Dạy online học sinh lớp 1, lớp 2 là rất khó!
Năm học mới sắp bắt đầu, một số địa phương đã chuẩn bị sẵn tinh thần phải dạy học trực tuyến nếu tình hình dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp trong cộng đồng. Tuy nhiên, với học sinh lớp 1, lớp 2, vốn được xem là năm học “bản lề” của mỗi đứa trẻ, nếu phải học trực tuyến, liệu có khả thi?
Mới đây, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội phê duyệt về khung thời gian năm học 2021-2022, dự kiến lịch tựu trường sẽ cơ bản theo khung mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành, để đảm bảo tiến độ chương trình.
Cụ thể, theo Quyết định, ngày tựu trường sớm nhất đối với tất cả các cấp học, ngành học từ ngày 01/9/2021.
Ngày khai giảng được tổ chức thống nhất trên toàn thành phố vào ngày 05/9/2021. Ngày bắt đầu học kỳ I là 06/9/2021, kết thúc học kỳ I trước ngày 16/01/2022, hoàn thành kế hoạch giáo dục học kỳ II trước ngày 25/5/2022 và kết thúc năm học trước ngày 31/5/2022.
Tuy nhiên, do dịch bệnh trên địa bàn vẫn diễn biến phức tạp, nên Hà Nội cũng đưa ra dự kiến sẽ cho học sinh tựu trường và học trực tuyến, khi nào dịch bệnh được kiểm soát mới có thể cho học sinh đến trường trực tiếp.
Giáo viên phải cầm tay hướng dẫn cho học sinh lớp 1. Ảnh: Ngân Chi |
Điều này khiến một số nhà trường, giáo viên rất băn khoăn. Trao đổi với phóng viên, cô Nguyễn Thị Bích Huyền, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ngọc Lâm (Long Biên, Hà Nội) cho biết:
“Trên thực tế, tôi phải khẳng định, việc dạy học sinh lớp 1 năm nay là cực kỳ khó khăn. Bởi vì, học sinh lớp 1 năm nay đã phải trải qua 2 năm liền bị ảnh hưởng do dịch Covid-19. Từ năm học mầm non, các con đã không được học trọn vẹn, chưa được giới thiệu đầy đủ về chữ và số...
Vậy, nếu trong tình huống xấu mà phải để các con học trực tuyến, thì bản thân tôi với vai trò là nhà quản lý giáo dục nhiều năm, cũng chưa nghĩ ra phương án phải làm thế nào. Bởi vì, đối với học sinh lớp 1 thì chắc là không thể tổ chức học trực tuyến được. Điều đó rất là khó!
Còn đối với học sinh lớp 1 năm trước (năm nay lên lớp 2), tôi cho rằng cũng khó khăn không kém, nhất là năm nay, các con phải học sách giáo khoa theo chương trình mới”.
“Hiện nay, phía nhà trường vẫn tập huấn cho các thầy cô, vừa nghiên cứu chương trình sách giáo khoa, vừa tập huấn công nghệ thông tin, và chuẩn bị tốt các điều kiện để sẵn sàng bước vào năm học mới.
Tuy nhiên, tất cả các cô giáo dạy lớp 1 đều phát biểu: “Nếu lớp 1 mà cho dạy online thì chúng tôi không thể nào dạy được!”.
Cô Nguyễn Thị Bích Huyền chỉ ra một số khó khăn trong việc học online với lớp 1, lớp 2. Ảnh: Ngân Chi |
Mặc dù nhà trường cũng chưa có một hướng cụ thể phải làm thế nào, nhưng nếu được có ý kiến, chắc chắn cả giáo viên và phụ huynh học sinh đều đề nghị lùi thời gian bắt đầu năm học mới lại, đến khi có thể khống chế được khu vực F0, và đảm bảo tiêm chủng được rộng rãi hơn để khống chế được nguy cơ.
Như vậy, các con có thể đến trường học trực tiếp, chứ để nói học online đối với lớp 1, lớp 2 là cả một vấn đề. Rất khó để nói các con học online có hiệu quả tốt! Thực sự rất bất cập”, vị Hiệu trưởng phân tích.
Thành phố Đà Nẵng hiện cũng đang trong giai đoạn phong tỏa, nên một số Trường Tiểu học cũng đã sẵn sàng tâm lý có thể phải dạy học online, tuy nhiên, với học sinh lớp 1 thì khó tham gia.
Thầy Nguyễn Thái Phong, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (Hải Châu, Đà Nẵng) khẳng định: “Thẳng thắn mà nói, việc tổ chức dạy học online đối với học sinh càng nhỏ thì càng khó diễn ra. Đối với học sinh lớp 1, việc cần có một cô giáo luôn sát sao bên cạnh và hướng dẫn kỹ và theo sát các con trong quá trình học tập là điều vô cùng cần thiết. Do đó, việc dạy qua mạng không thể đảm bảo được nội dung này.
