Tới dự hội thảo, nhà giáo ưu tú Nguyễn Phú Cường - Chủ tịch hội đồng Hệ thống Giáo dục Lômônôxôp Hà Nội, chia sẻ quan điểm về vấn đề này:
Riêng Giáo dục và Y tế thì tôi thấy là Ban chấp hành Trung ương có thận trọng, nên mới đề ra tới năm 2021 mới có 10% trường tự chủ tài chính và đến năm 2030 thì việc thực hiện giảm đầu mối, phấn đấu chỉ còn các đơn vị sự nghiệp công lập phục vụ nhiệm vụ chính trị, tôi cho là chúng ta phải phân tích những trường nào là trường có nhiệm vụ chính trị.
Từ rất lâu rồi, tôi có trường bán công và Trường Phan Huy Chú cũng là trường bán công, sau khi có luật thì trường tôi xin chuyển sang dân lập và Trường Phan Huy Chú chuyển sang trường tự chủ tài chính.
Những trường tự chủ tài chính như thế là đã chuẩn bị những bước đi rất hay, bởi vì không phải lo chuyện học phí và tuyển sinh vì đã có chuẩn bị sẵn rồi. Học phí thì thu cao, vấn đề chỉ còn các thủ tục.
Năm 2018, Hà Nội có khoảng 102 trường trung học công lập, đến năm 2021 theo Nghị quyết 19 thì theo tôi là cần đẩy mạnh số lượng % lên hơn nữa, chính những trường tự chủ tài chính sẽ giảm bớt đi rất nhiều vì học phí đã cao lên rồi.
Các vẫn đề về tự chủ tài chính cũng đã quen một phần rồi, bởi vì chúng ta chưa động đến bất động sản trong trường và vị trí đất ở đó. Kể cả trường chất lượng cao bây giờ họ đã chuẩn bị sẵn việc thu học phí, và đối tượng học sinh ở khu vực đó. Vậy những trường đó ở khu vực Hà Nội nên chuyển sang trường tư thục.
Lộ trình chúng ta đi cần phải làm quyết liệt hơn nữa, trong quá trình làm thì bước đầu các trường này đã chuẩn bị về cách tuyển sinh, về cách tự chủ…thế nào để đảm bảo duy trì được hoạt động cho thầy và trò, lương cho giáo viên.
Và tiếp theo nữa là dần dần khi đã tự chủ rồi thì phải đưa thuế vào, chúng ta phải đóng góp thuế thì nhà nước mới lại dùng tiền thuế đó quay lại bù đắp.
Vậy thì chính những trường tự chủ tài chính này cũng nên bước đi dần những bước có thuế. Trước kia bọn tôi làm dân lập không để ý đến thuế, khi thuế vào chúng tôi thắc mắc ghê lắm nhưng rồi cũng quen dần.
Mọi người càng tiếp xúc với thuế bao nhiêu thì càng học được chính sách bấy nhiêu, và anh phải biết được chi tiêu như thế nào cho đúng.
Như trường chúng tôi mỗi năm nộp 3 tỷ đồng tiền thuế, đời sống giáo viên rất tốt, lương tháng thứ 13 và lương bình quân mười mấy triệu đồng một tháng và hè cũng lại có lương nữa. Tổ chức Đảng có, Công đoàn có, đời sống giáo viên ổn định. Như vậy chúng ta khỏi phải băn khoăn, lo lắng rằng ngôi trường đó có đi chệch hướng hay không.
Các trường không thể đi chệch hướng được bởi vì chương trình chúng ta quản lý rất chặt chẽ, các lãnh đạo nhà trường muốn làm được cũng phải làm tốt công tác Công đoàn thì giáo viên mới ở lại với mình.
Chúng ta hãy yên tâm, tôi cho rằng các nhà giáo đang ở vị trí trường công lập thì rất ngại chuyển sang trường tư thục.
Qua Nghị quyết 19 thì Hà Nội cũng đã làm, chỉ tiếc là chưa mạnh dạn làm nhiều mà đáng lẽ phải làm nhiều hơn.
Đối với Giáo dục thì về mặt chương trình đã được quản lý chặt chẽ rồi, đầu ra cũng đã có kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia nên đã quản lý được về mặt chất lượng.
Riêng quận nam Từ Liêm thì chất lượng vọt hơn hẳn là bởi vì giáo dục tư thục đã làm cho chất lượng ở đấy cao lên, toàn những trường nổi tiếng ở đó. Vậy nên đừng nghĩ rằng là sang khu vực tư thục thì chất lượng giảm xuống.
Cái mà bây giờ mình đang cần định hướng là chuyển sang tư thục, ý tưởng của Đảng và nhà nước đã được thực hiện, kiểm soát quyền lực, rồi người dân tham gia vào quản lý các dịch vụ cho con em họ, thì họ có quyền.
Các trường chỉ có thể làm tốt hơn thì mới duy trì được, và còn tạo ra thói quen về các dịch vụ phục vụ cho học sinh.
Trong Nghị quyết 19 có nêu rõ kinh phí dùng cho các đơn vị công lập đã quá tải, bây giờ chúng ta có nhiều cách giải.
Tự chủ tài chính là một cách giải, nhưng cách đó còn chưa triệt để. Chưa triệt để ở chỗ là chưa đưa thuế vào, chưa đưa vào bất động sản và nhiều phần khác.
Tôi thấy với mức học phí 4 đến 5 triệu đồng như thế thì là làm được, có một số trường thực tế như trường tôi, thì tôi thấy nhà nước chuyển sang là không có gì khó khăn cả.
Tự chủ tài chính thì như Trường Phan Huy Chú đã làm nhiều năm rồi, vậy thì cứ nhân rộng ra, có kinh nghiệm rồi, có trường chỉ làm 3 năm là có kinh nghiệm thì tại sao lại không làm đi?
Đặc biệt là trường chất lượng cao thì mới thấy là người dân rất hưởng ứng, chứng tỏ tiền trong dân là có, đấy là công lập. Vậy thì những khu vực đó nên chuyển sang tư thục đi thôi.
Hai mô hình là tự chủ tài chính và trường chất lượng cao khỏi phải lăn tăn về việc dân có đóng tiền không, học phí thế nào, người ta đã tự nguyện rồi đấy thôi.