LTS: Đưa ra ý kiến bàn luận về việc học nghề tại các trường phổ thông hiện nay, thầy giáo Nguyễn Cao cho rằng hiện nay việc học nghề vẫn mang tính hình thức và chủ yếu để được cộng điểm ưu tiên.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố dự thảo sửa đổi, bổ sung quy chế tuyển sinh cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông.
Trong dự thảo này, điều đáng chú ý là bỏ điều khoản về điểm khuyến khích đối với học sinh thi vào đầu cấp.
Điều này đồng nghĩa với việc sẽ không cộng điểm nghề cho các em tham gia thi tuyển vào lớp 10.
Theo chúng tôi, việc bỏ điểm cộng ưu tiên đối với học sinh thi vào lớp 10 trong thời điểm vừa kết thúc học kì 1 nên có phần nhạy cảm.
Nhưng, đó cũng là một điều phù hợp bởi lâu nay việc dạy và học nghề phổ thông chưa được coi trọng và thực hiện đúng mục đích của việc học nghề.
Vì thế, nên chăng tiến tới đây Bộ Giáo dục cũng tính đến phương án bỏ dạy và học nghề phổ thông cũng là điều cần thiết.
Hình ảnh học sinh thi thực hành nghề Điện dân dụng. (Ảnh mang tính minh họa, nguồn: baoquangbinh.vn) |
Thực tế, các môn học khác trong chương trình đã bao hàm hết chương trình, nội dung học nghề phổ thông.
Trước tin, chúng tôi phải khẳng định rằng mục đích của việc học nghề ở cấp học phổ thông nếu đúng, thực chất là thiết thực và rất tốt cho các em học sinh nhưng khi xuống các trường thì nó không còn như mục đích ban đầu đề ra.
Các trường tổ chức dạy nghề bởi mục đích chính của nó lại là… tiền và thành tích của nhà trường.
Vì thế, việc học học nghề bị biến tướng và tồn tại hầu hết ở các địa phương trong cả nước.
Gần như học sinh đều bắt buộc phải học nghề.
Nói là học cho nó oai chứ thực chất là nộp tiền rồi học một số tiết cơ bản để thi rồi Ban giám hiệu chỉ đạo giáo viên phụ trách dạy nghề tự hoàn thành hồ sơ học nghề cho học sinh.
Khi thi thì nhà trường phát tài liệu cho học sinh chép, giáo viên coi thi nghề thực chất là ngồi cho có và chờ các em chép xong tài liệu là thu bài.
Việc chấm và đánh giá chất lượng học nghề cũng rất hình thức, chiếu lệ.
Vì thế, học sinh tham gia thi chủ yếu xếp loại giỏi và loại khá, tỉ lệ học sinh thi nghề xếp loại trung bình rất hiếm.
Từ nhiều năm nay, việc học nghề cấp trung học cơ thường được tổ chức học khi các em đang học lớp 8 với quy định học là 70 tiết và thường được các nhà trường tổ chức học trái buổi.
Khi các em học sinh thi nghề thì được cấp chứng chỉ nghề. Các nghề mà phần nhiều các trường đang tổ chức học là điện dân dụng và chăn nuôi.
Nhưng chủ yếu học sinh học điện dân dụng vì nó cũng gần với môn Công nghệ được học chính khóa ở nhà trường.
Thực tế, việc học nghề phổ thông lâu nay không được coi trọng về chất lượng mà chủ yếu học để học sinh được cộng điểm ưu tiên khi thi vào tuyển sinh 10.
Học sinh thi đạt loại giỏi thì được cộng 1,5 điểm, loại khá được 1,0 điểm và loại trung bình thì được cộng 0,5 điểm.
Điều này cũng đồng nghĩa là học sinh mà học nghề là được cộng điểm ưu tiên. Không có em nào thi rớt cả.
Vì vậy, dù phải đầu tư nhiều về thời gian học tập chính khóa nhưng phần lớn học sinh đều ráng đi học nghề để nhằm sau này thi vào lớp 10 được cộng điểm.
Học nghề phổ thông toàn đối phó, bỏ ưu tiên cộng điểm là đúng |
Vậy nên, việc Bộ Giáo dục đưa ra dự thảo sửa đổi, bổ sung quy chế tuyển sinh cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông cũng là điều cần thiết.
