"Nếu được chọn lại, tôi vẫn chọn nghề giáo”

15/11/2023 06:38
Tường San
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-"Mỗi lần gặp vướng mắc gì, tôi đều nghĩ đến các thầy cô của mình trước kia dù ở trong hoàn cảnh khó khăn hơn rất nhiều mà vẫn có thể đứng vững trên bục giảng..."

Năm 2023, chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” là nơi vinh danh các thầy giáo, cô giáo tiêu biểu đang công tác ở các trường học tại các xã khó khăn khu vực I, II, III thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tại 47 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, giai đoạn 2021-2025 theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 1/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ.

Cô Khuất Thị Hoa – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lóng Luông (huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La) là một trong 58 giáo viên tiêu biểu được lựa chọn để vinh danh trong chương trình trên.

Sinh ra tại Hà Nội nhưng từ khi cô Hoa còn nhỏ, gia đình đã lên trên vùng cao lập nghiệp, cũng tại đây, cô được học tập, dạy dỗ bởi những giáo viên không quản khó khăn, vất vả để đến miền núi xa xôi dạy học. Từ đó, ước mơ trở thành giáo viên vùng cao của cô được nhen nhóm.

Cô Khuất Thị Hoa – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lóng Luông và các em học sinh (Ảnh: NVCC).

Cô Khuất Thị Hoa – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lóng Luông và các em học sinh (Ảnh: NVCC).

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Hoa bày tỏ niềm tự hào khi biết bản thân là một trong những giáo viên đại diện cho tỉnh Sơn La được lựa chọn vinh danh tại chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2023.

“Là một người hiệu trưởng, tôi tin niềm tự hào này chính là cơ hội để tôi lan tỏa mạnh mẽ đến các đồng nghiệp, giáo viên của mình rằng nếu có nỗ lực, phấn đấu không ngừng nghỉ vì sự nghiệp trăm năm trồng người thì chắc chắn sẽ được ghi nhận”, cô Hoa tự hào nói.

Gần 25 năm công tác trong ngành giáo dục ở các trường vùng khó, cô Hoa phải trải qua nhiều khó khăn, thách thức.

Trong thời gian 20 năm đầu công tác, cô từng làm việc tại trường tiểu học cách nhà khoảng 50km, vừa đi làm xa vừa chăm con. Hơn nữa, ở thời điểm đó, các điểm trường trên vùng cao không có điện, nước phải tự xách mang lên nên cô Hoa cũng như các giáo viên khác đều rất vất vả.

Bên cạnh đó, các trường tiểu học mà cô công tác hầu như học sinh đều là người dân tộc thiểu số nên việc tiếp cận giáo dục vốn đã khó, người dân nơi đây lại chưa thực sự hiểu hết về tác dụng của việc cho con em đến trường, nhiều gia đình nghĩ rằng con gái không cần phải đi học.

"Trong khi các trường ở dưới miền xuôi đang cố cố gắng đầu tư để nâng cao chất lượng, số lượng học sinh giỏi ra sao thì ở nơi đây – trường học thuộc nơi vùng cao thì điều quan trọng nhất đối với các giáo viên là làm sao để luôn duy trì được sĩ số học sinh", cô Hoa bày tỏ.

Theo cô Hoa, nỗi niềm lo lắng học sinh có đến trường hay không luôn thường trực trong lòng mỗi giáo viên vùng cao, đặc biệt là ở trường học mà cô đang công tác. Bởi tại khu vực này, học sinh bị ảnh hưởng rất nhiều từ nạn tảo hôn cùng nhiều tệ nạn xã hội phức tạp, do đó, nhiều em không được sống cùng bố mẹ mà ở với họ hàng, ông bà hoặc thậm chí phải ở một mình, không có ai lo cho ăn mặc chứ chưa nói đến chuyện đi học.

Cuộc sống vốn đã khó khăn như vậy, lại không có bố mẹ bên cạnh nên việc huy động các em đến lớp của trường lại càng khó hơn nữa.

Mỗi buổi sáng, giáo viên thường phải đi làm khá sớm để đón các em đến lớp, thế nhưng, có những lúc, học sinh nhìn thấy các thầy cô còn bỏ chạy. Có thời điểm, ở một điểm trường có đến 5-6 em bỏ học, cô Hoa phải cùng các thầy cô nhà trường đến tận nhà vận động nhưng không được, sau đó phải nhờ đến các hội, ban, ngành trên địa bàn mới thuyết phục được các em đến lớp đầy đủ.

Để hỗ trợ các em học sinh, cô Hoa cũng đã huy động mỗi thầy cô nhà trường đỡ đầu 1 - 2 em cũng như đến tận nhà đưa các em đến trường, …

Nói về động lực giúp cô nỗ lực vượt qua những khó khăn, vất vả này, cô Hoa cho hay, từ khi còn nhỏ, bản thân rất ấn tượng với cô giáo chủ nhiệm ở cấp tiểu học bởi sự dịu dàng nhưng vẫn rất nghiêm khắc, đã dạy dỗ được bao lứa học trò nên người. Do đó, cô luôn mong muốn khi lớn lên, bản thân cũng có thể trở thành một người giáo viên như vậy. Và đây cũng chính là động lực để cô Hoa cố gắng vượt qua những vất vả khi dạy học ở vùng cao.

“Mỗi lần gặp vướng mắc gì, tôi đều nghĩ đến thầy, cô giáo của mình trước kia dù ở trong hoàn cảnh khó khăn hơn rất nhiều mà vẫn có thể đứng vững trên bục giảng để dạy dỗ học trò nên người thì cớ gì mà mình không vượt qua được.

Dẫu dẫu vất vả nhưng với niềm say mê công việc, tình thương đối với học trò, nếu để được chọn lại nghề cho mình, tôi vẫn chọn nghề nhà giáo”, cô Hoa xúc động nói.

Bên cạnh nỗi niềm đem con chữ, vận động được các em học sinh đến trường, điều “giữ chân” cô Hoa công tác ở các trường trên vùng cao trong quãng thời gian dài như vậy chính là tình cảm chân thành của bà con nơi đây đã luôn yêu thương và giúp đỡ các thầy, cô giáo.

Các thầy cô nhà trường cùng người dân địa phương nỗ lực xây dựng cơ sở vật chất cho nhà trường (Ảnh: NVCC).

Các thầy cô nhà trường cùng người dân địa phương nỗ lực xây dựng cơ sở vật chất cho nhà trường (Ảnh: NVCC).

Nói về ngày 20/11, cô Hoa chia sẻ, với điều kiện sống của người dân nơi đây khó có thể có những bó hoa tươi thắm, món quà ngày Nhà giáo Việt Nam mà các giáo viên nhận được có khi là cân gạo, cây mía, bó rau,…, dù giản dị nhưng đầy ấm áp của các em học sinh.

Là lãnh đạo nhà trường, cô Hoa cũng bày tỏ sự trăn trở với những khó khăn hiện nay của nhà trường do còn thiếu nhiều giáo viên, cơ sở vật chất theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Đơn cử như môn Tin học, hiện trường không có cả giáo viên lẫn máy tính, học sinh chỉ được học theo lý thuyết và cử giáo viên bộ môn khác đi học bồi dưỡng để về dạy; hay như môn Ngoại ngữ do thiếu giáo viên, nhà trường phải lắp thiết bị để giáo viên nhà trường dạy trực tuyến cùng lúc cho nhiều lớp học,…

Tường San