Ảnh minh họa. |
Một cách đơn giản, năng lực được hiểu là tập hợp những gì một cá nhân, tổ chức, quốc gia, hay một chính phủ cần có để thực hiện các hoạt động hướng tới mục đính và mục tiêu của mình.
Xác định năng lực nhằm giúp tập trung nguồn lực nhằm đạt được kết quả mong muốn. Ngày hôm qua, phó thủ tướng Vũ Đức Đam có đề cập tới mô hình xã hội học tập áp dụng tại Việt Nam, chúng ta cần trao đổi và hiểu các năng lực của xã hội học tập như thế nào trong thực tiễn.
Khi xác định được các năng lực của xã hội học tập sẽ dễ dàng triển khai các hoạt động trong xã hội. Có rất nhiều cách hiểu về xã hội học tập nhưng nếu xã hội học tập là quá trình tiếp thu, tích lũy, sử dụng, phát triển và sáng tạo những tri thức mới trong mọi góc cạnh của xã hội thì các năng lực xã hội học tập có thể được hiểu như sau:
1 - Năng lực tiếp nhận và chọn lọc thông tin: Để khởi đầu một xã hội học tập, chọn lọc và tiếp nhận thông tin đóng vai trò rất quan trọng. Một xã hội học tập sẽ thúc đẩy và tạo ra rất nhiều kênh nhằm hấp thu những tinh hoa thông tin và tri thức trên thế giới.
Tuy nhiên nếu xã hội đó không có khả năng lựa chọn và thải loại những thông tin không phù hợp với nó, xã hội đó sẽ bị bội thực thông tin hoặc mất đi bản sắc của mình. Các thông tin và tri thức ngày nay được truyền tải trên nhiều dạng thức và nhiều kênh so với những thế kỷ trước. Một quốc gia thực sự là xã hội học tập khi các kênh thông tin được sử dụng và kết hợp hiệu quả.
2- Năng lực lưu trữ thông tin trong xã hội: Lưu trữ thông tin đóng vai trò quan trọng để tạo ra cơ hội cho các thành viên trong xã hội có khả năng tiếp cận thông tin và tri thức khi cần thiết. Do thông tin bùng nổ về số lượng và dạng thức, năng lực lưu trữ thông tin xã hội cần phải được đầu tư và chú trọng.
Thông tin cần được xếp loại và lưu trữ thích hợp tạo điều kiện cho người sử dụng trong xã hội truy cập hoàn toàn miễn phí hoặc với chi phí rất hiệu quả. Các thông tin phải được xử lý, hiệu chỉnh, xếp loại và lưu trữ theo thời gian. Chúng ta cần những dự án, chương trình lưu trữ thông tin và tạo ra những tiếp cận cho toàn xã hội. Tác giả đã học qua các trường đại học tại nước ngoài.
Tại các trường này, luôn luôn có những thư viện online về kiến thức mà nhà trường đã trả tiền mua giúp cho sinh viên tiếp cận được các tài liệu khoa học và chuyên ngành rất đáng quý trong học tập. Các chương trình như vậy cần được áp dụng chí ít tại các trường đại học hàng đầu tại Việt Nam.
3- Năng lực xử lý và phản biện thông tin trong xã hội: Để tiến tới xã hội học tập, năng lực phản biện và xử lý thông tin cần được đào tạo và phát triển tương ứng. Trong một số bài báo gần đây, có phản ánh một số vấn đề liên quan tới người Việt Nam rất yếu trong tư duy hệ thống, tư duy logic và tranh luận khoa học.
Một sự thật chúng ta thường gặp đó là người Việt Nam rất ngại nêu những chính kiến và suy nghĩ của mình. Giữ những thói quen như vậy đã làm giảm sút năng lực xử lý và phản biện thông tin. Cũng tương tự, khi tranh luận, người Việt Nam thường sử dụng những ngụy biện và không tạo ra những giá trị gia tăng trong quá trình tương tác giữa cá nhân và cá nhân. Những ví dụ nêu trên nhằm phản ánh tầm quan trọng của hệ thống giáo dục của chúng ta cần rèn luyện những kỹ năng để thúc đẩy năng lực xử lý và phản biện thông tin trong toàn xã hội.
