Sinh viên là một trong những đối tượng “lọt vào” danh sách liệt kê các đối tượng áp dụng thu phí giao thông vào ngày 1/ 6 tới đây.
Khảo sát ý kiến dư luận thực tế, một bộ phận sinh viên, học sinh các trường ĐH, CĐ, Phổ thông trên địa bàn Hà Nội, họ cho rằng: chủ trương thu phí của Bộ Trưởng rất táo bạo, quyết đoán nhưng "hơi thái quá” và thiếu tính thực tiễn.
Từ lâu sinh viên đã được mệnh danh là “những kẻ vô sản”, mọi chi phí trong tháng đều do gia đình phụ cấp. Cuộc sống sinh viên thiếu thốn, khó khăn, “ trăm bề không yên”. Nhất là đối với sinh viên xuất thân từ miền quê nghèo, xa xôi về thành phố học, câu chuyện thu phí là những điều chưa bao giờ họ ngờ tới.
Trong một tháng, sinh viên phải chi trả biết bao nhiêu khoản như: tiền thuê nhà trọ, tiền ăn, tiền điện nước, tiền học, tiền sinh hoạt phí, các loại quỹ đóng góp ở trường - ở lớp… Nay cõng trên lưng một khoản mới phí giao thông. Lại một gánh nặng trên vai của những nhà “ trí thức vô sản”, đó là “một cú đòn tuy không mạnh nhưng cũng đủ để lại xô xát trên cơ thể”.
Bạn Lê Thị Trà, sinh viên năm 4 trường ĐHQG Hà Nội cho biết: “ tôi nghĩ rằng việc thu phí của Bộ Trưởng Bộ Giao thông vận tải không nên áp dụng đối với sinh viên, bởi lẽ chúng tôi vẫn chưa có nghề nghiệp trong tay. Hơn nữa, chúng tôi đang sống bằng trợ cấp của gia đình. Khi nào đi làm thì việc đó hẵng bàn”.
Cũng đồng quan điểm trên, bạn Nguyễn Tuấn Anh sinh viên năm 2 trường ĐH Bách Khoa chia sẻ: “việc thu phí của Bộ trưởng Đinh La Thăng có điều bất cập. Sinh viên vốn đã nghèo, chưa đủ nuôi thân, nay lại phải nuôi thêm xe cộ quả là điều khó tin”.
Có thể thấy rằng, thực tế việc thu phí giao thông là quá sức đối với một bộ phận người có thu nhập thấp, trong đó phải kể đến sinh viên, nông dân. Trung bình mức sống của một sinh viên trong thời buổi lạm phát từ 1- 1.5 triệu/tháng. Để có tiền ăn học, rất nhiều bạn đã phải lao lực, chăm chỉ đi làm thêm. Chứng kiến thực tế đó, việc miễn thuế giao thông cho đối tượng cũng là điều hợp lý.
Nếu được đứng trên cương vị của Bộ trưởng Đinh La Thăng, tôi sẽ cân nhắc kỹ lưỡng việc phân loại đối tượng thu phí, sẽ đi sâu vào đời sống của các đối tượng một cách cụ thể để đưa ra mức phí thu phù hợp. Đặc biệt đối với sinh viên tôi sẽ miễn phí giao thông.
Nếu việc thu phí giao thông được đưa vào thực hiện thì nó dựa trên các tiêu chí: nghề nghiệp, tuổi tác, khu vực, thu nhập... Bên cạnh đó, tôi cũng xem xét nhiều giải pháp khác thay cho thu phí như: phát hành trái phiếu, tăng các phương tiện công cộng, thiết kế lại cơ sở hạ tầng… và quan trọng nhất vẫn là “chống ùn tắc tư duy”.
Bài viết được đăng sẽ nhận được các giải thưởng hấp dẫn của mỗi chủ đề.
Chủ đề tuần này (8/4- 14/4): Phí giao thông
Xem chi tiết về tiểu mục tại đây
Các bài viết xin gửi về cunglambao@giaoduc.net.vn