Đầu tư cho GDĐH đang thiếu định hướng, cơ chế đặt hàng chưa được như kỳ vọng

21/11/2023 06:24
Phạm Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Vấn đề hiện nay là chưa có một đơn vị nào thực hiện phân tích, đánh giá kết quả, hiệu quả của nguồn ngân sách đã đầu tư.

Hiện nay, ngân sách đầu tư cho giáo dục đại học đang rất thấp (chỉ chiếm 0,27%GDP). Theo khuyến nghị của Ngân hàng Thế giới, chúng ta cần tăng lên khoảng 0,8-1% GDP đầu tư cho giáo dục đại học cho đến năm 2030.

Bài toán tài chính với các trường đại học đến nay vẫn là một thách thức lớn. Nhiều chuyên gia đề nghị cần có sự điều chỉnh cơ cấu đầu tư trong giáo dục và đào tạo, thay đổi cách thức đầu tư, hướng đến hiệu quả trong đầu tư. Cùng với đó, cần tăng tỷ lệ chi ngân sách nhà nước cho nghiên cứu khoa học và phát triển phân bổ đến các trường đại học.

Cần công khai minh bạch trong đặt hàng, phân chia kinh phí

Trao đổi vấn đề này với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư, Tiến sĩ Trần Diệp Tuấn – Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh đồng tình với kiến nghị tăng tỷ lệ ngân sách nhà nước đầu tư cho giáo dục đại học theo lộ trình đã được đề xuất.

Song, trong bối cảnh nguồn kinh phí của Nhà nước còn hạn hẹp, vấn đề quan trọng là phải xem xét đến tính hiệu quả của việc đầu tư hiện nay. Nếu kết quả đầu tư không mang lại hiệu quả, không giúp ích cho sự phát triển của giáo dục đại học thì cần phải tìm hiểu nguyên nhân vì sao và có sự điều chỉnh phân bổ đầu tư lại cho phù hợp.

Giáo sư, Tiến sĩ Trần Diệp Tuấn – Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh.

Giáo sư, Tiến sĩ Trần Diệp Tuấn – Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh.

“Hiện ngân sách cho giáo dục đại học rất thấp, tăng đầu tư theo lộ trình là hợp lý, nhưng vấn đề là chưa có một đơn vị nào thực hiện phân tích, đánh giá kết quả, hiệu quả của nguồn ngân sách đã đầu tư”, Giáo sư Trần Diệp Tuấn chia sẻ.

Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh cũng cho biết, hiện nay, đầu tư cho giáo dục đại học đang thiếu tính định hướng, cơ chế đặt hàng chưa được thực hiện như kỳ vọng, và chưa công khai minh bạch trong đặt hàng cũng như trong phân chia kinh phí.

Trong một số dự án đầu tư, nhà nước nên giao nhiệm vụ cho các trường thực hiện. Ví dụ như hoạt động nghiên cứu khoa học, hoạt động đào tạo nguồn nhân lực, hoạt động mở mã ngành mới… nên giao cho một số trường đại học trọng điểm triển khai.

Tất nhiên, ở cấp chiến lược thì cần có sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành để đưa ra được định hướng chiến lược, kế hoạch đầu tư, cụ thể phải xác định đâu là lĩnh vực mũi nhọn cần đầu tư để phát triển đất nước trong giai đoạn tới, cùng với đó phải cân nhắc đến nguồn lực hiện có để các dự án mang tính khả thi.

Sau khi xác định được định hướng đầu tư, tương ứng với từng dự án, lĩnh vực sẽ có các trường đại học đăng ký thực hiện, nhà nước sẽ chọn đơn vị phù hợp để triển khai đặt hàng, đầu tư và tính đến đầu tư dài hạn.

Trong quá trình thực hiện đặt hàng phải công khai minh bạch thông tin, đồng thời phải minh bạch trong cách phân chia kinh phí cho các đơn vị.

Nếu không có định hướng và không có sự công khai minh bạch trong giao nhiệm vụ đặt hàng thì không thể có hiệu quả đầu tư và các trường đại học không có động lực để sáng tạo mang tính đột phá.

Huy động đa dạng nguồn lực đầu tư cho trường đại học

Bàn về bài toán tài chính cho các trường đại học, Giáo sư, Tiến sĩ Chử Đức Trình – Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, đầu tư cho giáo dục đại học Việt Nam hiện nay có 2 nguồn chính là nguồn đầu tư của Nhà nước và nguồn đầu tư của xã hội.

Nguồn đầu tư của xã hội bao gồm: học phí của người học, nguồn tài trợ, hợp tác với doanh nghiệp.

Giáo sư, Tiến sĩ Chử Đức Trình – Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Giáo sư, Tiến sĩ Chử Đức Trình – Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội.

So với các nước có cùng mức sống và các nước phát triển, nguồn đầu tư cho giáo dục đại học Việt Nam còn hạn chế, chưa đa dạng.

"Nguồn đầu tư của Nhà nước cho toàn ngành giáo dục nói chung hiện ở mức cao, tuy nhiên, phần lớn ngân sách đang tập trung đầu tư cho giáo dục phổ thông, còn đầu tư cho giáo dục đại học đang ở mức thấp.

