Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trăn trở với vấn đề xã hội học tập trong “Diễn đàn Xây dựng xã hội học tập ở Việt Nam từ tư vấn đến chính sách” được tổ chức mới đây.
Phó Thủ tướng cho biết, dân tộc Việt Nam đã trải qua bao thăng trầm của lịch sử, chiến thắng nhiều thiên tai, địch họa để xây dựng đất nước Việt Nam như ngày hôm nay, bên cạnh yếu tố dũng cảm kiên cường, chịu thương chịu khó, thì còn là một dân tộc hết sức hiếu học. Và sự học luôn luôn được đề cao trong tất cả mọi gia đình và trong xã hội.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam |
Một xã hội tương tác
Chủ trương cả xã hội tham gia học tập, người dân có quyền được học tập, bồi dưỡng kiến thức, nâng cao trình độ. Ngay từ thời kỳ đầu cách mạng, Bác Hồ đã kêu gọi diệt “giặc dốt”, coi “giặc dốt, giặc đói” cũng như giặc ngoại xâm. Nhờ sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế, sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, năm 1945, từ một đất nước có đến 94% dân số mù chữ đến năm 2000 thì 94% đã biết đọc, biết viết, nhiều địa phương đã phổ cập được giáo dục tiểu học, tiến tới phổ cập THCS.
So với các nước có trình độ phát triển kinh tế, xã hội ngang bằng Việt Nam, có thể nói rằng giáo dục, đào tạo nói riêng và các vấn đề liên quan đến con người nói chung luôn được Đảng, chính quyền và nhân dân hết lòng chăm lo.
Đề cập tới vấn đề xã hội học tập, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho hay, ngay từ năm 2005, Chính phủ đã phê duyệt đề án xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2005-2010 và mới đây, Chính phủ phê duyệt tiếp đề án xây dựng xã hội học tập từ nay đến 2020. Với sự giúp đỡ của các tổ chức quốc tế, các nhà khoa học và các cơ quan chuyên môn chúng ta đã được xây dựng được một đề án tương đối cụ thể với 3 quan điểm, 4 mục tiêu, 7 giải pháp.
Phó Thủ tướng cũng nói rằng, nếu chỉ nhìn vào đề án đó tưởng chừng việc xây dựng xã hội học tập dễ thực hiện, nhưng thực tế vẫn còn rất nhiều vấn đề đặt ra, như xã hội học tập có những đặc trưng gì, chỉ tiêu nào để đánh giá, như thế nào là học tập suốt đời…? Và trong xã hội tương tác này thì thậm chí cả trò cũng sẽ là người “thầy” để thầy học hỏi được nhiều điều.
Vấn đề triển khai xây dựng một xã hội học tập khó khăn nhất là ở các vùng nông thôn, bà con vùng dân tộc, những người khuyết tật đặc biệt khó khăn. Hơn nữa, triển khai vấn đề này thì ở Việt Nam điều kiện khác, thế giới khác. Tuy nhiên, cái gì chung, cái gì tiếp thu được để phân kỳ cho phù hợp với tình hình phát triển KTXH, với yêu cầu phát triển của Việt Nam.
“Đầu tiên là học để biết chữ, học để nâng cao kiến thức, trình độ chuyên môn; nâng cao trình độ ngoại ngữ, tin học phù hợp với xu thế thế giới và đặc biệt là nâng cao kỹ năng sống, kỹ năng mềm như làm việc theo nhóm hay sẵn sàng đối đầu trước những thách thức. Nhưng cách đây mấy ngày, tôi có làm một cuộc khảo sát nhỏ với khoảng 30 người thì không người nào cho rằng học để giữ sức khỏe…” Phó Thủ tướng Đam chia sẻ thêm.
Xã hội học tập là một chủ trương lớn, nhà nước khuyến khích tạo điều kiện để toàn dân được tham gia học tập, xác định được mục tiêu vậy phải làm thế nào để xây dựng một xã hội học tập? Điều gì còn cản trở? Phải chăng là do KTXH chưa phát triển, chưa có nhiều tiền; phải chăng có nhiều cơ chế chính sách chưa phù hợp; phải chăng do nhận thức, hay do chúng ta chưa đổi mới được căn bản, toàn diện giáo dục nên chưa xây dựng được xã hội học tập…?
Phó Thủ tướng cho rằng, ngược lại những người làm đổi mới giáo dục, đào tạo cũng muốn dựa vào chương trình xây dựng xã hội học tập để tạo môi trường, sức đẩy cho đổi mới toàn diện giáo dục.
Xác định trở ngại chính của xã hội học tập là gì
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng nhấn mạnh tới các giải pháp để xây dựng một xã hội học tập, quan điểm của ông trước hết chúng ta phải thống nhất được tư tưởng phải đổi mới và hội nhập.
Nhưng nói đến hội nhập, ngay trong xây dựng xã hội học tập chúng ta đặt trong hoàn cảnh hội nhập quốc tế không chỉ để xây dựng công dân Việt Nam thành công dân toàn cầu mà cao hơn nữa là xây dựng một xã hội học tập gắn với việc tiếp thu những tinh hoa không chỉ về giáo dục mà cả văn hóa của nhân loại, đồng thời cũng giúp để nền văn hiến của Việt Nam, những giá trị của văn hóa Việt Nam, con người Việt Nam góp phần chung vào nền văn minh của nhân loại.
Thứ hai, khoa học công nghệ phát triển không thể tưởng tượng được với những thành tựu rất kỳ diệu. Phó Thủ tướng chi sẻ, cách đây mấy ngày, ông có gặp một vị hòa thượng và có hỏi rằng nếu 50 năm trước đây có ai đó nói rằng một người ngồi ở Hà Nội và nói chuyện được với một người ở Washington thì mọi người chỉ có thể nói rằng đó là Phật, là Tiên, là Thánh nhưng bây giờ CNTT làm được việc đó.
Thứ ba, chúng ta xây dựng xã hội học tập cho tất cả nhưng phải phù hợp với từng đối tượng, phù hợp với quan điểm của Đảng, Nhà nước, trong đó đặc biệt quan tâm trước hết là những người gặp nhiều khó khăn, dễ bị thiệt thòi như: phụ nữ, đồng bào dân tộc thiểu sổ, ở những vùng thường xuyên bị thiên tai… Chúng ta không cào bằng tất cả để thực sự mọi người dân đều được hưởng lợi ích của sự phát triển.
Thứ tư, là các nhà khoa học, các chuyên gia giáo dục, hoạch định chính sách cần xác định cho được những trở ngại chính trong việc thực hiện xã hội học tập qua kinh nghiệm của các nước và ở Việt Nam. Mà có những trở ngại tưởng chừng không liên quan đến xây dựng xã hội học tập như: cơ chế đánh giá cán bộ qua bằng cấp, hiệu quả công việc hay qua lý lịch. Đây là những thứ rất cần phải nhận diện để giải quyết.
Thứ năm, trong khi tìm ra những vấn đề vướng mắc và giải pháp để thực hiện xã hội học tập chúng ta luôn hết sức cổ vũ cho sáng tạo, đổi mới. Dòng chảy cuộc đời không bao giờ dừng lại, cái mới hôm nay có thể trở nên lạc hậu trong ngày mai. Và làm sao hết sức cầu thị, cổ vũ mọi người khi có phát kiến mới, có sáng tạo thì cổ vũ cho ý tưởng đó được hình thành, phát triển, qua đó phát huy tất cả sức mạnh của nhân dân, chuyên gia trong và ngoài nước, để phản biện, đóng góp vào các chính sách, trước hết là các chính sách liên quan đến xã hội học tập.