LTS: Viết tiếp bài trước về góp ý cho Dự thảo Chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể, hôm nay, TS. Mai Văn Tỉnh sẽ đề cập về khái niệm “đổi mới căn bản và triệt để” và làm thế nào, bằng cách nào để NQ 29 này thực sự đi vào cuộc sống?
Đó là điều mà TS. Tỉnh cũng như bất kỳ nhà giáo, nhà khoa học giáo dục chân chính nào đều luôn trăn trở tìm câu trả lời.
Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả.
Gần đây, mỗi khi bàn về khái niệm Giáo dục (Education) và Học (Learning), tôi bỗng bất chợt nhận thức HỌC (learning) quan trọng hơn GIÁO DỤC (Education) rất nhiều.
Tại sao suốt cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, dưới ảnh hưởng của phong trào Đông Kinh nghĩa thục, các cụ trí thức nhà ta đã soạn ra “Văn minh tân Học sách” mà lại không gọi là “Văn minh tân Giáo sách”?
Lúc đó, do ách thống trị hà khắc của thực dân Pháp, tác giả Văn minh tân học sách là cụ Ngô Đức Kế phải ẩn danh (xem “Tác giả Văn minh tân học sách là ai” đăng trên trang web: hocthenao.vn của Gs Ngô Bảo châu, 2014).
Rõ ràng là phải đi HỌC đã rồi mới GIÁO hoá cho người khác được chứ.
Giáo mà không học thì là giáo điều, là nô lệ sách vở, nhưng học theo kiểu tầm chương trích cú, nhồi sọ để thi cử, học để có tấm bằng (thậm chí bằng rởm) ra làm quan, là nền Hư Học của nhiều năm qua và nếu kéo dài thêm nữa thì cũng chỉ phí công vô ích mà thôi.
Khi đọc bài viết “Biến đổi giáo dục chính quy từ các bình diện học suốt đời” (Transformating formal education from lifelong learning perspectivees) của Rosa María Torres, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục Ecuađor.
Và nhà nghiên cứu và chuyên gia (Think Tank) về “Giáo dục chính quy và Học suốt đời” (Formal Education and Lifelong Learling) (xem NEXUS Volume 9, UIL-NEXUS No 4, 2014), tôi thấy khái niệm HỌC (Learning) quả là vô cùng quan trọng. Bởi vì những nhận thức sau:
Learning (học) không phải để tiếp cận việc dạy/nghiên cứu/tán thành (teaching/ studying/approving).
Học suốt đời (lifelong learning) không phải chỉ liên quan đến tuổi trưởng thành mà cả từ tuổi ấu thơ cho tới khi trưởng thành (bao gồm cả phân hệ giáo dục chính qui);
Trong bất kỳ hệ thống tôn giáo, chính trị nào, việc HỌC SUỐT ĐỜI thông qua các phương tiện thông tin đại chúng (media), qua làm việc và mạng Internet, luôn luôn chịu tác động của cộng đồng, gia đình và thiên nhiên.
Theo kết quả nghiên cứu quốc tế, ở nhiều nước hệ thống giáo dục chính quy đang làm việc rất kém (poor job); ví dụ trên thế giớí có 130 triệu trẻ em học 4 năm ở trường Tiểu học không biết đọc và viết (theo báo cáo của EFA 2012).
Trong khi các kỹ năng đọc và đếm vẫn tiếp tục là cực kỳ quan trong đối với tất cả các lứa tuổi thì ở hầu hết các nước, người lớn đã qua giáo dục nhà trường từ tuổi 16 - 65 có kỹ năng đọc và đếm đều kém (PIAAC, 2013).
Ảnh minh họa. Xuân Trung |
Một xã hội có nhiều người đã học ở nhà trường (schooled society) chưa chắc đã là một xã hôi có giáo dục (educated society), trong khi đó một xã hội có giáo dục phải là một xã hội học tập (learning society).
Bởi vì với nền giáo dục sai, nhồi nhét chữ nghĩa, sách vở, nền hư học thì chắc chắn không thể tạo ra những con người học thật sự có ích cho xã hội.
Do đó chúng ta phải chuyển từ tiếp cận giáo dục sang HỌC (from education access to learning access), từ học sinh/sinh viên (student) sang người học (learner), từ nghiên cứu (studying) sang học (learning), từ tán thành (approving) sang HỌC (learning), tức là phải có năng lực tự học.
