Nên xây dựng một tổ chức sát hạch độc lập để cấp chứng chỉ hành nghề nhà giáo

06/06/2024 06:29
Trần Trang
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Quy định về chứng chỉ hành nghề đối với giáo viên trong dự thảo Luật nhà giáo đang thu hút sự quan tâm của nhiều chuyên gia, nhà giáo trên cả nước.

Theo dự thảo Luật nhà giáo, Quy định về chứng chỉ hành nghề đối với giáo viên được Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra tại Điều 15 trong Dự thảo Luật nhà giáo [1].

Trong đó, các trường hợp được cấp chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo gồm: nhà giáo đang giảng dạy, giáo dục trong các cơ sở giáo dục công lập, dân lập, tư thục; nhà giáo được tuyển dụng vào các cơ sở giáo dục công lập, dân lập, tư thục; nhà giáo đã nghỉ hưu nhưng chưa được cấp chứng chỉ hành nghề (nếu có nhu cầu); nhà giáo nước ngoài nếu đáp ứng điều kiện theo quy định của cơ quan có thẩm quyền và có nhu cầu…

Điều này có nghĩa là các sinh viên sư phạm mới ra trường, các giáo viên được tuyển dụng sau khi Luật nhà giáo có hiệu lực phải sát hạch chứng chỉ hành nghề. Điều này có ảnh hưởng thế nào đến đội ngũ giáo viên trẻ?

Hiểu đúng về chứng chỉ hành nghề

Trả lời Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Xuân Nhĩ - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng chứng chỉ hành nghề cho giáo viên là cần thiết.

Ông Trần Xuân Nhĩ cho biết: “Tôi không phản đối việc Bộ Giáo dục và Đào tạo đặt vấn đề nhà giáo cần có chứng chỉ hành nghề nhưng vấn đề cốt lõi là chúng ta phải hiểu nội hàm của chứng chỉ hành nghề là cái gì.

Mục tiêu của chứng chỉ hành nghề là công nhận một người đủ điều kiện làm nghề đó. Chứng chỉ hành nghề không phải là một cuộc thi. Nếu chứng chỉ hành nghề là một cuộc thi để kiểm tra về kiến thức người ta đã học, đưa ra câu hỏi lý thuyết, ôn luyện rồi trả lời thì theo tôi là không đủ, không phải cách cấp chứng chỉ hành nghề”.

Anh1.jpg
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Xuân Nhĩ - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam (Ảnh: Tùng Dương)

Theo Phó Giáo sư Trần Xuân Nhĩ, người chưa học ngành sư phạm phải đi thực hành sư phạm, học nghiệp vụ sư phạm chứ không phải ai cũng đi dạy được. Nếu đã được đào tạo chính quy thì có thêm chứng chỉ hành nghề như một số ngành nghề khác (như bác sĩ, luật sư,…).

“Chứng chỉ hành nghề không chỉ thể hiện người đó có đầy đủ kiến thức bộ môn mà còn trải qua một quá trình thực tập, dưới sự đánh giá của đồng nghiệp, người này giảng dạy tốt, soạn bài tốt, chấm bài tốt, biết chăm lo học sinh… thì được cấp chứng chỉ hành nghề” - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam chia sẻ thêm.

Cần có “rào chắn” thẩm định giáo viên

Cùng bàn luận về vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Xuân Bách, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng chia sẻ: “Quan niệm của tôi là những người đang là nhà giáo giảng dạy ở các cơ sở giáo dục và đã được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp rồi nên được cấp luôn chứng chỉ hành nghề nhà giáo, không cần bắt các thầy, cô đi sát hạch chứng chỉ này nữa, vì các thầy cô đã đạt chuẩn nhà giáo qua đánh giá định kỳ..

Còn đối với sinh viên mới ra trường thì phải đủ các điều kiện tiêu chuẩn nhà giáo theo quy định và qua sát hạch để nhận chứng chỉ hành nghề. Chứng chỉ nghề sẽ được cấp sau khi các bạn hoàn thành tập sự tại cơ sở giáo dục và qua sát hạch”.

Theo Phó Giáo sư Trần Xuân Bách, hiện nay, các hình thức đào tạo giáo viên bắt đầu có sự đa dạng. Ngoài những trường đại học sư phạm đào tạo có chất lượng thì có rất nhiều cơ sở khác nhau tham gia đào tạo hoặc những người có bằng đại học khác muốn trở thành nhà giáo. Do đó, cần có sự thẩm định.

