Người xưa có câu: “nhân vô thập toàn” để nói mỗi con người chúng ta không thể nào tốt đẹp và hoàn hảo hết về mọi mặt được.
Vì thế, hiệu trưởng nhà trường dù tài năng, đức độ đến bao nhiêu thì vẫn có những hạn chế, khuyết điểm và tất nhiên không bao giờ làm vừa lòng được toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường.
Nói gì thì nói thì mọi người cũng phải thừa nhận một điều là hiệu trưởng cho dù không hẳn là người tiêu biểu, nổi trội nhất trong đơn vị nhưng chắc chắn họ phải là người nổi bật về một số mặt thì mới được quy hoạch, đề bạt, bổ nhiệm.
Trước khi là hiệu trưởng thì nhà giáo đó phải có nhiều năm đứng lớp (Ảnh minh họa: Báo Gia Lai) |
Con đường để đi đến ghế hiệu trưởng nhà trường
Hiện nay, chúng ta thấy có những hiệu trưởng khi đã tại vị thì có những phát ngôn, hành động không đẹp, đôi lúc gây bất mãn cho giáo viên trong đơn vị.
Có những hiệu trưởng tham lam, cơ hội, tận dụng đối đa vị trí đảm nhận của mình để tư lợi- điều này đã được báo chí phản ánh khá nhiều trong thời gian qua.
Hiện tượng này chính là sự tha hóa về đạo đức và tất nhiên họ không nhận được sự đồng thuận của cấp dưới và cả cấp trên. Những hiệu trưởng như vậy sẽ khó có cơ hội để tại vị ở chiếc ghế hiệu trưởng được lâu dài.
Và, một số hiệu trưởng nhà trường đã tự đánh mất mình, tự phủ nhận sự cố gắng của mình trong suốt cả những tháng năm dài…
Như chúng ta đã biết, thông thường thì con đường của một giáo viên dạy lớp đến lúc đảm nhận chức danh hiệu trưởng nhà trường là cả một quãng thời gian dài, phấn đấu của một nhà giáo.
Những trường hợp “nâng đỡ không trong sáng” thì không nói làm gì nhưng những nhà giáo đi lên bằng năng lực (số nhiều) là cả một quãng đường không hề ngắn ngủi và không phải người nào cũng thuận lợi trong con đường thăng tiến của mình.
Trước tiên, họ phải là những người tương đối tiêu biểu trong đơn vị thì mới được bổ nhiệm làm tổ trưởng chuyên môn và quy hoạch, cho đi học các lớp nghiệp vụ cần thiết.
Khi đã hội tụ đầy đủ các yếu tố cần thiết thì họ mới được bổ nhiệm làm phó hiệu trưởng, rồi hiệu trưởng nhà trường. Điều đó cũng đồng nghĩa là để trở thành một hiệu trưởng nhà trường thì họ đều phải trải qua nhiều vị trí công tác từ thấp đến cao.
Chính vì đã từng đảm nhận nhiều vị trí, công việc trong nhà trường cho đến khi làm người lãnh đạo đơn vị nên họ có thực tế và tất nhiên việc chỉ đạo về chuyên môn của hiệu trưởng không chỉ là lý thuyết viển vông mà từ những trải nghiệm trong công việc.
Vì thế, người hiệu trưởng giỏi không phải là việc gì cũng trực tiếp làm mà phải là người biết đề ra kế hoạch, biết chỉ đạo, đôn đốc và kiểm tra công việc đối với các bộ phận trong trường học.
Một người kém tài rất khó có thể đảm đương làm hiệu trưởng đơn vị
Có những ý kiến cho rằng hiệu trưởng có nhiều người bất tài, chỉ giỏi nói và không đi lên bằng năng lực nhưng chúng tôi lại nghĩ khác. Bởi, một người kém tài thì khó có thể làm được hiệu trưởng trong giai đoạn hiện nay.
Ngoài việc quản lý, điều hành về nhân sự, phân phổ, chi tiêu tài chính… thì trong một đơn vị luôn cố vô số công việc bắt buộc người đứng đầu đơn vị phải đương đầu, giải quyết hàng ngày.
Mỗi ngày có hàng chục cái email từ cấp trên gửi xuống bắt buộc phải xử lý- cho dù có phân công cho bộ phận nào thì hiệu trưởng cũng phải đôn đốc, kiểm tra và chịu trách nhiệm.
Rất nhiều công việc chuyên môn, tài chính, phổ cập, ngoài giờ, đảng đoàn..bắt buộc phải chỉ đạo, triển khai, thực hiện, báo cáo…
Nếu người hiệu trưởng không có chuyên môn tốt không thể chỉ đạo được chuyên môn của nhà trường hiệu quả. Nếu người hiệu trưởng lề mề thì không thể hoàn thành các báo cáo, kế hoạch cho cấp trên.
Nếu người hiệu trưởng kém về tin học, không am hiểu các phần mềm thì không thể áp dụng được trong công việc, không cập nhật và hoàn thành được nhiệm vụ của mình.
Nếu người hiệu trưởng xử lý giáo viên, học sinh sai trái, không đúng luật ắt sẽ nhanh chóng bị phản đối…
Nếu thu sai, chi sai thì thông tin này cũng nhanh chóng bị phản ánh cho báo chí, hoặc tạo ra luồng thị phi trong đơn vị.
Lo chi tiêu trong gia đình đã khó, lo chi tiêu cho cả đơn vị với hàng trăm giáo viên và hàng ngàn học sinh càng khó nhiều hơn. Chi cái gì cũng cần chứng từ, trong khi trường học có những cái chi mà cấp trên không cho phép nhưng bắt buộc cũng phải chi…
Những sự việc phải đối mặt hàng ngày như vậy sẽ không hề đơn giản cho những hiệu trưởng kém tài, kém hiểu biết.
Vì thế, dù không hẳn là người giỏi nhất nhưng hiệu trưởng chắc chắn phải là người đa năng trong đơn vị và không thể nói họ là những người dở được. Vì dù có chạy chọt hay được nâng đỡ để bổ nhiệm thì bản thân những nhà giáo này cũng phải có năng lực mới có thể đảm nhận được công việc.
Cái gì cũng phải đúng luật, phải căn cứ vào văn bản hiện hành nên không thể nói là hiệu trưởng thích làm gì thì làm nên dù không thuộc thì cũng phải nắm được, biết vận dụng được văn bản chỉ đạo để làm việc và xử lý công việc điều hành của nhà trường.
Với cơ chế hiện thủ trưởng hiện nay thì hiệu trưởng là nhà trường là người chịu trách nhiệm chính về mọi hoạt động của nhà trường trước các cơ quan chức năng. Hiệu trưởng có rất nhiều quyền nhưng cũng có vô vàn trách nhiệm đi kèm.
Nếu một nhà giáo khi được bổ nhiệm làm hiệu trưởng mà không hài hòa được quyền lực, quyền lợi trong tập thể thì đoàn kết nội bộ sẽ bị lung lay, tập thể nhà trường chia thành nhiều phe phái khác nhau.
Vì thế, hãy nhìn vào thực tế công việc để cảm thông, chia sẻ và hiểu được trách nhiệm của nhau trong từng vị trí công tác ở mỗi nhà trường. Đừng vì một vài hiện tượng cá biệt mà có cái nhìn ác ý với hàng trăm, hàng ngàn hiệu trưởng đang nỗ lực cho sự phát triển giáo dục hiện nay.