Tiến sĩ Nguyễn Văn Hòa - Chủ tịch hội đồng hệ thống giáo dục Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hà Nội, đã tới dự và chia sẻ quan điểm về vấn đề này:
"Trước hết, tôi xin cảm ơn Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã quan tâm đến Giáo dục ngoài công lập, và hôm nay đã có chuyên đề về này.
Theo tôi đặc trưng mô hình quản lý giáo dục ngoài công lập là có sự khác biệt rất nhiều so với trường công lập.
Có thể nói đó là sự tự lực và tự chủ, gắn liền với trách nhiệm xã hội, tự chịu trách nhiệm. Nếu có chuyện gì xảy ra ở trường thì Hiệu trưởng, ông chủ phải chịu trách nhiệm chứ không phải ông Bí thư quận ủy hay Chủ tịch phường đó.
Đặc trưng của trường ngoài công lập là tự chủ sáng tạo, còn trường công lập làm theo chỉ thị, nghị quyết, theo phong trào bảo sao làm vậy và không bảo thì không làm.
Đã làm tư thục thì thách thức với rủi ro rất nhiều, nếu vượt qua được thì tồn tại, phát triển, còn không vượt qua được thì giải tán trường. Vậy nên tôi muốn nhấn mạnh sự chủ động sáng tạo là tính đặc trưng nhất của Giáo dục ngoài công lập, và nó tạo ra một mô hình Giáo dục mới.
Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm của tôi cũng nổi tiếng toàn quốc về mô hình trường học hạnh phúc, tôi không chạy theo thành tích, theo thi cử. Tôi làm theo đúng lời Cụ Hồ nói là: Hướng tới sự phát triển của con người, chứ không phải chạy theo thành tích. Nhưng tôi hướng tới sự phát triển của con người thì tôi có tất cả.
Học sinh tự lực, hứng thú, đam mê và học cho chính bản thân các em thì sau này sẽ giỏi. Hiện nay tôi làm Chủ tịch hội đồng quản trị, nhưng hàng ngày tôi luôn nghĩ cách đổi mới khác biệt, tôi quan sát hàng ngày nếu thấy gì không ổn, hoặc một ý kiến của học sinh là tôi suy nghĩ ngay.
Và tôi cũng thay đổi ngay, hôm nay tôi quyết định thì ngày mai là thực hiện ngay, việc tự điều chỉnh đó làm cho ngôi trường phát triển, chứ nếu chờ đợi tháng sau hoặc năm sau thì có lẽ trường đã không còn.
Về thực trạng thực hiện quyền tự chủ, tôi thấy Đảng và nhà nước có đầy đủ những nghị quyết, nghị định, chỉ thị về xã hội hóa thì càng đọc càng thấy hay, càng đọc càng thấy tuyệt vời, Đảng đúng là thiên tài.
Chủ chương xã hội hóa Giáo dục nó huy động sức người sức của, vấn đề là chưa được quan tâm đến nới đến trốn, nếu được quan tâm đầy đủ thì sẽ mạnh biết trừng nào.
Cách đây 10 năm trường tôi chỉ có mức học phí 400 nghìn đồng cho 1 học sinh 1 tháng, nhưng hiện nay mức đó đã lên tới 7 triệu đồng và học sinh vẫn vào rất nhiều, vậy khả năng của xã hội tùy theo sự phân cấp mà phụ huynh có thể lựa chọn tùy theo túi tiền.
Xã hội hiện nay người ta sẵn sàng bỏ tiền ra để chi cho con em mình, tôi cũng nhẩm tính vào trường công còn đắt tiền hơn trường tư, cứ hô hào phản đối học thêm nhưng trường tư đâu có học thêm.
Trường công dạy trong trường không hết, còn cái cần thi thì phải học thêm mới có. Vậy nên phải nói rằng: Nghị quyết thì tuyệt vời, nhưng thực hiện thì người ta lại không làm theo nghị quyết.
Nghị quyết 29 khi đọc xong tôi thấy Đảng đúng là thiên tài, nhìn xa trông rộng, rất trí tuệ và suốt từ năm 2003 tôi tuyên truyền cho trường tôi Nghị quyết 29, làm cho mọi giáo viên thấm nhuần nội dung và tư tưởng.
Tôi đổi mới căn bản, đổi mới từ trong ý thức của mình, đổi mới từ mục tiêu và phương pháp dạy người để đúng là đổi mới căn bản toàn diện. Và cũng chính nhờ đổi mới đó thì tôi đã thay đổi diện mạo hoàn toàn một trường tư thục.
Từ chỗ tôi chỉ thu 400 nghìn đồng 1 tháng học phí, nhưng giờ tôi thu 7 triệu đồng nhưng lượng học sinh đông gấp 10 lần khi thu 400 nghìn đồng. Vậy nên có thể nói nghị quyết là tuyệt vời.