Teen và “Hội chứng cuồng thần tượng".

20/07/2012 16:42
Nguyễn Gái
(GDVN) - “Hội chứng cuồng thần tượng” là sự si mê, thần thánh hóa thần tượng quá độ. Đây là một loại bệnh lí mà khi bất kì ai mắc phải con người ta sẵn sàng gạt bỏ tất cả những giá trị nhân văn đạo lí và trở thành những sát thủ máu lạnh bất cứ lúc nào để bảo vệ thần tượng.
Đa số những người mắc biến thể trên đều nằm trong độ tuổi giới trẻ là học sinh, sinh viên. Bản thân các bạn, gia đình và xã hội nghĩ sao khi thần tượng một ai đó của giới trẻ đạt tới “hội chứng”, và trở nên “cuồng điên”. Lứa tuổi teen là lứa tuổi đầy mộng mơ, hoài bão vì vậy ai cũng có quyền thần tượng một ai đó. Nhưng các bạn trẻ “cuồng” thần tượng tới mức bị chi phối để ảnh hưởng đến tinh thần, học tập đặc biệt là sức khỏe thì đó là điều rất đáng lo ngại cho gia đình và xã hội. Theo PGS.TS Nguyễn Văn Dững: “Tại sao có hiện tượng giới trẻ thần tượng đến mê muội, đó là vấn đề xã hội khi cuộc sống ngày càng nhiều giá trị ảo hơn giá trị thật”. Chúng ta đã không quá xa lạ với các trang báo mạng thường ngày vẫn đưa tin có những bạn nữ đã dọa tự tử nếu bố mẹ không cho đi xem nhóm nhạc cô yêu thích ở Hàn Quốc về nước biểu diễn. Có những bạn đã bỏ học cả tuần và xin tiền bố mẹ tìm mọi cách ra Hà Nội để gặp thần tượng vì cho rằng cả đời chỉ có 1 lần, có chết thì cũng cam lòng. Rồi quên ăn mất ngủ khóc lóc, gào thét vì thần tượng của mình đã công khai có người yêu, những bức thư dòng chữ  thể hiện tình cảm viết bằng máu của mình để gửi tới thần tượng. Có những bạn đã tiết kiệm hết tiền ăn sáng tiền mừng tết, và ngay cả tiền xin mẹ đi đóng học để mua và sưu tầm tất cả những ảnh của thần tượng mình về dán khắp nhà, ngày đêm chìm ngập trong thế giới ảo chỉ có mình và thần tượng. Còn có rất nhiều kiểu “cuồng” thần tượng của giới trẻ làm cho các bậc cha mẹ phải giật mình, đau đầu khi con mình đi vào mù quáng mà bất lực. Với những tên tuổi, sở thích thói quen, thậm chí là tất cả những bài hát của các sao được các bạn trẻ thuộc lòng như cơm bữa đã không còn là chuyện lạ. Có thể tìm mọi cách để giống thần tượng của mình từ kiểu tóc đến khuôn mặt dù phải trả giá bằng sức khỏe lẫn tiền bạc của cha mẹ. Vừa qua các bậc phụ huynh được một phen choáng váng khi chứng kiến con em mình với những cảnh chen lấn, xô đẩy giẫm đạp lên nhau để có thể tiến sát tới thần tượng của mình hơn. Một đêm diễn mà có đến 20 người ngất xỉu thì mọi người đủ hình dung ra được cuộc chiến tinh thần các teen dâng cao tới mức nào. Có thể nghỉ học đứng chực chờ cả ngày ở sân bay Nội Bài với những băng zôn khẩu hiệu để gặp nhóm thần tượng SUPER gồm 13 anh chàng điển trai phong độ đang làm nổi sóng gió, gây chấn động đình đám trong cuộc sống giới trẻ Việt. Và bàng hoàng hơn khi báo chí xôn xao đưa tin đầy phản cảm của một nhóm fan còn hôn cả ghế của thần tượng Bi Rain đã ngồi trong cuộc giao lưu tại Hà Nội, các bạn trẻ không ngần ngại hay xấu hổ với những cảnh tượng khóc lóc vật vã thảm thiết để rồi hạ thấp nhân cách của mình. Việc bày tỏ sự hâm mộ thần tượng chưa có một “quy chế” hay “chuẩn mực” nào quy định, bản thân mỗi người có một cách thể hiện riêng và khác nhau để thể hiện tình cảm, sự ngưỡng mộ của mình. Nhưng hâm mộ thần tượng đến mức trở thành “hội chứng”, “phát cuồng” thì thật là điều không nên mà giới trẻ cần phải suy nghĩ lại.
Mỗi tuần một chủ đề, tiểu mục "Nếu tôi là..." đón nhận các bài báo, phiếm luận, giả tưởng, clip... thể hiện quan điểm cá nhân, mang tính hiến kế, thể hiện sự vận động và định hướng của xã hội.

Bài viết được đăng sẽ nhận được các giải thưởng hấp dẫn của mỗi chủ đề.

Chủ đề tuần này (10-20/7): Hội chứng "cuồng" thần tượng

 Xem chi tiết về tiểu mục tại đây

Các bài viết xin gửi về cunglambao@giaoduc.net.vn

Tác giả có bài viết được đọc nhiều nhất xin mời đến toà soạn để nhận học bổng tiếng Anh. Tác giả có bài viết được chuyên mục bình chọn và bài viết được đăng liên hệ số điện thoại: 01252582843 để nhận thưởng
Nguyễn Gái