Kỳ vọng của ngành giáo dục Thị xã Phú Thọ nhân dịp 40 năm ngày Nhà giáo VN

18/11/2022 06:50
Linh Anh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Giáo dục và đào tạo Thị xã trong những năm qua luôn giữ vị trí tốp đầu trong 13 đơn vị huyện, thành của Tỉnh Phú Thọ về kết quả giáo dục đại trà và mũi nhọn.

LTS: Nhân dịp 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Nguyễn Ánh Hoàng - Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo Thị xã Phú Thọ để lắng nghe chia sẻ về những kết quả cũng như kế hoạch mà ngành giáo dục thị xã đã, đang triển khai.

Phóng viên: Thời gian qua, dấu ấn mà ngành Giáo dục Thị xã Phú Thọ đạt được không chỉ là sự vượt trội về chất lượng giáo dục mũi nhọn và phát triển mà còn duy trì vững chắc chất lượng giáo dục đại trà. Xin ông cho biết nhờ đâu mà ngành giáo dục Thị xã đạt được kết quả như vậy?

Tiến sĩ Nguyễn Ánh Hoàng: Giáo dục và đào tạo Thị xã trong những năm qua luôn giữ vị trí tốp đầu trong 13 đơn vị huyện, thành của Tỉnh Phú Thọ về kết quả giáo dục đại trà và mũi nhọn. Trong 9 môn thi học sinh giỏi lớp 9 cấp tỉnh, Thị xã có 4/9 môn xếp thứ nhất toàn tỉnh. Kết quả giáo dục đại trà đánh giá qua kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 đứng thứ 1, thứ 2/13 huyện, thành, nhiều học sinh có thành tích xuất sắc được tuyển thẳng vào lớp 10. Xây dựng môi trường dạy và học ngoại ngữ hiệu quả, nhiều học sinh đạt phiếu điểm tiếng Anh quốc tế TOEFL Primary, Junior tương đương các trình độ C1, B2, B1…

Tiến sĩ Nguyễn Ánh Hoàng - Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo Thị xã Phú Thọ (Phú Thọ)

Tiến sĩ Nguyễn Ánh Hoàng - Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo Thị xã Phú Thọ (Phú Thọ)

Ngành giáo dục và đào tạo Thị xã Phú Thọ có được kết quả trên là sự quan tâm đầu tư, chỉ đạo của chính quyền các cấp và Sở Giáo dục và Đào tạo, sự đồng thuận trong triển khai các nhiệm vụ trọng tâm trong ngành của đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, nhân viên và sự đồng hành của Nhân dân Thị xã trong xã hội hóa giáo dục.

Phóng viên: Việc dạy học phát triển phẩm chất, năng lực, đòi hỏi người giáo viên phải rất nỗ lực, chịu khó đổi mới, sáng tạo trong phương pháp tổ chức giảng dạy, kiểm tra đánh giá. Phòng Giáo dục và Đào tạo Thị xã Phú Thọ đã, đang và sẽ đồng hành, hỗ trợ các thầy cô giáo như thế nào, thưa ông?

Tiến sĩ Nguyễn Ánh Hoàng: Đúng vậy, việc dạy học phát triển phẩm chất, năng lực người học là yêu cầu đổi mới giáo dục hiện nay thể hiện rõ từ nội dung đến phương pháp giảng dạy, kiểm tra đánh giá. Chính vì vậy, Phòng Giáo dục và Đào tạo Thị xã đã bám sát các chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo Phú Thọ về đổi mới dạy học và kiểm tra đánh giá bằng cách cử giáo viên tham gia các lớp bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, phối hợp với các đơn vị dịch vụ công nghệ thông tin triển khai các ứng dụng trong kiểm tra đánh giá.

