Nếu sách mới vẫn phải học thêm, thay sách giáo khoa coi như thất bại

13/06/2020 06:12
Lê Mai
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Đi học thêm mới hiểu bài, mới làm được bài thì học trò sẽ học được bài học từ thầy cô, dù không ai dạy, không ai nói thành lời, đó là bài học về sự dối trá.

Dạy thêm, học thêm là nhu cầu hay vấn nạn? Người viết thăm dò một số phụ huynh, học trò, kể cả giáo viên, phần lớn đều cho rằng dạy thêm, học thêm là vấn nạn.

Thế nhưng cũng có người nói rằng có cầu, ắt có cung; có nhu cầu học thêm mới có nhu cầu dạy thêm.

Như vậy, học thêm, dạy thêm giống câu chuyện “con gà có trước hay quả trứng có trước”, giải quyết vấn đề này quả thực không giản đơn.

Ai tạo ra nhu cầu học thêm?

Nhu cầu học thêm từ hiệu ứng “lưng gù”: không ít phụ huynh thấy con nhà người ta đi học thêm, con mình không đi học thêm thành người khuyết tật, nên nhà nhà cho con học thêm.

Nhu cầu học thêm từ ước mơ của gia đình: Không ít phụ huynh bon chen, luôn muốn con mình là nhất, đã cho con học thêm từ … mẫu giáo.

Nhu cầu học thêm từ biên chế lớp học: Theo luật, học sinh tiểu học không quá 35 em/lớp, vậy nhưng thực tế là 50-60 em/lớp, đã buộc phụ huynh cho con học thêm, học trước.

Nhu cầu học thêm từ chương trình quá nặng: Thực tế chương trình cũ quá nặng chứ không phải là nặng.

Chương trình mới, sách giáo khoa mới, học sinh có phải đi học thêm nữa không? (Ảnh minh họa: Baotayninh.vn)

Chương trình mới, sách giáo khoa mới, học sinh có phải đi học thêm nữa không? (Ảnh minh họa: Baotayninh.vn)

Giáo sư Đỗ Đức Thái, Tổng chủ biên sách giáo khoa Toán lớp 1 "Cánh diều" cho hay, chương trình và bộ sách giáo khoa Toán tiểu học hiện nay khó đến mức giáo sư có trình độ tương đối tốt mới hiểu được hết. Vì quá nặng, môn Toán trở thành nỗi khiếp đảm với trẻ.[1]

Nhu cầu học thêm từ “nguồn cung” giáo viên: Có con học tại trường công, phần lớn phụ huynh thấm thía tình cảnh con không đi học thêm sẽ bị thầy, cô giáo “đì”.

Vào đầu năm học, sau cuộc họp phụ huynh, rất nhiều phụ huynh ở các trường nhận được gợi ý của ban phụ huynh lớp là nhờ cô giáo bộ môn A, bộ môn B mở lớp để kèm thêm cho con.[2]

Chiêu trò “tạo nhu cầu học thêm” của giáo viên đều là dạng phi vật chất, rất khó kiểm soát, không thể nhìn thấy, chỉ có học trò thấy cái vô hình đó.

Nhu cầu học thêm từ đề thi, đề kiểm tra: Đề thi, đề kiểm tra có sự phân hóa là cần thiết; thế nhưng đề thi của chúng ta phải nói thật quá khó, lý thuyết là bám sát sách giáo khoa, bám sát kiến thức cơ bản, nhưng phần phân hóa quá nhiều, quá cao.

Đề kiểm tra cũng “tiệm cận” với đề thi, đề ra theo kiểu “Không học thêm thầy đố mày làm được”.

Vì vậy phụ huynh học sinh có nhu cầu, đẻ ra nhu cầu học thêm; có cung, ắt có cầu, giáo viên mới phải dạy thêm!

Nếu sách mới vẫn phải học thêm, thay sách giáo khoa coi như thất bại!

Thay sách mới, một niềm hy vọng trào dâng lên xã hội, chấm dứt vấn nạn dạy thêm, học thêm; phụ huynh mơ ước con cái mình sẽ phát triển bản thân, không còn khuôn mẫu, không còn phải tối ngày đi học, tuổi thơ sẽ được trả lại cho chủ nhân của nó.

Có bạn đọc đã bình luận “Giáo dục mà dựa vào dạy thêm mới hiểu bài, đó là giáo dục thất bại”.

Hoàn toàn chính xác!

Bài đã học ở lớp, do thầy cô dạy, nhưng không hiểu bài, chỉ có đi học thêm mới hiểu.

Hóa ra học trò đi học ở trường là vô ích, giáo dục nhà trường dành cho học trò là không có tác dụng; giáo dục đã thất bại.

Đi học thêm mới hiểu bài, mới làm được bài thì học trò sẽ học được bài học từ thầy cô, dù không ai dạy, không ai nói thành lời, đó là sự dối trá.

Vì vậy, để giáo dục phát triển, xã hội phát triển phải chặt đứt được “vấn nạn dạy thêm, học thêm” di căn sang chương trình mới đòi hỏi ngành giáo dục và toàn xã hội góp sức cùng nhau xóa bỏ các nguyên nhân tạo nhu cầu học thêm.

Tài liệu tham khảo:

[1] dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/chuong-trinh-va-sgk-qua-nang-mon-toan-thanh-noi-khiep-dam-voi-tre-20191217213904408.htm

[2] tienphong.vn/giao-duc/day-them-hoc-them-nhu-cau-hay-van-nan-1671378.tpo

Lê Mai