, sau một thời gian học trực tuyến kéo dài, học sinh gặp nhiều vấn đề về tâm lý, từ mất tập trung đến áp lực,...nên Phòng Giáo dục đã chỉ đạo các nhà trường quan tâm tới giáo dục tâm lý, tinh thần, động viên học sinh. Trong công tác này ngành giáo dục quận đã chỉ đạo phải làm trước, làm sâu đảm bảo nhanh chóng đưa các em trở lại quỹ đạo học tập trực tiếp sau 2 năm có những giai đoạn dừng đến trường nhưng không dừng học.

Ông Nguyễn Văn Tám, Phó Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hai Bà Trưng. Ảnh: NVCC

Ông Nguyễn Văn Tám, Phó Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hai Bà Trưng. Ảnh: NVCC

Về trí dục cần tập trung vào ba trụ cột gồm:

Một là, tập trung định hướng, bồi dưỡng giáo viên; quan tâm tới đời sống tinh thần học sinh; rà soát thực trạng về lượng kiến thức học sinh để từ đó phát hiện ra những phần kiến thức còn yếu, còn thiếu nhằm có kế hoạch dạy học theo từng môn, từng nhóm đối tượng đáp ứng tốt nhiệm vụ phát triển đội ngũ các thầy cô giáo trong công tác giáo dục học sinh giai đoạn mới.

Với định hướng như vậy, năm 2022, quận Hai Bà Trưng đã đứng thứ 2 toàn thành phố về thành tích thi giáo viên giỏi gồm 3 giải Nhất, 2 giải Nhì, 1 giải Ba.

Hai là, tập trung nâng cao chất lượng giáo dục đại trà. Ngành giáo dục đã chỉ đạo các nhà trường tập trung rà soát xem học sinh yếu, thiếu phần kiến thức phần nào để chủ động dạy bù, dạy bổ sung, đảm bảo lấp đầy khoảng trống về kiến thức cho học sinh. Nhờ vậy, kết quả đại trà của học sinh trong toàn quận đã tăng từ xếp thứ 5 lên đứng thứ 2 toàn thành phố. Trong đó, có 2/3 môn là môn Toán và môn Ngữ văn đứng đầu thành phố.

Ba là, tập trung công tác phụ đạo học sinh yếu và phát hiện bồi dưỡng học sinh giỏi với phương châm “Không học sinh nào bị bỏ lại phía sau, không tài năng nào bị bỏ sót”.

Với định hướng như vậy, toàn quận đã đạt 47 giải quốc tế trong kỳ thi Olympic Quốc tế ASMO; kỳ thi Olympic Toán học Quốc tế TIMO; kỳ thi Toán Hoa Kỳ; kỳ thi đánh giá năng lực Toán tiếng Anh toàn cầu SEAMO. Trong đó giành được 7 giải Vàng, 12 giải Bạc, 28 giải Đồng và 15 giải Khuyến khích.

“Với kết quả như vậy, bước sang năm 2023, ngành giáo dục Hai Bà Trưng đã đặt ra ba mục tiêu cho năm mới. Đó là tiếp tục giữ vững và phát huy những thành tích đã đạt được của năm 2022; tập trung chuyển đổi số mạnh mẽ trong giáo dục, phấn đấu cơ bản hoàn thành chuyển đổi số trong ngành giáo dục trước năm 2025;

Tập trung thực hiện trọng tâm Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với học sinh lớp 4 và lớp 8, năm thứ 4 thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với cấp tiểu học và năm thứ 3 của cấp trung học cơ sở”, Phó Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hai Bà Trưng nhấn mạnh.

Anh Trang