Việc đầu tư nhằm đảm bảo chất lượng cho giáo dục phổ thông là vô cùng quan trọng và cần thiết, vì nền tảng cho giáo dục phải từ các cấp phổ thông và đặc biệt, chúng ta cần phải quan tâm đến giáo dục vùng sâu vùng xa - đây là chính sách nhân văn của Đảng, Nhà nước ta. Theo cá nhân tôi, Việt Nam đang làm được khá tốt trong giáo dục phổ thông.

Cùng với đó, nếu tăng được tỷ lệ ngân sách nhà nước đầu tư cho giáo dục đại học thì sẽ là một điều tốt. Khi đó, các trường đại học sẽ có nhiều nguồn lực hơn trong đầu tư cơ sở hạ tầng và từng bước nâng cao chất lượng giảng dạy đại học.

Tuy nhiên, trong bối cảnh tài chính đất nước còn hạn hẹp, với nhu cầu đầu tư, xây dựng và chi trả lương cho cán bộ của các trường đại học đang rất lớn, bản thân các trường đại học cũng cần phải có những giải pháp huy động các nguồn lực đầu tư từ xã hội cho đơn vị mình", Giáo sư Chử Đức Trình nêu quan điểm.

Thầy Trình chia sẻ, trước hết, thu học phí là một giải pháp phổ biến hiện nay để thu hút nguồn đầu tư cho các trường đại học. Tuy nhiên, việc thu học phí như thế nào cho phù hợp là một bài toán quan trọng cần giải quyết. Trong điều kiện kinh tế còn khó khăn, đặc biệt bối cảnh xã hội sau covid-19, giải quyết bài toán học phí cần có sự đồng hành, chung tay của các bên.

Thời gian tới, việc tăng học phí đại học là cần thiết nhưng cần tăng với tinh thần trách nhiệm, tính đến khả năng chi trả của người học, bên cạnh yêu cầu đáp ứng hoạt động của các nhà trường.

Song song với đó, các trường cũng phải thay đổi lại hệ thống quản trị cho tinh gọn, vận hành hoạt động của nhà trường hiệu quả, hướng tới mục tiêu đảm bảo chất lượng giáo dục, chất lượng đầu ra của trường đại học.

Một giải pháp nữa trong thời gian tới là phải tiến tới thực hiện hợp tác công tư trong giáo dục đại học. Vấn đề này đang được triển khai rất tốt tại Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc và một số nước châu Âu. Còn tại Việt Nam, hình thức này vẫn còn mới và thiếu cơ chế để thực hiện.

“Chúng ta cần hiểu hợp tác công tư trong giáo dục đại học không đơn thuần là xây dựng cơ sở vật chất trong trường để khai thác dịch vụ mà là doanh nghiệp “bắt tay” với cơ sở giáo dục đại học để khai thác nguồn lực trí tuệ của giảng viên và sinh viên.

Nhiều trường đại học ở Nhật Bản, Hàn Quốc cho phép doanh nghiệp xây các tòa nhà công nghiệp trong trường, đưa phòng trung tâm nghiên cứu phát triển (R&D) vào trường để thầy cô, sinh viên tham gia hoạt động nghiên cứu.

Hay đối với nhiều công ty khởi nghiệp, doanh nghiệp vừa và nhỏ, việc vận hành trung tâm nghiên cứu phát triển là một thách thức lớn, nên họ có thể đầu tư hợp tác với các trường đại học.

Các trường đại học phải xây dựng cơ chế, tạo điều kiện để doanh nghiệp đến hợp tác và đảm bảo lợi ích của đôi bên. Đây cũng là mô hình chúng ta cần hướng tới. Song thực hiện hợp tác công tư là liên quan đến bài toán chia sẻ lợi ích, phân chia quyền sở hữu trí tuệ, vì vậy, cần sự cởi mở và đổi mới trong chính sách.

Cơ quan quản lý Nhà nước cần phân cấp và giao nhiệm vụ xuống cho các trường, lãnh đạo nhà trường có trách nhiệm thực hiện giải trình về việc triển khai thực hiện”, Giáo sư Trình chia sẻ.

Đối với vấn đề tự chủ tài chính, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ cho rằng, cơ quan quản lý Nhà nước nên sử dụng hệ thống luật mang tính khung, phân cấp việc thực hiện cho cơ sở giáo dục đại học, trường đại học sẽ xây dựng quy định hoạt động của đơn vị để triển khai và xây dựng quy chế tự chủ về mặt tài chính.

Còn hiện nay, việc chi tiêu, mua sắm tài sản công cũng còn nhiều vướng mắc vì còn liên quan đến Luật Đấu thầu. Quy trình đấu thầu phức tạp dẫn đến chậm, muộn trong triển khai mua sắm, đôi khi chính đấu thầu còn làm giá thành sản phẩm bị nâng lên.

Vì vậy, tự chủ là cần giao quyền cho lãnh đạo nhà trường, lãnh đạo trường phải chịu trách nhiệm thực hiện triển khai và có trách nhiệm giải trình với cơ quan quản lý nhà nước, với xã hội. Xã hội thực hiện vai trò giám sát và cơ quan quản lý nhà nước có nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra.

Phạm Minh