Cố Thủ tướng Phạm văn Đồng từng nói: “Trường đại học chỉ dạy sinh viên cách mở sách”, còn quan trọng là sau khi ra trường, sau bậc giáo dục chính quy (formal education) con người có khả năng làm đuọc cái gì cho bản thân, cho gia đình và xã hội?
Điều quan trọng nhất là phải thiết kế hệ thống giáo dục chính quy và giáo dục phi chính quy trong tổng thể nền giáo dục quốc dân xuyên suốt các bậc học sao cho có liên thông/khớp nối (articulating) tất cả, kể từ giáo dục ban đầu/tiền học đường (initial/pre-school education) cho tới giáo dục bậc cao (tertiary education).
Đồng thời cần chú ý tất cả các bình diện (dimensions): chương trình(curriculum), quản trị (administration), các chuẩn và chuẩn mực (standard and normatives), không gian học tập, đào tạo giáo viên, lịch trình học tập vv….
Phải tư duy lại một cách triệt để GD bằng cách quay ngược lại quy trình: GD tiền học đường <= GD Tiểu học <= GDTH <= GD bậc ba (CĐ/ĐH) thành: GD tiền học đường => GD Tiểu học => GDTH => GD bậc ba (CĐ/ĐH).
Phải kết nối giáo dục nhà trường với các phương thức giáo dục đa dạng khác là những hoạt động ngoài nhà trường (như gia đình, cộng đồng, đa phương tiện, vui chơi giải trí, làm việc, thực tập, hoạt động tôn giáo, tham gia công tác xã hội và dân sự...) rất muôn màu muôn vẻ trong cuộc sống ở mọi nơi.
Cần tạo ra các trung tâm tư duy (thinking centers) chính là các trung tập học tập cộng đồng (giao lưu giữa các thế hệ già-trẻ, dựa trên cơ sở môi trường gia đình, dòng họ, trong đó lấy HỌC là trung tâm) để nhằm phát triển các kỹ năng.
Xét trên toàn cầu và ở mỗi quốc gia đều đang cố gắng đổi mới Giáo dục, nhưng thiết nghĩ cái quan trọng nhất là phải nhận thức được mối quan hệ giữa giáo dục chính qui trong nhà trường với giáo dục phi chính quy để tạo ra năng lực học tập suốt đời cho mọi công dân ở mọi lứa tuổi.
Đổi mới triệt để và căn bản giáo dục và đào tạo chính là phải chú ý quay ngược lại hai chữ cái E và L trong từ CÁCH MẠNG mà tiếng Anh là REVOLUATION.
Với phương châm phải HỌC để biết làm người (LEARNING to be knowing) trước đã rồi hãy đi GIÁO hoá (EDUCATION) người khác.
Ở Việt Nam, chiến tranh đã lùi xa vào quá khứ 40 năm, đất nước bước vào thời kỳ đổi mới gần 30 năm, nên chăng đã đến lúc chúng ta phải thực sự đổi mới tư duy và thay những từ ngữ thời chiến như “Tư lệnh ngành” hay “Trận đánh lớn” bằng từ ngữ thời hoà bình như “Tổng công trình sư” (hay Nhạc trưởng) để thiết kế, viết nên bản hợp xướng mới cho hệ thống GD&ĐT nước nhà, hoà cùng một lời ca với giai điệu du dương trầm bổng, thống nhất kết nối toàn hệ thống.
Thiết nghĩ việc này không phải chỉ là của riêng Bộ GD&ĐT - cơ quan thực thi chính sách, mà là của các cấp cao hơn nữa, các ban ngành trong toàn xã hội nhằm tìm ra một Tổng công trình sư có đủ tâm và tầm, đầy nhiệt huyết, biết thu hút người Việt tài năng thuộc mọi lứa tuổi, ở trong cũng như ngoài nước, đang ngày đêm đau đáu thiết tha với sự nghiệp đổi mới Giáo dục nước nhà.
Thay lời kết luận, xin dẫn câu nói của nhà tương lai học Alvin Toffler : “Những người được xem là mù chữ trong thế kỷ 21 không phải là người không biết đọc biết viết, mà là những người không có khả năng từ bỏ cái đã học để tiếp cận và học cái mới”.