Năm trước, nhà trường cũng có triển khai, nhưng các con chỉ học được một số những kỹ năng không liên quan đến kỹ năng viết, chẳng hạn nhận diện nét chữ, con chữ.
Còn về viết thì không thể, đơn giản, nếu như các con cầm bút sai hay tư thế ngồi viết không đúng, mà không được cô uốn nắn kịp thời thì sau đó sẽ trở nên cực kỳ khó khăn. Với con nít, dễ bắt đầu nhưng để sửa lại thì sẽ rất tốn thời gian”.
Ở một số địa phương khác, các thầy cô cũng phải “đau đầu” trước bài toán “làm sao để dạy trực tuyến cho học sinh lớp 1?”.
Cô Điêu Thị Thanh Phương, giáo viên lớp 1 Trường Tiểu học Tân Phú (Phú Thọ) chia sẻ: “Hiện tại, tình hình dịch Covid-19 ở Phú Thọ cũng không quá căng thẳng, nên dự kiến ngày 1/9, các con vẫn có thể tựu trường. Nhưng từ nay đến hôm đó, cũng chưa biết diễn biến dịch sẽ thay đổi như thế nào, nếu phức tạp quá, thì cũng phải tính đến phương án cho học sinh học trực tuyến.
Tuy nhiên, đối với học sinh lớp 1 thì dường như là “bất khả thi”. Bởi, trẻ từ mẫu giáo lên lớp 1, chúng tôi biết dạy thế nào khi cô trò còn chưa biết mặt, mà học sinh ở lứa tuổi này là vừa dạy vừa dỗ, các cô phải dành khoảng thời gian đầu để rèn nền nếp, dạy kỹ năng trước khi truyền kiến thức. Học sinh ở thời điểm này còn chưa biết chữ!”.
“Năm học trước, chúng tôi cũng phải dạy trực tuyến cho học sinh lớp 1, nhưng là thời điểm gần cuối năm học, nên các con đã được rèn kỹ năng đọc, viết cơ bản. Và khi học trực tuyến, chúng tôi phải nhờ phụ huynh phối hợp, ngồi học cùng con và quay lại phần đọc hoặc chụp bài tập. Vì vậy, cô trò phải học hoàn toàn vào buổi tối, từ 7 giờ đến 9 rưỡi tối.
Còn nếu diễn biến dịch căng thẳng mà học sinh phải học online từ đầu năm học thì với học sinh lớp 1 là rất khó, bắt buộc phải chờ đến khi có thể học tập trung được tại trường. Bởi, để học được trực tuyến thì phải đòi hỏi các con biết đọc, biết viết, chứ như hiện nay thì bảo cầm bút có khi các con còn chưa biết cầm.
Chưa kể, học sinh ở đây có khoảng 2/3 là con em người dân tộc thiểu số, nên ngay cả khi học trực tiếp trên lớp mà cô giáo còn không được ngồi, phải đi rèn bạn này, nắn bạn kia, nguyên buổi không kịp ngồi”, cô Phương tâm sự.
Học online sẽ bỏ rơi một số đối tượng học sinh không có điều kiện
Tại một số địa phương, trang thiết bị phục vụ cho dạy học online cũng chưa được đảm bảo.
Chia sẻ về kế hoạch chuẩn bị, thầy Võ Văn Thơ, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nơ Trang Lơng (Krông Pắk, Đắk Lắk) cho biết, nhà trường vẫn tuyển sinh và chuẩn bị trang thiết bị, đăng ký mua sách giáo khoa mới cho học sinh theo đúng tiến độ, chỉ chờ thời điểm bắt đầu năm học mới.
“Tuy nhiên, nếu dịch bệnh trên địa bàn theo chiều hướng xấu đi, thì việc tổ chức dạy học online cũng là rất khó, vì ở vùng này học sinh có khoảng 80% là dân tộc thiểu số, lại không có điện thoại thông minh, không có máy tính và cũng không có mạng, vậy nên, việc tổ chức học online là rất khó, chỉ có thể học tập trung trên lớp thôi.
Nếu trong tình huống xấu, tình hình dịch bệnh không thuyên giảm, không ổn định thì chúng tôi phải xin lùi lịch học cho các con, hoặc động viên phụ huynh mua điện thoại và dạy trên Zalo theo dạng nhà trường giao bài tập cho các con tự làm, tuy dạy học được chứ cũng không có chất lượng”, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nơ Trang Lơng nhấn mạnh.
