Chuyện người thân, bạn bè vay nợ bị xã hội đen dùng điện thoại hăm dọa, khủng bố xảy ra ngày một nhiều hơn.
"Ngân hàng cột điện" giăng bẫy khắp nơi (Ảnh VTC) |
Phiền toái nhất là trong môi trường giáo dục, một thầy cô giáo nào đó dính vào chuyện vay nợ thì giáo viên cả trường ấy cũng chẳng được yên.
Những cuộc điện thoại bị khủng bố bất cứ lúc nào
Chuẩn bị vào tiết dạy, cô giáo M. giáo viên một trường trung học cơ sở nhận được một cuộc điện thoại lạ. Đầu dây bên kia hỏi: “Cô có phải là cô M. giáo viên của trường trung học cơ sở X?”
Tưởng phụ huynh hỏi về việc học của con nên cô M. nán lại ít giây để nói chuyện.
Bỗng nhiên người đàn ông nói lớn: “Thầy L. trong trường có vay của chúng tôi một số tiền, thầy ấy nói cô sẽ trả cho thầy ấy”.
Quá bất ngờ, cô M. nói ngay: “Tôi không biết chuyện này và tôi cũng không có tiền để trả”.
Tiếng người đàn ông gằn lên trong điện thoại: “Cô tưởng không trả mà yên à?”. Cô M. tắt máy và vào lớp dạy.
Tan tiết học, cô mở điện thoại ra thì hàng chục cuộc gọi nhỡ của chính số điện thoại lúc trước.
Thắc mắc vì sao thầy L. nợ tiền mà kẻ chủ nợ lại gọi điện đòi tiền mình?
Nhưng chưa kịp hỏi nguyên do, cô M. được một số đồng nghiệp khác trong trường cho biết mình cũng bị kẻ lạ mặt gọi điện hăm dọa và đòi tiền như vậy.
Nhận nhiều điện thoại đòi nợ nhất chính là Ban giám hiệu, Chủ tịch công đoàn nhà trường.
Một điều lạ, làm nhiều giáo viên thắc mắc: “Tại sao những chủ nợ này lại biết số điện thoại, họ tên, chức danh các thầy cô đang đảm nhiệm trong trường? Để khi gọi đến chủ nợ gọi và nêu tên đích danh như những người quen biết?”
Đổ nợ vì thiếu thông tin về tín dụng đen “ngân hàng cột điện”
Sự việc xảy ra, đương nhiên các tổ chức trong nhà trường đã gặp gỡ thầy L. để xác định và tìm hiểu.
Thầy L. cho biết do cần một khoản tiền để lo một số việc trong gia đình nhưng chẳng biết vay mượn nơi nào (ngân hàng cũng đã vay cả rồi) thấy “ngân hàng cột điện” quảng cáo thủ tục vay nhanh, lãi xuất ưu đãi nên đã đăng ký vay ngay.
Quả thủ tục vay nhanh đến bất ngờ, chỉ hơn tiếng đồng hồ là thầy L. đã có được số tiền mình cần.
Số tiền thầy L. vay là 10 triệu đồng, cam kết trả mỗi ngày 400 ngàn đồng, trả trong 30 ngày. Nếu sau 3 ngày không trả sẽ tính lãi thêm một ngày.
Thế là 10 triệu đồng một tháng phải trả 12 triệu, có tháng trả chậm lên tới 15, 16 triệu/tháng.
Và tháng tiếp theo mỗi ngày phải trả 500, 600 hoặc 700 ngàn đồng như vậy.
Do lương nhận hàng tháng, nên ngày lo đủ 500 ngàn trả nợ cũng chẳng dễ dàng gì.
Thế là, thầy liên tục bị sai hẹn và tiền vay đội lên hàng tháng.
Đâu chỉ lãi mẹ đẻ lãi con mà lãi cháu, lãi chắt, lãi chút, lãi chít cứ thể sinh sôi nảy nở hằng ngày.
Mất khả năng chi trả, nhân viên “ngân hàng cột điện lại dụ người vay, vay tiếp số tiền mới trả để đáo hạn…và cứ thế, cứ thế cho đến lúc thầy L. hoàn toàn mất khả năng chi trả.
Chúng bắt đầu dùng thủ đoạn tấn công người thân, đồng nghiệp để uy hiếp.
Thường thì khi lâm vào tình cảnh nợ nần phần đông giáo viên ngậm đắng nuốt cay tìm mọi cách xoay xở để kiếm tiền trả nợ mà không dám trình báo công an dù ngay cả khi bị đe dọa đến tính mạng vì sợ mất uy tín.
Bộ trưởng Công an Tô Lâm đã khẳng định: “Từ người vay và cho vay tín dụng đen đều có dấu hiệu của tội phạm”.
Bởi thế, hiểu rõ về tín dụng đen để tránh xa cũng là cách giúp cho giáo viên không vi phạm pháp luật.