Bởi, việc học nghề không hiệu quả mà vô tình lãng phí rất nhiều công sức, tiền bạc của cả nhà nước và phụ huynh học sinh.
Nhà nước phải chi trả lương cho giáo viên dạy nghề, học sinh phải đóng tiền học, tiền thi, phải đầu tư thời gian đi học dài ngày nhưng mục đích chỉ để lấy điểm cộng trong lúc thi tuyển sinh thì lãng phí vô cùng mà còn tạo sự bất cập trong xét tuyển, thi tuyển đầu cấp.
Vì vậy, khi bỏ cộng điểm nghề sẽ tạo nên sự cạnh tranh công bằng cho các thí sinh.
Bởi, người tổ chức học nghề, người dạy nghề, người học nghề không hề có ý định học nghề để phát triển nghề mà chỉ là một cách học hình thức, chiếu lệ cho có nhưng điểm thi thì chủ yếu là khá và giỏi.
Có thể, khi Bộ Giáo dục đưa ra dự thảo về quy chế tuyển sinh đầu cấp và hướng tới việc bỏ cộng điểm nghề trong kì thi tuyển sinh 10 sẽ tạo nên nhiều hẫng hụt cho học sinh, phụ huynh khi mà lâu nay chúng ta đã duy trì việc cộng điểm.
Tuy nhiên, nhìn từ thực tế học nghề phổ thông hiện nay thì bỏ cộng điểm và bỏ luôn cả học nghề là cần thiết đối với ngành giáo dục và các cơ sở dạy nghề.
Vì bản chất và thực tế của việc học nghề hiện nay chỉ mang tính thực dụng.
Vừa tốn kém, lãng phí mà tạo nên sự bất công bằng trong việc tuyển sinh đầu vào ở lớp 10.
Hơn nữa, các nội dung học nghề phổ thông hiện nay đã có trong các môn học phổ thông ở chương trình chính khóa.
Chẳng hạn như phần lớn học sinh học nghề phổ thông hiện nay là nghề điện dân dụng.
Thực tế, đây cũng là một nghề có vai trò quan trọng trong cuộc sống hàng ngày của mỗi gia đình.
Thế nhưng, trong nội dung môn học Công nghệ lớp 9 đã có và học sinh cũng học nội dung này.
Học nghề phổ thông chệch mục tiêu, gánh nặng tốn kém cho học sinh |
Vô hình trung, một nội dung kiến thức mà học sinh phải học 2 lần, giáo viên phải dạy 2 lần bởi đó là 2 mục đích khác nhau.
Hơn nữa, việc học nghề thì học sinh cũng phải đầu tư rất lớn để mua dây điện, ổ cắm, công tắc, cầu dao… để đấu nối.
Sự lãng phí kép này thật là rất lớn cho xã hội, bởi học xong, học sinh nộp lại cho thầy và cuối cùng những sản phẩm đó được đem đi bán phế liệu với giá rẻ mạt.
Đối với nghề chăn nuôi thì trong chương trình Công nghệ lớp 7 cũng đã có. Vậy, việc học nghề đâu có cần thiết gì nữa bởi nó đang lãng phí nhiều thứ...
Theo chúng tôi, hiệu quả học nghề vẫn đảm bảo mà không lãng phí thì trong chương trình giáo dục phổ thông mới trong những năm tới đây chỉ cần tập trung cho môn Công nghệ chính khóa ở trên lớp là vẫn đảm bảo được kiến thức cho học trò.
Bởi, nội dung cũng như nhau mà học đến 2 lần để làm gì?
Hơn nữa, mục đích chính của các nhà trường và học sinh đối với việc học nghề cũng chỉ là cộng điểm ưu tiên.
Trong khi, Bộ đã chủ trương bỏ cộng điểm ưu tiên đầu cấp thì nên dừng lại hoặc nếu tổ chức học nghề thì chỉ nên tổ chức ở cấp trung học phổ thông sẽ thiết thực và phù hợp hơn bởi khi đó các em đã lớn và định hướng được nghề nghiệp tương lai cho mình.
Cấp trung học cơ sở không thiết thực bởi nó mang tính hình thức nhiều hơn.