Nên có tủ thuốc điều trị Covid-19 trong trường học

11/03/2022 06:19
Nguyên Khang
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Chủ trương mở cửa trường học là đúng nhưng hướng xử lý, phác đồ điều trị cho F0 là giáo viên và học sinh như thế nào thì một số trường học, trạm y tế đang bỏ ngỏ.

Sau Tết Nguyên đán, đa phần giáo viên, học sinh ở các địa phương phía Nam - những tỉnh đã phải dạy và học trực tuyến xuyên suốt cả học kỳ I háo hức trở lại trường. Lúc đó, tình hình dịch bệnh ở các tỉnh này có vẻ trầm lắng vì số ca F0 tại các địa phương thấp, một số tỉnh mỗi ngày chỉ có vài ca nhiễm.

Ngày 14/2, đa phần các tỉnh phía Nam cho học sinh từ lớp 7 đến lớp 12 và sau đó là các lớp còn lại của cấp trung học cơ sở và học sinh cấp tiểu học, thậm chí là mầm non đến trường học tập trực tiếp.

Tuần đầu tiên trở lại học tập trực tiếp, số ca nhiễm trong đội ngũ nhà giáo và học sinh mới xuất hiện ở Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh khác rất hiếm nhưng rồi tuần thứ 2, thứ 3 học trực tiếp thì số ca nhiễm trong trường học ngày một tăng lên nhiều hơn.

Chỉ riêng ở Thành phố Hồ Chí Minh, kể từ ngày 01 đến ngày 7/3 đã có 34 202 ca F0 là học sinh [1] đã là nỗi băn khoăn, trăn trở của nhiều phụ huynh có con em theo học tại các nhà trường. Nhiều phụ huynh, học sinh và thậm chí là giáo viên đã có nhiều lúc lo lắng về số ca F0 đang tăng lên từng ngày.

Số ca F0 là giáo viên và học sinh hiện nay đang tăng lên (Ảnh minh họa, nguồn: Báo Vietnamnet)

Số ca F0 là giáo viên và học sinh hiện nay đang tăng lên (Ảnh minh họa, nguồn: Báo Vietnamnet)

Niềm vui đến trường chưa trọn vẹn

Chủ trương của ngành Giáo dục và các địa phương cho học sinh trở lại trường là một chủ trương đúng đắn, phù hợp trong thời điểm trước và sau Tết Nguyên đán. Bởi lúc đó, số ca F0 của cả nước đều đã giảm rõ rệt. Các tỉnh phía Bắc lúc đó cũng chưa có nhiều ca nhiễm như bây giờ.

Đặc biệt là trong bối cảnh người lớn đã tiêm từ 2-3 mũi vắc xin ngừa Covid-19, học sinh từ 12 tuổi trở lên cũng đã tiêm được 2 mũi - đây là những điều kiện cần và đủ để mở lại các hoạt động ở nhà trường.

Thế nhưng, những ngày gần đây thì số ca F0 liên tục tăng cao, mỗi ngày có hàng trăm ngàn ca nhiễm trên cả nước. Trong số này, có rất nhiều ca F0 là giáo viên và học sinh ở các nhà trường.

Chỉ tính riêng tại Thành phố Hồ Chí Minh: “từ 01-7/3, số F0 trong trường học tăng gấp đôi so với tuần trước. Trong đó số trẻ mầm non bị nhiễm Covid-19 là 1.169 bé, học sinh tiểu học mắc Covid-19 là 16.019 ca, số ca F0 trong học sinh trung học cơ sở là 10.313.

Trong khi đó, ở bậc trung học phổ thông và Giáo dục thường xuyên có 6.701 ca, đưa tổng số học sinh nhiễm Covid-19 trong tuần lên 34.202 ca. Số này tăng gần gấp đôi so với tuần trước (19.499 ca).

Cũng trong tuần qua, trường học Thành phố Hồ Chí Minh ghi nhận 3.247 giáo viên nhiễm Covid-19. Tính đến hiện tại, có 454 trường học có học sinh nhiễm Covid-19, trong khi tuần trước đó là 306 trường”. [1]

Không chỉ riêng gì ở Thành phố Hồ Chí Minh mà các tỉnh thành hiện nay có số ca F0 là học sinh và giáo viên cũng tăng lên đáng kể.

Nhiều trường học phải liên tục thay đổi hình thức học tập, có khi là trực tiếp hoàn toàn nhưng cũng có khi chuyển sang trực tuyến hoàn toàn hoặc kết hợp vừa trực tuyến và trực tiếp.

Những khó khăn hiện nay mà các nhà trường đang phải đối mặt là việc sắp xếp giáo viên giảng dạy vì nhiều thầy cô giáo là F0, F1.

Nhiều giáo viên là F0, F1 vẫn đang cố gắng, nỗ lực giảng dạy trực tuyến cho học trò và những học sinh là F0 và F1 cũng đang được bố trí học trực tuyến mỗi ngày.

Tuy nhiên, ranh giới giữa F0 và những người chưa phải là F0 ở các trường học hiện nay có phần rất mong manh vì môi trường học đường đang rất khó kiểm soát bởi số lượng người đông và đến từ nhiều địa bàn khác nhau.