Thầy Nguyễn Thái Phong cũng bày tỏ: “Đối với lớp càng nhỏ thì các con càng thiếu chủ động trong việc học online, nên cần phải có bố mẹ hỗ trợ. Mà hiện tại, trên thực tế, ngay cả với các trường ở thành phố thì cũng không có trường nào 100% phụ huynh có điều kiện cho con học online. Trường Tiểu học Võ Thị Sáu thuộc diện khó khăn nhất, theo thống kê đến thời điểm hiện tại, số học sinh có đủ điều kiện trang thiết bị để học online (kể cả điện thoại) chỉ chiếm khoảng 40% trở lại. Nên vẫn còn một lượng rất lớn học sinh không thể tham gia được.
Do vậy, việc dạy online cung mang tính nhất thời ứng với giai đoạn nào đó. Khi mà học sinh tập trung trở lại trường thì các thầy cô vẫn phải hỗ trợ lại. Cho nên, mức độ dạy học online cũng can thiệp ít thôi chứ nếu can thiệp quá sâu vào chương trình thì sẽ dẫn đến bỏ rơi một nhóm đối tượng học sinh không có điều kiện”.
Thầy Nguyễn Thái Phong chia sẻ về một số khó khăn về dạy học trực tuyến với sách giáo khoa mới. (Ảnh: Nhân vật cung cấp). |
Khó khăn từ bộ sách giáo khoa mới
Theo cô Nguyễn Thị Bích Huyền, một trong những khó khăn đối với giáo viên dạy lớp 2 năm nay, chính là do việc tiếp cận với bộ sách giáo khoa mới: “Hiện tại, nhà trường còn thậm chí chưa nhận được sách, sách còn chưa về đến tay giáo viên, giáo viên chỉ mới nghiên cứu qua bản điện tử, mà tập huấn thì cũng chỉ mới được thực hiện trong một thời gian ngắn. Chưa kể, năm học trước, các cô đã phải thay đổi kế hoạch dạy học, năm nay, lại một lần nữa phải soạn lại toàn bộ. Giáo viên rất khổ!”.
Thầy Nguyễn Thái Phong cũng chỉ ra: “Năm trước, giáo viên lớp 1 “mở màn” cho chương trình mới, cái gì bắt đầu cũng nhiều khó khăn, bỡ ngỡ. Chỉ có mấy tháng để tiếp cận sách, cũng không thể dò kỹ từng bài học, trong quá trình dạy học cũng phát sinh những vấn đề để qua đó rút kinh nghiệm... Năm nay, bộ sách mà nhà trường chọn không có sự thay đổi nhiều nên không quá bị ảnh hưởng, giáo viên khá thuận lợi trên nền tảng năm trước, có sự chủ động cao hơn. Tuy vậy, cũng không có nghĩa là không có khó khăn!
Trước hết, đối với bộ sách giáo khoa mới, khi tiếp cận với cái mới, giáo viên phải tiếp cận với từng nội dung bài học mới mà không có “lịch sử” sẵn, nên các thầy cô phải đầu tư nhiều thời gian hơn để nghiên cứu. Đó là khó khăn thứ nhất nhưng cũng không quá lớn nếu giáo viên toàn tâm toàn ý vào công việc dạy dỗ trẻ.
Khó khăn thứ hai, đối với giáo viên là nhà xuất bản thường phát hành bộ sách giáo khoa mới trễ hơn so với thời gian tập huấn, nên giai đoạn đầu khoảng vài tuần đến một tháng, các thầy cô phải dùng đến sách điện tử, ảnh hưởng đến việc theo dõi, tra cứu sách không thuận tiện bằng sách giấy.
Cuối cùng, giữa dạy học truyền thống và online cũng có sự khác biệt nhất định, không thể áp ngay dạy truyền thống vào dạy online một cách nguyên bản.
Ví dụ, trong một bài học, một nội dung học, cần chọn lọc những nội dung nào không thể truyền tải online được thì giữ lại, sau khi học sinh có thể học tập trung tại trường thì sẽ bổ sung sau”.
Tuy nhiên, theo Hiệu trưởng Trường Tiểu học Võ Thị Sáu, cho dù đến thời điểm cho phép học sinh học tập trung, nhưng chắc chắn vẫn còn có sự ngần ngại của phụ huynh trong thời gian đầu: “Việc tập trung đông người sớm vẫn là điều đáng ngại, nhất là đối với trẻ tiểu học, trẻ càng nhỏ ý thức tự giữ vệ sinh càng khó. Giáo viên chạy theo nhắc suốt nhưng trẻ chỉ cần ham chơi là lại quên ngay. Vậy nên trong những tuần đầu đi học trở lại, thầy cô thành người trông trẻ, giám sát 100%”.