Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá cao vị thế của ĐHQGHN, là cơ sở không ngừng nỗ lực phấn đấu, vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, từng bước xây dựng, hoàn thiện mô hình đào tạo, nghiên cứu với quy mô và chất lượng ngày một tốt hơn. Trong 20 năm qua, ĐHQGHN đã từng bước xác lập được vai trò đầu tàu, nòng cốt trong hệ thống giáo dục Việt Nam và có vị thế ngày càng cao ở khu vực và quốc tế.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả, thành tựu đã đạt được, Tổng bí thư cũng cho rằng ĐHQGHN cũng còn những hạn chế, bất cập. Nhất là, chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học chưa thật cao, chưa đạt được trình độ tiên tiến của thế giới, khu vực.
|
TBT Nguyễn Phú Trọng giao 5 vấn đề mà ĐHQGHN trong thời gian tới cần tập trung triển khai. |
Số cán bộ khoa học đầu ngành chưa nhiều, số lượng cán bộ có trình độ cao chưa đáp ứng yêu cầu của đại học nghiên cứu tiên tiến. Hoạt động khoa học và công nghệ giữa các nhóm ngành, các đơn vị chưa đồng đều. Năng lực, đặc biệt là năng lực quản trị của một bộ phận cán bộ, viên chức, kể cả cán bộ lãnh đạo, quản lý, chưa đáp ứng yêu cầu của phương thức quản trị đại học tiên tiến; vẫn còn một bộ phận cán bộ, viên chức, sinh viên có tâm lý ngại đổi mới, thiếu ý chí vươn lên mạnh mẽ.
“Tôi đề nghị, nhân dịp kỷ niệm 20 năm xây dựng và phát triển, ĐHQGHN cần tổng kết, rút ra những bài học thành công và chưa thành công; đánh giá đúng thế mạnh và những tồn tại, hạn chế của mình; bồi đắp niềm tin, sự đồng lòng nhất trí cao hơn nữa và quyết tâm phấn đấu mạnh mẽ hơn nữa, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thời kỳ mới” Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh.
Theo đó, ĐHQGHN và ĐHQG TP. Hồ Chí Minh và các trường đại học trọng điểm phải nỗ lực phấn đấu làm nòng cốt cho hệ thống giáo dục đại học và nghiên cứu phát triển khoa học - công nghệ, có nhiều đóng góp hiệu quả và to lớn hơn nữa cho sự nghiệp đào tạo đại học, sau đại học và nghiên cứu, phát triển khoa học - công nghệ đạt trình độ tiên tiến.
Nhân dịp này, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đưa ra năm vấn đề mà nhiệm vụ ĐHQG trong thời gian tới phải làm được để việc triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 8 khoá XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo.
Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện mô hình tổ chức ĐHQGHN theo hướng hiện đại, phù hợp chuẩn mực quốc tế và điều kiện của Việt Nam. Tiếp tục triển khai cơ cấu đa ngành, đa lĩnh vực; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng, hiệu quả, tính chuyên nghiệp trong công tác quản trị đại học, bao gồm quản trị mục tiêu, quản trị các nguồn lực và cải cách, hiện đại hoá hành chính; phát huy vai trò tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các đơn vị thành viên.
Thứ hai, về công tác đào tạo, phải đặc biệt coi trọng phát triển phẩm chất, tầm nhìn, năng lực, kỹ năng và tăng khả năng có việc làm của người học. Hoàn thiện và triển khai Đề án đổi mới công tác tuyển sinh theo hướng đánh giá năng lực thực chất của người học, nâng cao chất lượng đầu vào…Xây dựng một số ngành, chuyên ngành đào tạo chất lượng cao, hướng tới phát triển khoa, trường đại học thành viên và ĐHQGHN đạt chuẩn quốc tế.
Thứ ba, về công tác nghiên cứu, cần nhận thức và phát huy đầy đủ vai trò của ĐHQGHN như là một cái nôi của nghiên cứu khoa học cơ bản, nơi sản xuất "máy cái", đào tạo, cung cấp nguồn cán bộ khoa học cơ bản cho toàn bộ hệ thống giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ quốc gia, có đặc thù riêng, cần có cơ chế, chính sách riêng, phù hợp…
|
Lãnh đạo ĐHQGHN (bên phải) ký cam kết chuyển giao khoa học kĩ thuật cho tỉnh Hà Nam. Ảnh Xuân Trung |
Tổng bí thư cũng đề nghị ĐHQGHN cần sớm nghiên cứu đề xuất với Trung ương Đảng và Chính phủ những giải pháp, cơ chế, chính sách cụ thể để nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu phát triển khoa học xã hội - nhân văn trong hệ thống các trường đại học của cả nước.
