NĐ 111 yêu cầu tối thiểu 20% GV cơ hữu tại các cơ sở thực hành là không thực tế

19/10/2022 06:44
Anh Trang
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Phải có sự liên kết chặt chẽ, tạo điều kiện thuận lợi cho các giảng viên, bác sĩ trong công tác khám chữa bệnh, đào tạo và sinh viên qua thực hành.

Ngày 5/10/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 111/2017/NĐ-CP về tổ chức đào tạo, thực hành trong đào tạo khối ngành sức khỏe.

Sau 5 năm thực hiện, trên cương vị là cơ sở đào tạo chấp hành nghị định này, trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ, Bác sĩ Lê Viết Nho, Trưởng khoa Y - Dược, Đại học Đà Nẵng chia sẻ, bên cạnh những thuận lợi thì Nghị định cũng đã bộc lộ những vướng mắc, khó khăn ở một số nội dung, đòi hỏi phải có sự điều chỉnh để phù hợp với thực tiễn.

“Nghị định 111 là cơ sở pháp lý quan trọng cho sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ sở giáo dục và cơ sở thực hành trong xây dựng chương trình, kế hoạch, hợp đồng, tổ chức đào tạo thực hành, lượng giá và đánh giá kết quả thực hành; bảo đảm sự thống nhất, tương đồng về quyền và trách nhiệm giữa cơ sở giáo dục và cơ sở thực hành trong tổ chức đào tạo thực hành khối ngành sức khỏe.

Đồng thời, Nghị định cũng tạo thuận lợi trong việc phối hợp và sử dụng nguồn lực các bên. Trong trường hợp cơ sở đào tạo không đủ số lượng giảng viên để tiến hành giảng dạy hoặc thiếu những giảng viên là người có kinh nghiệm lâm sàng thì có thể mời các bác sĩ làm việc tại cơ sở thực hành đến dạy sinh viên.

Ngoài ra, khi đã có Nghị định 111, việc sinh viên qua các bệnh viện thực hành cũng dễ dàng và hiệu quả hơn rất nhiều”, Tiến sĩ, Bác sĩ Lê Viết Nho nói.

Tiến sĩ, Bác sĩ Lê Viết Nho, Trưởng khoa Y - Dược, Đại học Đà Nẵng. Nguồn: Báo Đà Nẵng

Tiến sĩ, Bác sĩ Lê Viết Nho, Trưởng khoa Y - Dược, Đại học Đà Nẵng. Nguồn: Báo Đà Nẵng

Hiện nay, khoa Y-Dược, Đại học Đà Nẵng đang ký kết hợp đồng với gần 20 cơ sở thực hành, cơ sở thực hành chính nằm ở Bệnh viện Đà Nẵng và Bệnh viện Phụ Sản - Nhi Đà Nẵng. Qua thực tiễn triển khai, Tiến sĩ, Bác sĩ Lê Viết Nho đánh giá Nghị định còn có một số ràng buộc chưa hợp lý, nhiều quy định hành chính còn “cứng” cần phải thay đổi cho phù hợp.

Thứ nhất, tại Mục a, Khoản 2, Điều 10 của Nghị định này có nêu yêu cầu cơ sở thực hành chính của cơ sở giáo dục phải “là bệnh viện hạng I hoặc bệnh viện được phép thực hiện kỹ thuật thuộc danh mục kỹ thuật từ tuyến I trở lên đối với đào tạo trình độ sau đại học, đào tạo trình độ đại học ngành y đa khoa, y học cổ truyền, răng hàm mặt; là bệnh viện hạng II hoặc bệnh viện được phép thực hiện kỹ thuật thuộc danh mục kỹ thuật từ tuyến II trở lên đối với đào tạo trình độ đại học các ngành khác thuộc khối ngành sức khỏe; là bệnh viện hạng III hoặc hoặc bệnh viện được phép thực hiện kỹ thuật thuộc danh mục kỹ thuật từ tuyến III trở lên đối với đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp khối ngành sức khỏe”.

Như vậy, phần lớn cơ sở đào tạo đại học chỉ có thể ký hợp đồng với cơ sở thực hành chính là các bệnh viện hạng I, chỉ có một số khối ngành nhỏ mới ký được với bệnh viện hạng II.

“Trong khi, thực tế, có nhiều bệnh viện hạng II đáp ứng được những tiêu chuẩn của bệnh viện hạng I nhưng chưa muốn lên vì một số ràng buộc. Như vậy, với quy định này, nhà trường rất khó tiến hành hợp đồng với họ. Nếu muốn hợp đồng, chỉ được ký với các học phần nhỏ và không thể ký với các học phần lớn và họ cũng không thể trở thành cơ sở thực hành chính của khoa.

