Nếu tăng ngân sách đầu tư GDĐH thì phân bổ theo KPIs, tránh cào bằng

01/12/2023 06:36
Ngọc Mai
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Một số ý kiến cho rằng, đầu tư cho GDĐH phải tập trung vào cơ sở đào tạo có nhiều phát minh sáng chế, giải pháp hữu ích và có đóng góp lớn cho công nghệ-kỹ thuật.

Tại Hội thảo Giáo dục 2023 “Thể chế, chính sách nâng cao chất lượng giáo dục đại học”, có ý kiến đề xuất tăng ngân sách đầu tư cho giáo dục đại học lên khoảng 0,5% GDP.

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là tăng ngân sách đầu tư cho giáo dục đại học thể nào để tăng chất lượng giáo dục đại học một cách tương xứng, đảm bảo đầu tư hiệu quả.

Bàn về vấn đề này, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đức Viên - Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết, đề xuất tăng ngân sách đầu tư cho giáo dục đại học lên khoảng 0,5% GDP là phù hợp, nhất là trong bối cảnh tự chủ đại học hiện nay.

Song, đó mới chỉ là tăng bước đầu, nghĩa là cần tiếp tục tăng cho xứng với yêu cầu và nhiệm vụ của giáo dục đại học. Tùy thuộc vào tình hình phát triển của kinh tế xã hội nước ta và sự phát triển của giáo dục đại học trên thế giới.

Sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: website nhà trường.

Sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: website nhà trường.

“Trường đại học thực hiện thí điểm tự chủ đều bị cắt chi thường xuyên, thậm chí có trường bị cắt cả chi đầu tư. Việc đầu tư cho giáo dục đại học hiện nay cùng với thực hiện tự chủ - tự túc, "tự bơi" đang đẩy chất lượng giáo dục đại học của Việt Nam thấp hơn so với các nước ở khu vực và so với chất lượng giáo dục đại học trong nước trước khi tự chủ.

Chúng ta chưa có một điều tra xã hội học độc lập nào được tiến hành để đánh giá sự phát triển chất lượng giáo dục đại học. Chính vì vậy, sứ mệnh cao cả của giáo dục đại học cũng vì thế mà mai một đi.

Các trường đại học thực hiện tự chủ vẫn cần được đầu tư tài chính, thậm chí phải đầu tư nhiều hơn so với khi chưa tự chủ. Do đó, đề xuất tăng ngân sách đầu tư cho giáo dục đại học lên khoảng 0,5% GDP là điều nên làm và phải làm càng sớm càng tốt", Giáo sư Viên chia sẻ.

Trước vấn đề tăng ngân sách đầu tư cho giáo dục đại học thì cần tăng vào đâu để đảm bảo tính hiệu quả, Giáo sư Viên cho rằng, đầu tư này sẽ phải thực hiện theo KPIs (sản phẩm đầu ra) do nhà nước giao, đặt hàng hoặc do cơ sở giáo dục cam kết.

Cụ thể, thứ nhất, tăng ngân sách đầu tư cho giáo dục đại học thực hiện theo KPIs. Điều này sẽ tạo tính cạnh tranh bình đẳng và minh bạch giữa các cơ sở giáo dục đại học. Đầu tư theo KPIs phải có chỉ tiêu đo đếm, không được đầu tư theo cảm tính hay theo danh tiếng của trường từ thời xa xưa.

“Đầu tư cho giáo dục đại học phải tập trung vào cơ sở đào tạo có nhiều phát minh sáng chế, giải pháp hữu ích và có đóng góp lớn cho công nghệ - kỹ thuật, đặc biệt là đầu tư cho các phát minh công nghệ mà chúng ta cần để phát triển kinh tế xã hội ở thời điểm trước mắt và trong tương lai”

_Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đức Viên_

Thứ hai, tăng ngân sách đầu tư cho giáo dục đại học phải tập trung vào hoạt động nghiên cứu khoa học. Theo kinh nghiệm từ các nước trên thế giới, những phát minh, sáng kiến hiện nay đại đa số là từ các trường đại học. Do đó, đầu tư cho giáo dục ở nước ta phải làm sao để nghiên cứu khoa học là sự sống của các trường đại học.

“Hiện tại, không ít các đề tài, chương trình nghiên cứu khoa học trong nước đâu đó vẫn còn tình trạng thiếu thực chất. Do đó, không thiếu đề tài còn nặng về hình thức, thời gian và công sức của chủ nhiệm đề tài trong việc hoàn tất thủ tục hành chính chiếm phần lớn thời gian nghiên cứu. Bằng chứng rõ ràng nhất là số phát minh, sáng kiến, bản quyền công nghệ của các trường đại học chưa nhiều.

Điều này cũng cho thấy, cần đổi mới thể chế quản lý tài chính trong nghiên cứu khoa học trước rồi mới nói đến việc đầu tư cho nghiên cứu khoa học theo các chương trình nghiên cứu khoa học dài hạn và ngắn hạn, đáp ứng yêu cầu và nhu cầu của công cuộc phát triển kinh tế xã hội đất nước và hội nhập quốc tế”, Giáo sư Viên chia sẻ.