4- Năng lực kết nối và sáng tạo thông tin: Nếu như chỉ tích lũy và sử dụng tri thức sẵn có của nhân loại thì chúng ta chưa có được xã hội học tập đúng nghĩa. Xã hội học tập cần phải có các công cụ, hỗ trợ và khuyến khích cá nhân trong xã hội đó có những sáng tạo dựa trên thông tin và tri thức của nhân loại.
Một khía cạnh quan trọng nữa đó là hệ thống luật pháp nhằm bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ thông tin cho người chủ đã sáng tạo ra nó. Ở đây mối liên kết giữ tích lũy - sử dụng và sáng tạo rất rõ ràng. Để sáng tạo tốt và hiệu quả, xã hội cần phải biết toàn nhân loại đã có cái gì và chưa có cái gì.
Xã hội đó cũng cần phải học phương pháp, công cụ và các hệ thống thúc đẩy sáng tạo trong toàn xã hội. Nhìn rộng ra thế giới, các quốc gia hùng mạnh đều sở hữu năng lực sáng tạo vô cùng phong phú. Để sáng tạo được, các cá nhân cần phải kết nối với những người cùng mối quan tâm. Năng lực kết nối trong cộng đồng sẽ tạo điều kiện cho xã hội học tập phát triển mạnh mẽ.
5-Năng lực chia sẻ thông tin: Các thông tin sáng tạo cần được bảo vệ bằng bản quyền tuy nhiên xã hội học tập lại khuyến khích bản thân các cá nhân chia sẻ thông tin và tri thức họ đã phát triển được cho toàn xã hội. Các chuyên gia và nhà khoa học tại các quốc gia học tập đều có xu hướng chia sẻ và phổ biến các kiến thức họ có được.
Điều này hoàn toàn trái ngược ở Việt Nam khi các cá nhân có thiên hướng không chia sẻ những thông tin không phải của họ. Chia sẻ thông tin là thước đo cao nhất năng lực của xã hội học tập. Khi các thông tin và tri thức được chia sẻ sẽ tạo điều kiện cho các cá nhân có năng lực và mối quan tâm hấp thụ và đến lượt họ, các giá trị mới sẽ được tạo ra. Thông qua năng lực kết nối đã đề cập ở trên, các thông tin và giá trị tạo ra sẽ nhanh chóng chia sẻ trong cộng đồng.
5- năng lực nói trên có thể giúp cho các chương trình triển khai hiệu quả trong xã hội. Ví dụ dựa án toàn bộ sinh viên tại Việt Nam cần phải được nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh. Như vậy bước đầu tiên cần phải có các kênh truyền hình bằng tiếng Anh, các chương trình dạy toán lý hóa bằng tiếng Anh trên truyền hình.
Tương ứng với năng lực thứ hai đó là các bài giảng tiếng Anh và các tài liệu cần được số hóa và chuyển tới toàn bộ các vùng tại Việt Nam. Bước thứ ba đó là quá trình tranh luận và lựa chọn ra những cách học và dậy tiếng Anh tốt nhất cho cộng đồng dựa trên những tài liệu đó.
Bước thứ tư, các cá nhân sẽ sáng tạo ra các cách dạy và học tiếng Anh hiệu quả hay phát triển các tài liệu đào tạo tiếng Anh dựa trên những nguồn tri thức đã có và mạng lưới kết nối. Bước cuối cùng chính là chia sẻ những giá trị mới tạo ra cho toàn bộ cộng đồng trong xã hội.
Quan trọng nhất đó là hành động và kết quả. Xã hội học tập chỉ trở thành đúng nghĩa khi mỗi cá nhân trong xã hội tham gia, thực hiện và thụ hưởng thành quả từ khái niệm đó./.