Nếu tôi là hiệu trưởng: Dạy võ thuật cho sinh viên báo chí

16/05/2012 14:53
Lan Anh
(GDVN) - Nghề báo vốn nguy hiểm. Vậy, tại sao lại không đưa võ thuật vào dạy trong các trường đào tạo báo chí?

Nhắc đến nghề báo có lẽ nhiều người sẽ nghĩ đến một ánh hào quang rực rỡ với hình ảnh những chàng trai, cô gái MC xinh đẹp, bảnh bao trên truyền hình, những phóng viên được tiếp xúc, gặp gỡ với những ngôi sao nỗi tiếng, những nhân vật quan trọng… mà quên mất đó chỉ là bề nổi, một phần nhỏ nhoi trong nghề nghiệp vốn được coi là "nghề nguy hiểm".

Nhà báo bị hành hung, thậm chí bị sát hại không còn là câu chuyện quá xa lạ trên thế giới. Theo Tổ chức Nhà báo không biên giới (RSF) công bố ngày 31/12/2010, số nhà báo bị sát hại trong năm này là 57 người, riêng Châu Á có 20 nhà báo bị sát hại, bên cạnh đó còn nhiều nhà báo bị bắt cóc đòi tiền chuộc…

Mới đây xảy ra vụ hai nhà báo của Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) bị hành hung tại huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên đã làm xôn xao dư luận. Hình ảnh hai nhà báo bị dùi cui đánh vào đầu làm không ít người phẫn nộ, hậu quả là hai nhà báo phải chịu những thương tổn nặng nề về thể xác cũng như tinh thần.

Ai cũng biết vũ khi lợi hại nhất của nhà báo là cây bút – có thể ca ngợi những điều tốt đẹp trong cuộc sống những cũng rất sắc bén khi phản ánh, vạch trần những tiêu cực trong xã hội. Nhưng ngòi bút chỉ làm tốt nhiệm vụ khi người cầm nó được bảo vệ khỏi những nguy hiểm rình rập trong quá trình điều tra. Nhưng nhà báo sẽ tự bảo vệ mình ra sao khi họ chỉ có cây bút?

Để trả lời câu hỏi này, có lẽ việc đưa võ thuật vào giảng dạy cho sinh viên báo chí là đáng xem xét. Bởi lẽ dạy nhà báo khi dấn thân vào nguy hiểm, thậm chí sẵn sàng đỗ máu và nước mắt để cho ra đời những tác phẩm mang hơi thở thời sự, “phanh phui” những mảng tối trong xã hội để đưa đến cho công chúng cái nhìn thật nhất về những sự việc gai góc, nhức nhối nhất đang tồn tại, đang diễn ra xung quanh chúng ta, nhưng họ lại không có phương tiện gì để tự bảo vệ mình trước những đối tượng có thể hành hung, đe doạ mình bất cứ lúc nào.

Do vậy, khi được dạy võ trong trường đại học, những thế hệ nhà báo tiếp theo có thể tránh được những hành vi đe dọa khi tác nghiệp. Vẫn biết nghề báo cần sự khôn khéo, xử lý tình huống linh hoạt nhưng việc biết võ vẫn giúp nhà báo tự vệ, chống lại những hành vi xâm hại cơ thể và tính mạng mình trong những tình huống bất ngờ. Biết võ cũng sẽ giúp nhà báo tự tin hơn khi thâm nhập thực tế để điều tra.

Hơn nữa, dạy võ cho sinh viên báo chí cũng góp phần rèn luyện cho các nhà báo tương lai những đức tính tốt như: tính nhẫn nại, kiên trì, dũng cảm, tâm lý vững vàng…, có thể phục vụ đắc lực cho nghề nghiệp của mình sau này.

Như vậy, bên cạnh những quy định của pháp luật, học võ chính là một trong những cách nhà báo tự bảo vệ mình trên con đường hoạt động nghề nghiệp, tránh được những rủi ro đáng tiếc.

 Mỗi tuần một chủ đề, tiểu mục "Nếu tôi là..." đón nhận các bài báo, phiếm luận, giả tưởng, clip... thể hiện quan điểm cá nhân, mang tính hiến kế, thể hiện sự vận động và định hướng của xã hội.

Bài viết được đăng sẽ nhận được các giải thưởng hấp dẫn của mỗi chủ đề.

Chủ đề tuần này (14/5- 20/5): Nghề báo - Nghề nguy hiểm

 Xem chi tiết về tiểu mục tại đây

Các bài viết xin gửi về cunglambao@giaoduc.net.vn

Lan Anh