LTS: Trên đây là ý kiến của thầy giáo Trần Sơn, một giáo viên Tiểu học (vì lý do riêng tư, thầy không muốn giới thiệu chi tiết nơi công tác).
Ý kiến của thầy không mới, nhưng có một số phát hiện, nhất là thầy nêu ra yêu cầu cụ thể với các cấp quản lý.
Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả.
Sổ theo dõi chất lượng giáo dục là một hồ sơ “cứng” của giáo viên và học sinh?
Thông tư 30 đã quy định rất rõ ràng việc viết nhận xét vào sổ theo dõi chất lượng giáo dục.
Trong khoản 2, điều 6 về đánh giá thường xuyên có ghi : “Trong đánh giá thường xuyên, giáo viên ghi những nhận xét đáng chú ý nhất vào sổ theo dõi chất lượng giáo dục, những kết quả học sinh đã đạt được hoặc chưa đạt được;
Biện pháp cụ thể giúp học sinh vượt qua khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ; các biểu hiện cụ thể về sự hình thành và phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh;
Những điều cần đặc biệt lưu ý để giúp cho quá trình theo dõi, giáo dục đối với cá nhân, nhóm học sinh trong học tập, rèn luyện ”.
Các điều 6, 7, 8 Thông tư 30 quy định về đánh giá thường xuyên 3 nội dung (hoạt động và kết quả học tập; năng lực; phẩm chất) đều có câu: “Hàng tháng, giáo viên ghi nhận xét vào sổ theo dõi chất lượng giáo dục”.
Giáo viên phải gánh quá nhiều loại sổ sách (Ảnh: Infornet) |
Điều 13 Thông tư 30 quy định hồ sơ đánh giá học sinh từng năm học của mỗi học sinh gồm có 5 loại, trong đó có sổ theo dõi chất lượng giáo dục. Và, điều 10 quy định về trách nhiệm của giáo viên cũng nhấn mạnh giáo viên phải “ hoàn thành hồ sơ đánh giá học sinh theo quy định”.
Các dẫn chứng trên chứng tỏ rằng sổ theo dõi chất lượng giáo dục là một loại hồ sơ “cứng” mang tính “pháp lý” của giáo viên và học sinh.
Do vậy, các cấp quản lý giáo dục dưới Bộ GD&ĐT (Sở GD&ĐT, Phòng GD&ĐT, các Nhà trường) cứ áp vào đó để yêu cầu và kiểm tra giáo viên.
Cho nên, ở nơi này, nơi khác có tình trạng nhà trường yêu cầu giáo viên hằng tháng phải nhận xét đủ 100% học sinh. Điều này đã gây nên áp lực, sự quá tải và ít nhiều bức xức trong giáo viên, đặc biệt là giáo viên dạy chuyên một môn (có người hàng tháng phải nhận xét đến gần 1000 học sinh theo 3 nội dung đánh giá).
Đã hướng dẫn, điều chỉnh nhưng Bộ trưởng thừa nhận vẫn còn áp lực
Sau khi Thông tư 30 có hiệu lực, do nhận thấy được thực trạng trên nên ngày 27/10/ 2014, Bộ GD&ĐT đã ban hành Công văn số 6169/BGDĐT-GDTH để hướng dẫn thêm.
Trong đó có đoạn: “ ...TT 30/2014 quy định, yêu cầu giáo viên phải quan tâm đánh giá tất cả học sinh, không được “quên” em nào, nhưng khi viết nhận xét vào sổ theo dõi chất lượng giáo dục không bắt buộc phải ghi nhận xét tất cả học sinh hàng tháng;...”. Thế là giáo viên bớt được đi phần nào sự quá tải khi không phải đánh giá nhận xét tất cả học sinh hàng tháng.
Tuy vậy, việc ghi nhận xét hàng tháng cũng vẫn còn khá nặng nề, nhất là đối với giáo viên chủ nhiệm có sĩ số đông, vượt quá quy định trong Điều lệ trường tiểu học (trên 35 học sinh, thậm chí 60 học sinh) và các giáo viên dạy môn chuyên ở những trường có số học sinh lớn.
Sự áp lực, quá tải của giáo viên về thực hiện Thông tư 30 vẫn còn cho đến tận khi kết thúc năm học 2014-2015. Điều đó được thể hiện rõ qua ý kiến của các Đại biểu Quốc hội hỏi trực tiếp Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận trong phiên chất vấn ngày 12/6/2015.
Thông tư 30 dần gây khó dễ cho công tác khuyến học(GDVN) - Nội dung khen thưởng học sinh tiểu học theo thông tư 30 của Bộ GD&ĐT sẽ gây khó khăn cho các tổ chức khuyến học khi xây dựng quy chế khen thưởng. |
Theo Báo điện tử Giáo dục Việt Nam (bài Bộ trưởng Phạm Vũ Luận thừa nhận giáo viên tiểu học chịu nhiều áp lực), Đại biểu Nông Thị Bích Liên (đoàn Hà Giang) và Đại biểu Phương Thị Thanh (đoàn Bắc Kạn) nêu ra vấn đề: Nhiều giáo viên phản ánh là công việc trở lên nặng nề và vất vả hơn trước. Vậy, có thể dẫn tới đánh giá còn hình thức không ?
Trong nội dung trả lời câu hỏi này của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã thừa nhận một thực tế: “Nhiều năm vừa qua quyển sổ của cô giáo đã trở thành một chứng cứ để hiệu trưởng kiểm tra, đánh giá xem cô giáo có làm tốt không? Phòng giáo dục kiểm tra xem trường làm có tốt không? Như vậy cô giáo ngày nào cũng ghi, ghi rất đầy đủ, việc này bị lệch lạc của quá trình cũ chúng ta chấn chỉnh”.
Bộ trưởng hứa sẽ tiếp tục chấn chỉnh, các nhà trường cần văn bản vụ thể
Trong phần trả lời chất vấn này, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cũng đưa ra giải pháp trong thời gian tới: “Chúng tôi đang tiếp tục có những chấn chỉnh để giảm những công việc hành chính, không cần thiết của giáo viên để các thầy, các cô tập trung vào công việc chính hướng dẫn, tư vấn, cố vấn giảng dạy cho các cháu. Cộng với đó là sự thuần thục thì công việc của các thầy, các cô sẽ nhẹ đi” (theo Báo Giáo dục Việt Nam).
Tuy nhiên, đó cũng mới chỉ là những phát biểu mang tính chủ trương của vị “Tư lệnh ngành Giáo dục ”. Để thực hiện chủ trương này, các nhà trường và các thầy giáo, cô giáo cần những hướng dẫn cụ thể có tính “pháp lí” làm căn cứ, tức là các văn bản chứ không chỉ dừng lại ở các phát biểu, trao đổi, trả lời trên các diễn đàn.
Chỉ hai tháng nữa là các thầy giáo, cô giáo và học sinh Tiểu học chính thức bước vào năm học mới. Chúng tôi mong rằng Bộ GD&ĐT cần có những điều chỉnh kịp thời bằng văn bản để các thầy giáo, cô giáo Tiểu học giải tỏa áp lực, tập trung vào việc chính là giảng dạy như lời hứa của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT trước Quốc hội.