Nếu cả nước chỉ còn 10 trường sư phạm thì chẳng khác nào quay về thời bao cấp

28/01/2019 06:48
Thùy Linh
(GDVN) - Đó là ý kiến của Tiến sĩ Lê Viết Khuyến - nguyên Vụ phó Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) khi bàn luận về vấn đề quy hoạch các trường sư phạm.

Theo thống kê, cả nước hiện có 58 trường đại học, 57 trường cao đẳng và 40 trường trung cấp có ngành đào tạo giáo viên.Trong đó, có 14 trường đại học sư phạm, 40 trường cao đẳng sư phạm và 2 trường trung cấp sư phạm.  

Nhìn nhận lại hệ thống các trường sư phạm, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến - nguyên Vụ phó Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho rằng, các trường sư phạm đã trải qua nhiều biến động về nhu cầu giáo viên.

Đó là khi phổ cập giáo dục thì quy mô giáo viên “bung ra” đến khi dân số tăng chậm thì tỷ lệ giáo viên suy giảm. 

Thừa nhận việc quy hoạch hệ thống trường sư phạm trong giai đoạn hiện nay là cấp bách, nhưng theo hướng tập trung vào đại học sư phạm trọng điểm là không nên. Đó là ý kiến của Tiến sĩ Lê Viết Khuyến khi chia sẻ với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam về vấn đề quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm. 

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến cho rằng, hiện nay, nhu cầu giáo viên ở mỗi địa phương là khác nhau, có tỉnh thừa nhưng cũng có tỉnh thiếu. Vì vậy, ông Khuyến cho rằng phương án tập trung cho 8 – 10 trường trọng điểm là mang tính chất cục bộ.

Theo Tiến sĩ Lê Viết Khuyến cho rằng, nếu chúng ta chỉ tập trung phát triển 8 – 10 trường đại học trọng điểm thì chẳng khác nào quay về thời bao cấp (Ảnh minh họa: giaoduc.net.vn)
Theo Tiến sĩ Lê Viết Khuyến cho rằng, nếu chúng ta chỉ tập trung phát triển 8 – 10 trường đại học trọng điểm thì chẳng khác nào quay về thời bao cấp (Ảnh minh họa: giaoduc.net.vn)

“Xét về lịch sử của hệ thống sư phạm Việt Nam cho thấy, lâu nay, các đại học sư phạm đào tạo chủ yếu là giáo viên cấp trung học phổ thông, còn giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở lại chủ yếu do các trường cao đẳng sư phạm ở địa phương đào tạo vì yêu cầu về trình độ chuẩn của nhóm này chỉ ở mức cao đẳng và trung cấp. 

Hơn thế nữa, các trường cao đẳng sư phạm có bề dày kinh nghiệm đào tạo giáo viên các bậc học này hơn hẳn trường đại học”, ông Khuyến đặt câu hỏi.

Ngoài ra, nguyên Vụ phó Giáo dục đại học cũng cho rằng, các trường cao đẳng sư phạm vốn dĩ đã và đang đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của địa phương do đó nếu để xảy ra tình trạng thừa – thiếu giáo viên thì địa phương phải chịu trách nhiệm còn nhà nước chỉ nên đưa ra chuẩn về chất lượng chứ không nên can thiệp vào chỉ tiêu của từng trường. 

Chỉ khi nào chất lượng đào tạo của trường kém thì nhà nước mới cần hỗ trợ hoặc có chế tài cụ thể.

Tôi không đồng ý để cả nước chỉ có 10 trường sư phạm

Do đó nếu chúng ta chỉ tập trung phát triển 8 – 10 trường đại học trọng điểm thì chẳng khác nào quay về thời bao cấp tức là khi nhu cầu giáo viên ít, nhà nước có nhiệm vụ phân bổ nguồn lực nhưng hiện nay hệ thống giáo dục phát triển mạnh mẽ thì cần giao nhiệm vụ, trách nhiệm đó cho địa phương còn nhà nước chỉ cần giám sát. 

Hơn nữa, giáo viên sẽ có lúc thừa lúc thiếu do đó, nếu sáp nhập hoặc giải thể hết các trường cao đẳng sư phạm thì khi thiếu giáo viên chúng ta sẽ giải quyết bài toán này thế nào?

Chính vì vậy, ông Khuyến cho rằng, điều quan trọng lúc này là cần thực hiện phân tầng hệ thống trường sư phạm thành các trường đại học sư phạm /đại học giáo dục trọng điểm, các trường/khoa đại học sư phạm địa phương, các trường/khoa cao đẳng sư phạm địa phương. 

Thực hiện đào tạo và bồi dưỡng giáo viên chủ yếu theo địa chỉ chứ không theo cơ chế thị trường. 

“Bộ Giáo dục và Đào tạo cần quy định nội dung cứng của chương trình đào tạo giáo viên để tạo cơ chế liên thông, phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống”, ông Khuyến nhấn mạnh. 

Tương lai gần, số phận các trường và sinh viên sư phạm sẽ đi về đâu?

Về phân cấp quản lý, Bộ chỉ nên quản lý họat động đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và giao chỉ tiêu đào tạo cho các trường đại học sư phạm/đại học giáo dục trọng điểm.

Còn Ủy ban nhân dân tỉnh/Thành phố trực thuộc trung ương quản lý trực tiếp và giao chỉ tiêu đào tạo giáo viên mầm non, tiểu học và trung học cơ sở cho các trường/khoa sư phạm địa phương, các trường/khoa cao đẳng sư phạm địa phương. 

Đặc biệt, ông Khuyến kiến nghị, các cơ sở sư phạm đừng tranh giành nguồn tuyển, đào tạo chồng chéo với nhau. 

Thùy Linh