Năng lực yếu nhưng nói giỏi vẫn làm được hiệu trưởng

28/05/2020 06:06
Đỗ Quyên
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nếu quy hoạch và bổ nhiệm hiệu trưởng sẽ không bao giờ tránh khỏi việc “nâng đỡ không trong sáng” và hậu quả là cho ra lò những hiệu trưởng chưa đủ tài và kém đức

Một người kém tài có đảm đương được cương vị hiệu trưởng hay không?

Từ thực tế cho thấy, người kém tài chuyên môn nhưng hoạt ngôn, được cấp trên yêu thương nâng đỡ vẫn đang làm hiệu trưởng đầy đấy thôi.

Hiệu trưởng có yếu năng lực nhưng vẫn có những giáo viên dạy giỏi chuyên môn và tận tâm với trò (Ảnh minh họa: Báo Đà Nẵng)

Hiệu trưởng có yếu năng lực nhưng vẫn có những giáo viên dạy giỏi chuyên môn và tận tâm với trò (Ảnh minh họa: Báo Đà Nẵng)

Một huyện có khoảng dăm chục trường học ở cả 3 cấp.

Ngoài những hiệu trưởng vừa có phẩm chất đạo đức, vừa có năng lực quản lý nổi trội thì vẫn còn không ít hiệu trưởng mà cứ nhắc đến tên thì giáo viên chúng tôi thường lắc đầu, rụt cổ.

Một đồng nghiệp của tôi nói về hiệu trưởng của mình thế này: “Ông ta năng lực thì yếu mà phẩm chất cũng không có”. Bạn nghe thấy có xót xa không? Nói rồi người đồng nghiệp ấy kể ra biết bao nhiêu chuyện về hiệu trưởng của mình.

Nào là 2 tiết dạy theo quy định luôn nhờ giáo viên dạy dùm nhưng dạy tăng giờ lại giành hết phần của giáo viên để dạy lấy tiền.

Lên lớp dạy chỉ giảng qua loa và ngồi còn mặc kệ cho học sinh làm bài sao cũng được.

Ngày lễ, Tết đếm từng giáo viên đến tặng quà, mình ghét kiểu ăn bẩn nên chẳng bao giờ tặng chứ không phải mình tiếc.

Thế là, suốt năm suốt tháng mình bị trù dập, hoạch họe đủ đường.

Một đồng nghiệp khác cũng nói rằng hiệu trưởng của mình là tay nghiện trò chơi tiền ảo, không những thế còn rủ cả giáo viên tham gia.

Rồi hùn hạp, góp vốn kinh doanh nhưng không biết làm ăn thế nào giờ bị vỡ nợ hàng tỷ đồng.

Nợ bủa vây nên vay của cả giáo viên nhưng đến hẹn mà không chịu trả.

Mỗi ngày nghe điện thoại nhắc nợ cũng đủ khùng rồi lấy đâu mà chăm lo cho trường lớp.

Một hiệu trưởng khác cũng lâm vào cảnh nợ nần số tiền khá lớn nên bị xã hội đen xiết nợ luôn cái nhà.

Đâu chỉ mỗi nợ xã hội đen, vay mượn giáo viên trong trường mỗi người một ít.

Có người vì nể hiệu trưởng nên cho mượn cả tên để vay ngân hàng. Giờ thì chẳng biết phải đòi làm sao?

Có lẽ vì suốt ngày lo toan khất nợ hoặc tìm cách vay nơi này đập nơi kia nên việc trường cũng vô cùng thoải mái.

Có hiệu trưởng lại vô cùng tham lam. Gia đình bán từng cuốn vở, quyển sách, tờ giấy kiểm tra, phấn viết…cho trường. Dù lấy tận gốc, bán tận ngọn không mất tiền hoa hồng lót tay ai nhưng vẫn bán với giá cao hơn bên ngoài không hề nhỏ.