“Chúng ta cần đặt “rào chắn” kiểm soát cho những người bắt đầu bước vào ngành thì dần dần đến 30 năm sau, ta sẽ có đội ngũ giáo viên có chất lượng đồng đều và chuẩn mực”, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng nhấn mạnh.

Anh2.jpg
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Xuân Bách, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng (Ảnh: Website nhà trường)

Thầy Bách cũng cho biết nên xây dựng một tổ chức sát hạch độc lập để cấp chứng chỉ hành nghề vì hiện nay chưa có tổ chức sát hạch uy tín. Trước mắt, có thể giao cho các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục đang quản lý các cấp học thẩm định cấp chứng chỉ hành nghề sau sau khi đã đủ thời gian và hoàn thành tốt nhiệm vụ tập sự tại các cơ sở giáo dục tương ứng.

Băn khoăn của giáo viên trẻ mới vào nghề

Cô giáo trẻ Nguyễn Thanh Ngọc đang giảng dạy tại Trường Trung học phổ thông Gia Lộc, tỉnh Hải Dương. Khi đọc thông tin về chứng chỉ hành nghề, cô Ngọc cảm thấy có nhiều băn khoăn.

Chia sẻ với phóng viên, cô Ngọc cho rằng: “Thay vì tạo rào cản đối với những người đã đào tạo chính quy thì nên siết chặt những đối tượng chưa qua đào tạo chính quy.

Ngoài ra để có chứng chỉ nghề thì thời gian học bao lâu, học phí thế nào, có cho phép vừa học vừa làm không hay phải học xong mới đi làm? Có chia ra chứng chỉ theo cấp học như chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm không?”

Anh3.jpg
Cô Ngọc (áo dài trắng) cùng các học sinh. (Ảnh: NVCC)

Cô Ngọc cũng đặt câu hỏi về quy định bồi hoàn kinh phí hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt của sinh viên sư phạm, trong Điều 6 Nghị định 116/2020/NĐ-CP: “Chính sách trợ cấp học phí cho sinh viên sư phạm có ràng buộc. Nếu không lấy được chứng chỉ hành nghề sau 2 năm kể từ ngày tốt nghiệp thì sinh viên sư phạm có phải bồi hoàn kinh phí?”.

Trong khi đó, cô giáo Nguyễn Khánh Huyền vừa ký hợp đồng làm giảng viên với Trường Đại học Hạ Long. Trước đó, cô Huyền tốt nghiệp Khoa Ngữ Văn của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội.

Anh5.jpg
Cô Huyền (áo xanh da trời) đang là giảng viên Khoa Văn học - Báo chí - Truyền thông, Trường Đại học Hạ Long (Ảnh: NVCC)

Không học đại học sư phạm chính quy, để có thể đứng trên bục giảng, cô Huyền đã tham gia hai lớp bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm khối trung học cơ sở, trung học phổ thông và nghiệp vụ sư phạm đại học, cao đẳng tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

Để hoàn thành hai chứng chỉ này, cô Huyền phải bỏ ra một khoản kinh phí lớn (khoảng 12 triệu đồng) cùng nhiều tháng học tập, ôn luyện. Hiện, cô Huyền đã có bằng Thạc sĩ để đủ điều kiện giảng dạy ở bậc đại học.

Tuy nhiên, khi Luật Nhà giáo có hiệu lực, những giáo viên trẻ học trái ngành như cô Huyền có thể vẫn phải tham gia sát hạch chứng chỉ.

Cô Huyền lo ngại, việc này không chỉ tốn kém thời gian, tiền bạc mà còn ảnh hưởng đến công tác giảng dạy hiện nay.

“Bản thân tôi đã học tập, rèn luyện và trang bị những điều kiện cần và đủ về kiến thức, kĩ năng, bằng cấp cũng như các chứng chỉ nghiệp vụ cần thiết trước khi bước chân vào nghề giáo. Để hiện thực hóa ước mơ trở thành một giảng viên đại học, đối với tôi không phải ngày một ngày hai mà đòi hỏi cả quá trình cố gắng.

Trần Trang