Hâm mộ thần tượng cũng cần có văn hóa

20/07/2012 16:50
Nguyễn Quốc Vỹ
(GDVN) - Văn hóa là nền tảng để giải quyết nhiều vấn đề của xã hội. Hội chứng “cuồng” thần tượng cũng không ngoại lệ.

Việc nhiều người xem ai đó là thần tượng cũng đã có từ rất lâu trên thế giới và ngay cả ở Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nay ngày càng xuất hiện nhiều người hâm mộ các thần tượng đến mức phát “cuồng”. Họ bất chấp tất cả từ những cảnh báo, những khuyên can cho đến những phân tích “thiệt, hơn” để “đến với” thần tượng. Những trường hợp này thường rơi vào các bạn trẻ hâm mộ một ca sỹ, một diễn viên và họ quyết làm mọi thứ, kể cả những điều cấm, những gì trái với “thuần phong, mỹ tục” để hy vọng một ngày nào đó thần tượng của họ sẽ “ngoái nhìn”.

Không những thế, chứng “phát cuồng” ấy đã làm cho nhiều bạn trẻ quên đi tất cả, chỉ nghĩ về một điều duy nhất là thần tượng. Với họ, thần tượng là số 1, là tất cả. Và, họ cũng có thể sẵn sàng bỏ học, chống đối những lời khuyên can từ gia đình, bỏ tiền ra thật nhiều để mua vé để xem, chụp hình cùng thần tượng.

Đó là chưa kể đến việc vì quá mù quáng, vì muốn khác người, vì muốn chứng tỏ một điều gì đó, vì muốn người khác chú ý đến,... nên họ sẵn sàng lập hội, sẵn sàng ủng hộ một việc mà họ cho là đúng, sẵn sàng phản ứng gay gắt với những ai dám làm “phật lòng” họ. Những hội trên các Facebook như “cuồng” với giảng viên giảng tục trên giảng đường hay yêu cầu Bộ Giáo dục phải xin lỗi vì trong đề thi môn Văn vừa qua đã nói đến những người mà họ đang xem là thần tượng là những chứng minh cụ thể nhất về việc này.

Nhiều bài báo đã viết về việc này, nhiều nhà giáo dục, nhà xã hội học đã thử phân tích, đi tìm nguyên nhân nhưng các biện pháp, các “liều thuốc” để làm cho việc hâm mộ thần tượng đi đúng với “quỹ đạo” của nó xem ra vẫn chưa hiệu nghiệm. Chắc chắn không một ai chấp nhận việc những bạn trẻ nói ra những lời “khó nghe” với ông bà, ba mẹ mình và nếu thần tượng của các bạn ấy có biết được cũng hoàn toàn không ủng hộ những việc làm, những hành động như thế.

Nhưng vì sao nhiều người vẫn “theo” thần tượng đến mức “cuồng”? Phải chăng các bạn đã không thấy được những niềm vui trong học tập, trong công việc? Hay vẫn còn quá ít những thiết chế văn hóa trong xã hội để hướng các bạn đến, tạo cho các bạn một sân chơi lành mạnh? Hoặc trong gia đình cũng như những người thân của nhiều bạn trẻ đã vì “sức hút” của công việc, vì “cơm, áo, gạo, tiền” mà “quên” các bạn ấy và dần dần các bạn phải đi tìm đến một chỗ dựa khác, một niềm vui mới?

Để xảy ra tình trạng này là “lỗi” của rất nhiều người. Đó cũng là tình trạng chung của nhiều quốc gia đang phát triển, là “sản phẩm” của các quốc gia công nghiệp. Chỉ có điều, với những hệ thống tư vấn, giúp đỡ, hỗ trợ mạnh mẽ và rộng khắp nên nhiều người “cuồng” cũng dễ dàng vượt qua, nhận ra những sai lầm, khắc phục được những nhược điểm, những thiếu sót và hướng đến những hành động, những việc làm có văn hóa hơn.

Thiết nghĩ, vẫn còn những bạn trẻ xem ba mẹ, thầy cô, người thân là thần tượng của riêng mình thì cũng cần có những định hướng để nhiều người đang phát “cuồng” nhìn lại bản thân và thay đổi. Những gì dễ đến cũng dễ đi, nhất là những điều đôi khi không thực tế, mơ mộng nhiều và phần lớn là ảo tưởng. Chỉ có gia đình, người thân sẽ theo mỗi người suốt đời và những ứng xử có văn hóa luôn được đánh giá cao. Văn hóa là nền tảng để giải quyết nhiều việc khác trong xã hội. Thiếu nó, cho dù xã hội có hiện đại đến đâu, con người có tiếp cận công nghệ cao thế nào, các bạn trẻ có đạt những bằng cấp cao thì cũng chỉ là vô nghĩa.

Mỗi tuần một chủ đề, tiểu mục "Nếu tôi là..." đón nhận các bài báo, phiếm luận, giả tưởng, clip... thể hiện quan điểm cá nhân, mang tính hiến kế, thể hiện sự vận động và định hướng của xã hội.

Bài viết được đăng sẽ nhận được các giải thưởng hấp dẫn của mỗi chủ đề.

Chủ đề tuần này (10-20/7): Hội chứng "cuồng" thần tượng

 Xem chi tiết về tiểu mục tại đây

Các bài viết xin gửi về cunglambao@giaoduc.net.vn

Tác giả có bài viết được đọc nhiều nhất xin mời đến toà soạn để nhận học bổng tiếng Anh. Tác giả có bài viết được chuyên mục bình chọn và bài viết được đăng liên hệ số điện thoại: 01252582843 để nhận thưởng
Nguyễn Quốc Vỹ