Khi không phải cơ sở thực hành chính thì những giảng viên trong bệnh viện đó không thể bổ nhiệm, kiêm nhiệm được, có chăng chỉ có thể mời họ thỉnh giảng và không được hưởng quyền lợi của giảng viên cơ hữu, vì vậy họ khó mà mặn mà với công việc giảng dạy”, Trưởng khoa Y - Dược, Đại học Đà Nẵng cho hay.

Thứ hai, tại Mục b, Khoản 2, Điều 10 của Nghị định 111 có quy định “có ít nhất 20% người giảng dạy chương trình thực hành là người làm việc cơ hữu của cơ sở giáo dục có đăng ký hành nghề tại cơ sở thực hành và được cơ sở thực hành bố trí làm công tác khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh phù hợp với năng lực, kinh nghiệm và phạm vi hoạt động chuyên môn trong chứng chỉ hành nghề”.

Với quy định này, Tiến sĩ, Bác sĩ Lê Viết Nho cho biết, việc phải có tối thiểu 20% giảng viên cơ hữu tại các cơ sở thực hành là không thực tế, khó thực hiện. Bởi lẽ, đội ngũ giảng viên của khoa không đủ để sang cơ sở thực hành làm và công việc bên trường cũng rất nhiều. Bên cạnh đó, nhiều bệnh viện cũng không mặn mà với việc để giảng viên của cơ sở đào tạo tham gia làm công tác khám bệnh, chữa bệnh và cơ sở đào tạo cũng không bắt buộc các bệnh viện phải thực hiện. Vì vậy, giảng viên qua bệnh viện chủ yếu để hướng dẫn sinh viên thực hành nên không thể gắn kết chặt chẽ với bệnh viện được.

Giảng viên cơ hữu, thỉnh giảng của khoa Y - Dược, Đại học Đà Nẵng tại tại Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng. Ảnh:NVCC

Giảng viên cơ hữu, thỉnh giảng của khoa Y - Dược, Đại học Đà Nẵng tại tại Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng. Ảnh:NVCC

Thứ ba, Nghị định nêu rõ đối với cơ sở giáo dục có ngành, chuyên ngành đào tạo về khám bệnh, chữa bệnh có 1 cơ sở thực hành là cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thì “tổng thời lượng tham gia giảng dạy thực hành của tất cả người giảng dạy thực hành thuộc cơ sở thực hành tối thiểu là 50%, tối đa là 80% tổng thời lượng chương trình thực hành được thực hiện tại cơ sở thực hành”.

Yêu cầu bác sĩ của bệnh viện tham gia tối thiểu 50% khung thời gian đào tạo thực hành là một điều khó, bởi lẽ, các bác sĩ trong bệnh viện cũng rất bận rộn với công việc chính của họ nên khó đảm đương thêm khối lượng công việc của một giảng viên.

Đặc biệt, trong 2 năm dịch bệnh, các bệnh viện vô cùng bận rộn nên việc liên kết giữa bệnh viện và cơ sở đào tạo cũng lỏng lẻo theo. Việc ràng buộc người giảng dạy thực hành (trên cơ sở khoa ký hợp đồng với bệnh viện còn hợp đồng với cá nhân thì có mức độ nhất định) không được chặt như giảng viên cơ hữu của mình.

Thứ tư, Nghị định yêu cầu “cơ sở giáo dục có ngành, chuyên ngành đào tạo về khám bệnh, chữa bệnh phải ký hợp đồng hoặc có 01 cơ sở thực hành là cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện ít nhất 50% thời lượng của chương trình thực hành” việc ràng buộc về thời gian này cũng ảnh hưởng tới kế hoạch học tập của sinh viên đặc biệt trong 2 năm dịch bệnh việc học gián đoạn và các cơ sở thực hành đều rất khó khăn bố trí sinh viên qua thực hành.

“Ngành y là ngành ứng dụng, vì vậy giảng dạy, học tập gắn với thực hành là điều bắt buộc. Việc ra đời Nghị định 111 là cơ sở pháp lý tạo thuận lợi trong việc khoa đưa sinh viên qua cơ sở thực hành, rèn luyện việc khám, chữa bệnh tại bệnh viện.

Tuy nhiên, khi triển khai cũng cần phải điều chỉnh, sửa chữa, bổ sung sao cho phù hợp với thực tiễn.

Bên cạnh đó, cần phải xem xét lại trách nhiệm giữa cơ sở thực hành và cơ sở đào tạo, để có sự liên kết tốt nhất, tạo điều kiện thuận lợi cho các giảng viên, bác sĩ trong công tác khám chữa bệnh, đào tạo và sinh viên qua thực hành”, Tiến sĩ, Bác sĩ Lê Viết Nho nhấn mạnh.

Anh Trang