Nên có tủ thuốc điều trị Covid-19 trong trường học

Ngành Giáo dục mở cửa trường học bởi khi chúng ta đã xác định bước vào giai đoạn bình thường mới thì việc thầy trò trở lại dạy và học trực tiếp cũng là thực hiện chủ trương chung. Tuy nhiên, so với các ngành nghề khác thì trường học là một môi trường rất đặc biệt.

Bởi lẽ, không gian mỗi lớp học phổ thông hiện nay đa phần có chu vi khoảng trên dưới 50m2. Trong khi, theo quy định hiện hành thì cấp tiểu học có sĩ số là 35 em, cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông có sĩ số là 45 em nhưng thực tế một số trường học ở khu vực đô thị còn đông hơn định mức này.

Vì thế, học sinh trong lớp ngồi sát vào nhau, mỗi bàn 2-3 em học sinh ngồi kế bên nhau. Bàn kê sát bàn, thầy cô thì đứng trên bục giảng giảng bài nói ngược lại với học trò. Dù đeo khẩu trang thì khoảng cách thầy trò cũng không thể nào giữ được, nhất là thầy cô phải nói lớn thì học trò phía sau, học trò đang học trực tuyến mới nghe được.

Tất nhiên, thông điệp 5K đã có những tiêu chí không còn phù hợp, đó là khoảng cách và không tập trung đông người. Điều này, cũng đồng nghĩa khả năng lây nhiễm chéo là rất cao (nếu trong lớp có ca F0).

Đó là chưa kể học sinh còn nô đùa, trò chuyện những lúc ra chơi, hoặc một số em bỏ khẩu trang ra ngoài ăn uống với nhau hoặc học sinh học bán trú phải ăn ở, ngủ nghỉ tại trường.

Chính vì thế, điều mà mọi người không mong muốn đã xảy ra, đó là số ca nhiễm Covid-19 trong học sinh và giáo viên càng ngày càng nhiều và không ai có thể nói trước điều gì, khó có ai có thể tránh được.

Điều chúng tôi còn còn băn khoăn là trong trường học thì đội ngũ nhà giáo đã đóng bảo hiểm y tế bắt buộc và học sinh gần như cũng đã 100 hoặc gần 100% đóng bảo hiểm y tế. Các trường học phần lớn cũng đều có nhân viên y tế học đường.

Thế nhưng, bên cạnh những trường học đang làm tốt thì vẫn có một số trường học hiện nay gần như chưa có đủ khả năng phát hiện, chăm sóc ban đầu khi trong trường có trường hợp nghi nghiễm Covid-19.

Thời gian đầu thì nhà trường còn test nhanh cho học trò và giáo viên khi có dấu hiệu bệnh nhưng bây giờ phần nhiều những ca nghi nhiễm đều được nhà trường cho về nhà tự test, tự điều trị.

Ngay cả khi ra y tế phường (xã) khai báo thì họ cũng chỉ ghi tên rồi nói về nhà tự mua thuốc điều trị. Có nơi còn cho đơn thuốc, có nơi thì không nên khi trong nhà có học sinh là F0 thì phụ huynh phải nghỉ việc để chăm sóc và gần như lây nhiễm chéo cả nhà là điều không tránh khỏi.

Giá như, khi mở lại trường học, các địa phương chú trọng đến các tủ thuốc nhà trường có lẽ sẽ tốt hơn rất nhiều.

Ngoài một số test nhanh cấp trên cấp về, nhà trường có thể vận động và bỏ kinh phí mua một ít test dự phòng. Khi giáo viên, học sinh có dấu hiệu nhiễm Covid-19 thì test cho giáo viên và học sinh. Thậm chí có thể thu tiền test nhanh cũng được vì có nhân viên y tế đảm nhận việc này sẽ tốt và yên tâm hơn.

Tuy nhiên, thực tế thì nhiều giáo viên và học sinh là F0 đang phải loay hoay mua test về tự test hoặc chạy đi thuê người test còn thuốc điều trị thì chẳng biết phác đồ điều trị như thế nào cho hợp lý vì trên mạng Internet mỗi nơi nói mỗi phách khác nhau.

Chính vì thế, một số giáo viên và phụ huynh đã, đang phải chi một khoản tiền lớn để mua test nhanh nhằm test định kỳ hoặc khi có dấu hiệu nhiễm Covid-19 và thuốc điều trị khi không may trở thành F0.

Chủ trương mở cửa trường học là đúng nhưng hướng xử lý, phác đồ điều trị cho F0 là giáo viên và học sinh như thế nào thì một số trường học, trạm y tế hiện nay đang bỏ ngỏ.

Đây thực sự là nỗi trăn trở của nhiều phụ huynh, giáo viên khi các trường học mở cửa trở lại và số ca F0 ngày càng nhiều hơn.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/f0-trong-truong-hoc-tp-hcm-tang-gan-gap-doi-doi-mat-thieu-giao-vien-821445.html

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Nguyên Khang