Thứ tư, tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động hợp tác quốc tế và thông tin truyền thông, phục vụ thiết thực cho hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học…ĐHQGHN cần tăng cường hợp tác với các đối tác nước ngoài có uy tín trong việc triển khai các đề tài, dự án, chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, cũng như tăng cường giao lưu văn hoá và học thuật quốc tế.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng cho biết, để hoàn thành được các mục tiêu, nhiệm vụ nêu trên, vấn đề thứ năm ĐHQGHN cần xây dựng một môi trường làm việc dân chủ, thân thiện, hợp tác tin cậy, làm cơ sở để nuôi dưỡng, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, tự do học thuật, thống nhất, đồng thuận, kỷ luật, kỷ cương... Quan tâm đầu tư, phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có đủ phẩm chất đạo đức và năng lực chuyên môn, đáp ứng yêu cầu phát triển trở thành đại học nghiên cứu.
Chú trọng phát triển đội ngũ cán bộ đầu đàn, đầu ngành; đội ngũ cán bộ quản lý có tư duy, phương pháp và kỹ năng quản trị đại học tiên tiến, có kỹ năng ứng xử, giao tiếp tốt; ưu tiên xây dựng đội ngũ giảng viên là nhà khoa học, có trình độ chuyên môn giỏi, có năng lực sáng tạo, phương pháp giảng dạy và có khả năng tổ chức nghiên cứu khoa học.
Xây dựng được một cộng đồng các nhà giáo, nhà khoa học thật sự đoàn kết, chân thành hợp tác trong đào tạo, nghiên cứu; chân thành hợp tác với các đồng nghiệp ngoài Đại học Quốc gia Hà Nội. Có giải pháp cụ thể để thu hút cán bộ và các nhà khoa học giỏi ở trong nước và nước ngoài, đồng thời có các chính sách đãi ngộ cán bộ có trình độ cao; khuyến khích, động viên cán bộ làm việc có ý thức trách nhiệm và hoàn thành tốt công việc.
Giám đốc ĐHQGHN Phùng Xuân Nhạ cho biết, hiện nay, ĐHQGHN là một thực thể gắn kết hữu cơ với 28 đơn vị đầu mối, tổ hợp của 6 trường đại học, 3 viện nghiên cứu thành viên và các đơn vị trực thuộc; bao gồm tương đối đầy đủ các lĩnh vực: khoa học tự nhiên, công nghệ, khoa học xã hội - nhân văn, kinh tế, luật, giáo dục, ngoại ngữ và y dược với đội ngũ giảng viên, nhà khoa học đông đảo và mạnh về chất lượng. Tỷ lệ cán bộ có học vị tiến sĩ và tiến sĩ khoa học chiếm 45%, tỷ lệ giáo sư và phó giáo sư đạt 18,5% phân bố khá đều trên tất cả các lĩnh vực.
Sau 20 năm phấn đấu, quy mô đào tạo sau đại học/đại học tăng từ tỷ lệ 1/10 lên xấp xỉ là 1/2. Tỉ lệ đào tạo chất lượng cao, tài năng và chuẩn quốc tế đã đạt gần 20%. Hàng năm, trung bình có hơn 15% sinh viên tốt nghiệp tiếp tục học tập và nghiên cứu tại các cơ sở đào tạo, nghiên cứu tiên tiến trên thế giới, được làm việc tại các tập đoàn công nghiệp hàng đầu quốc tế; sinh viên của ĐHQGHN tốt nghiệp ra trường có việc làm ngay đạt tỷ lệ cao, năm 2013 đạt 86,7%, trong đó 62,5% có việc làm đúng ngành đào tạo.
Cũng trong buổi sáng nay, tới dự có Giáo sư Sử học Phan Huy Lê, tại đây GS. Phan Huy Lê tập trung nhấn mạnh về vai trò, sứ mệnh của ĐHQGHN, đây là cái nôi có thế mạnh về lịch sử đào tạo nhân lực chất lượng cao. Tuy nhiên, cũng phải thấy một điều khách quan, các ngành của ĐHQGHN chưa thật đầy đủ nhưng đã bao quát được các lĩnh vực của Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội và Nhân văn, Công nghệ, Kinh tế và quản trị.
“Theo tôi phương hướng hay nhất là tiếp thu những thành tựu khoa học quốc tế vận dụng để giải quyết những yêu cầu phát triển của đất nước và trên cơ sở đó đạt tới những thành tựu mang tính đẳng cấp quốc tế, những chỉ tiêu cao của khu vực và thế giới” GS. Phan Huy Lê đề nghị ĐHQGHN cần đi theo hướng phát triển này.
Xuân Trung