Đồng thời, Phòng Giáo dục và Đào tạo Thị xã thành lập các tổ sinh hoạt chuyên môn liên trường, là nơi để giáo viên cùng chuyên môn toàn thị xã định kì sinh hoạt chuyên môn, thảo luận các yêu cầu, vấn đề khó khăn trong thực hiện đổi mới, đặc biệt là thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Từ đó tổng hợp các vấn đề cần có chỉ đạo thống nhất thực hiện trên toàn Thị xã.

Phóng viên: Thực hiện đổi mới giáo dục không thể không nói đến vai trò của chuyển đổi số, ngành Giáo dục và Đào tạo Thị xã Phú Thọ đã ứng dụng chuyển đổi số ra sao, thưa ông?

Tiến sĩ Nguyễn Ánh Hoàng: Như bạn đã biết, chuyển đổi số trong giáo dục đào tạo tập trung vào 2 nội dung chính là: chuyển đổi số trong quản lý giáo dục và chuyển đổi số trong dạy, học, kiểm tra, đánh giá, nghiên cứu khoa học. Nếu như trước đây, công tác quản lý trong giáo dục chủ yếu thông qua hồ sơ, sổ sách thì giờ đây, việc quản lý hồ sơ, sổ sách của cán bộ, giáo viên đã được đơn giản hóa bằng công nghệ thông tin. Các dữ liệu của ngành giáo dục đã được cập nhật vào hệ thống phần mềm, giúp cho công tác quản lý tiện lợi và khoa học.

Giờ học Mỹ thuật tại Trường Trung học cơ sở Sa Đéc (Thị xã Phú Thọ)

Giờ học Mỹ thuật tại Trường Trung học cơ sở Sa Đéc (Thị xã Phú Thọ)

Đối với dạy học, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để thiết kế các bài giảng điện tử cộng với tư liệu dạy học sinh động từ internet. Tích cực tham gia cuộc thi xây dựng video bài giảng trực tuyến và dạy học trên truyền hình cấp tỉnh giúp giáo viên các môn học có cơ hội trao đổi, học tập, rèn luyện, nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học, tổ chức dạy học trực tuyến. Qua cuộc thi đã xây dựng được nguồn video bài giảng có chất lượng của tất cả các môn ở các cấp học. Bên cạnh đó, Phòng Giáo dục và Đào tạo tổ chức triển khai hướng dẫn các cơ sở giáo dục phối hợp, liên kết với một số đơn vị cung ứng bài giảng số phục vụ giảng dạy tiếng Anh, dạy học tiếng Anh thông qua môn Toán và Khoa học…

Đối với kiểm tra, đánh giá đã sử dụng các công cụ, ứng dụng để đa dạng các hình thức, kiểm tra đánh giá bằng trực tuyến, trực tiếp, qua đó có thể phân tích được kết quả kiểm tra đánh giá theo các tham số đặc trưng mang tính định lượng, từ đó có các giải pháp nâng cao hiệu quả dạy học.

Phóng viên: Nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam, ông có kỳ vọng, kiến nghị gì để ngành giáo dục và đào tạo Thị xã tiếp tục gặt hái được những thành quả cao hơn nữa trong những năm học tiếp theo?

Tiến sĩ Nguyễn Ánh Hoàng: Theo tôi, cần đảm bảo được đủ số lượng đội ngũ giáo viên, nhân viên trường học, cân nhắc việc tinh giản biên chế đối với đội ngũ giáo viên trực tiếp đứng lớp; có những điều chỉnh, thực hiện kịp thời các chính sách tăng lương, đãi ngộ; tăng cường nguồn lực đầu tư trang thiết bị dạy học đáp ứng chương trình sách giáo khoa mới; đẩy mạnh chuyển đổi số trong giáo dục là những yếu tố quan trọng để nâng cao chất lượng giáo dục không chỉ là mong muốn riêng của ngành giáo dục và đào tạo Thị xã mà còn là mong muốn chung hiện nay của toàn ngành.

Trân trọng cảm ơn Tiến sĩ Nguyễn Ánh Hoàng.

Linh Anh