Đã thế, còn lấy quyền hiệu trưởng để dành hết những việc như chụp hình thẻ, ép hình thẻ, ép thẻ bảo hiểm…công việc thường để cho văn thư (vì lương thấp) kiếm thêm thu nhập.

Có cả hiệu trưởng tham lam đến độ mang cả tivi của trường về nhà nói rằng mượn nhưng chẳng hẹn ngày trả, mang từng bộ ấm chén (các cơ quan tặng 20/11) về nhà để dùng.

Giáo viên không ai lên tiếng nhưng ai cũng bất bình, sự khinh khi coi thường luôn ẩn trong từng suy nghĩ. Nhiều lần chúng tôi còn nói với nhau: "Làm hiệu trưởng thế này thì ai làm cũng được".

Hiệu trưởng như thế nhưng trường vẫn hoạt động bình thường cả việc học và các hoạt động.

Phần đông giáo viên không vì sự lơ là của hiệu trưởng mà sao nhãng việc dạy. Nhiều giáo viên nói, có hiệu trưởng thì mình cũng dạy, vắng hiệu trưởng mình cũng có bỏ lớp được đâu? Lớp đã giao cho mình quản lý ngay từ đầu năm.

Bởi thế, giáo viên nào cũng muốn dạy thật tốt để sang năm học thầy cô giáo khác khỏi nghe “mắng vốn” (cách nói của người dân phía Nam).

Giáo viên biết, lãnh đạo cũng biết nhưng sao họ vẫn làm hiệu trưởng?

Thường thì khi đã đề bạt lên lãnh đạo nhà trường, họ không vi phạm điều gì lớn để bị kiện cáo thì đương nhiên vẫn sẽ làm hiệu trưởng cho đến khi về hưu.

Đó là chưa nói, những người năng lực yếu mà leo lên được cái chức này cũng toàn là “chân rết”, là đệ tử ruột, không thì người nhà hoặc đã bỏ ra những khoản “đầu tiên” hấp dẫn.

Được nâng đỡ như thế đến các hiệu trưởng khác còn phải kiêng dè, nể mặt chứ ai dám công khai phê bình, góp ý?

Nói hiệu trưởng làm báo cáo, các chuyên đề, xử lý thông tin, hoàn thành các hồ sơ kiểm định…Phần lớn là “bổn cũ soạn lại” vì khi đem ra triển khai có khi còn cả ngày tháng năm cũ. Có người đi xin trường khác về chỉnh sửa nhưng quên luôn sửa tên của trường họ.

Hồ sơ, báo cáo thời nay của hiệu trưởng cũng chỉ vài cái nhấp chuột là xong chứ chẳng mấy khó khăn gì.

Hằng năm, giáo viên lại đánh giá nhận xét theo kiểu sao y thang điểm hiệu trưởng đánh giá mình rồi nộp lên. Thế là chỉ có hoàn thành tốt nhiệm vụ, đôi khi còn hoàn thành xuất sắc nữa.

Còn chất lượng học tập của học sinh toàn trường ư? Học sinh có được quyền lưu ban đâu mà không lên lớp thẳng đến 99%?

Thêm vài cái hoạt động phong trào làm bề nổi của trường như phong trào đọc sách, tiếp bước ước mơ, giao lưu học tập theo chủ điểm... (mà năm nào cũng làm thế chứ có phải sáng tạo thêm gì đâu) ghi vào trong các báo cáo. Nhiều năm còn được cấp trên ghi nhận và khen thưởng nữa là.

Muốn tìm hiệu trưởng giỏi về năng lực và có đủ phẩm chất đạo đức nhất định cần phải thi tuyển một cách công khai.

Nếu vẫn là quy hoạch và bổ nhiệm như hiện nay thì không bao giờ tránh khỏi việc “nâng đỡ không trong sáng” và hậu quả là cho ra lò những hiệu trưởng chưa đủ tài và kém đức.

Đỗ Quyên