Cũng theo Giáo sư Viên, thực tế hiện nay cho thấy, không ít giảng viên của một số trường đại học đang chạy đua để có những công trình nghiên cứu khoa học công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế có uy tín. Điều đó rất tốt và cần được khuyến khích, tuy nhiên trong điều kiện và hoàn cảnh cụ thể hiện nay, cần quan tâm nhiều hơn đến các nhà khoa học, các đề tài có những đóng góp thiết thực, cụ thể cho phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Thứ ba, cần tăng ngân sách đầu tư cho giáo dục đại học vào đội ngũ giảng viên. Cụ thể, phải chú trọng tới việc làm thế nào để trường đại học mời các giáo sư danh tiếng quốc tế, trong đó không ít giáo sư là người Việt Nam đang làm việc và thành danh ở nước ngoài (Việt kiều) trở về nước tham gia giảng dạy và nghiên cứu khoa học.

“Có một thực tế mà tôi rất trăn trở đó là tại sao một số nước họ mời được rất nhiều nhà khoa học nước họ đang làm việc ở nước khác trở về, trong đó có nhiều người đã trở thành lãnh đạo các viện, trường đại học,…còn nước ta lại chưa làm được. Ngoài vấn đề lương bổng, đãi ngộ, trọng thị,… còn vấn đề gì khác không?”, Giáo sư Viên nêu trăn trở.

Thứ tư, cần đầu tư cho giáo dục đại học vào cơ sở vật chất có trọng tâm, trọng điểm sao cho đồng bộ và dứt điểm, nhất là các phòng thí nghiệm sao cho tương xứng với yêu cầu và nhiệm vụ, không thua kém các trường đại học ở một số nước trong khu vực và trên thế giới. Việc đầu tư này sao cho sức giải quyết các vấn đề về công nghệ và kỹ thuật đang nảy sinh trong thực tiễn sản xuất - kinh doanh các vấn đề về công nghệ và kỹ thuật đang nảy sinh trong thực tiễn sản xuất - kinh doanh trong nước và hội nhập với bạn bè quốc tế.

Giáo sư Viên góp ý, cần thành lập các quỹ khoa học độc lập, trong đó có quỹ cho các rủi ro trong nghiên cứu và đầu tư mạo hiểm, làm nhiệm vụ phân bổ kinh phí nghiên cứu khoa học công bằng, minh bạch và tất nhiên đã đầu tư và đều phải theo KPIs.

Cũng chia sẻ về vấn đề này, trao đổi với phóng viên, thầy Trần Vũ Phương – Trưởng Phòng Đào tạo, Trường Đại học Tân Trào bày tỏ quan điểm đồng tình với đề xuất tăng ngân sách đầu tư cho giáo dục đại học lên khoảng 0,5% GDP.

“Tăng ngân sách đầu tư cho giáo dục đại học sẽ giúp chia sẻ, giảm bớt gánh nặng cho các trường đại học, nhất là khi trường thực hiện cơ chế tự chủ. Nếu được tăng đầu tư cho giáo dục đại học, theo tôi, nên tăng đầu tư vào cơ sở vật chất và nghiên cứu khoa học. Có như vậy, người được hưởng lợi nhất khi tăng đầu tư cho giáo dục đại học sẽ là sinh viên”, thầy Phương nói.

Lý giải chi tiết, theo thầy Phương, quá trình hiện tự chủ khiến trường đại học phải nghiên cứu để đa dạng các nguồn thu, trong đó cũng phải tính toán đến việc tăng học phí sao cho đảm bảo đáp ứng yêu cầu giáo dục đào tạo. Tuy nhiên, tăng học phí, cùng với chi phí sinh hoạt tăng theo thị trường cũng khiến nhiều sinh viên khó tiếp cận với giáo dục đại học.

"Trong thời gian tới, nếu tăng ngân sách đầu tư cho giáo dục đại học sẽ giúp người học giảm bớt gánh nặng phần nào về học phí”

_Thầy Trần Vũ Phương_

Thầy Phương nhấn mạnh, khi tăng đầu tư vào cơ sở vật chất cho các trường thì phải chú trọng đầu tư vào cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ thực hành, bởi vì hiện nay ngành học nào cũng cần phải đẩy mạnh thực hành để nâng cao chất lượng đào tạo, rút ngắn khoảng cách lý thuyết với thực tiễn.

Lấy ví dụ với Trường Đại học Tân Trào, thầy Phương chia sẻ, nhà trường tập trung vào đào tạo các ngành thuộc lĩnh vực du lịch, nông nghiệp và y dược. Do vậy, nếu được tăng ngân sách đầu tư cho giáo dục đại học, nhà trường cũng mong muốn được ưu tiên đầu tư vào cơ sở vật chất phục vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học đối với các ngành học này.

Ngọc Mai