Ngành Cấp thoát nước khó tuyển vì thí sinh lo ngại công việc vất vả, kém sang

22/03/2024 06:27
Tường San
0:00 / 0:00
0:00

GDVN -Có chính sách ưu đãi đầu vào nhưng chưa có chính sách đầu ra phù hợp nên các trường nghề thường rất khó thu hút người học vào ngành Cấp thoát nước.

Trước nhu cầu về phát triển đô thị, nhu cầu bảo vệ môi trường nước và sử dụng nguồn nước sạch ngày càng gia tăng, tất yếu cũng đòi hỏi cần có nhiều đội ngũ nhân lực về cấp thoát nước có kỹ năng và trình độ đáp ứng. Tuy nhiên, chia sẻ từ một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp cho thấy, họ gặp nhiều khó khăn trong việc tuyển sinh ngành học này, thậm chí có những năm không thể mở được lớp.

Ít người học lựa chọn vì cho rằng nghề cấp thoát nước vất vả, kém sang

Trường Cao đẳng Phương Đông (Quảng Nam) là một trong những cơ sở giáo dục nghề nghiệp đang đào tạo ngành học Cấp thoát nước. Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sỹ Huỳnh Ngọc Hợi - Hiệu trưởng nhà trường cho hay, cấp thoát nước có vai trò rất quan trọng trong việc bảo vệ môi trường, đảm bảo chất lượng cuộc sống nhằm giúp cho xã hội được phát triển khỏe mạnh, bền vững hơn; góp phần vào sự phát triển của kinh tế đất nước.

capthoatnuoc.jpg
Ảnh minh họa (Nguồn: Website Trường Cao đẳng Phương Đông).

Theo thầy Hợi, trong bối cảnh xã hội ngày càng hiện đại và phát triển như hiện nay, nhu cầu về việc sử dụng nước trong sinh hoạt cũng ngày càng tăng cao.

Có thể thấy rằng, nguồn nước là không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày, đặc biệt là với thực trạng quá trình đô thị hóa đang diễn ra nhanh chóng, biến đổi khí hậu, thiên tai đã và đang ảnh hưởng mạnh mẽ đến các vấn đề về nguồn nước,... Nhu cầu này càng cấp thiết hơn đối với các tỉnh/thành thuộc khu vực miền Trung - Tây Nguyên, nơi dễ bị ảnh hưởng bão lũ, gây ngập lụt, ngập úng, chất lượng đời sống nên càng có nhu cầu về nước sạch để sử dụng trong ăn uống, sản xuất nông nghiệp,...

Ngoài ra, công việc của người làm việc về lĩnh vực cấp thoát nước còn liên quan đến các mảng xây dựng khác như xây dựng dân dụng (lắp đặt đường ống, lắp đặt thiết bị, lắp đặt hệ thống thoát nước…); liên quan đến công việc vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa trạm bơm thoát nước, cấp nước, trạm xử lý nước cấp... tại các công trình thủy lợi.

Chính vì vậy, theo thầy Hợi, cơ hội việc làm cho người học sau khi tốt nghiệp ngành Cấp thoát nước cũng rất đa dạng, phong phú.

Theo đó, sau khi tốt nghiệp, các em có thể làm kỹ sư, quản lý dự án, làm việc tại phòng nghiên cứu và phát triển nguồn nước, phòng hỗ trợ kỹ thuật; công nhân tại các công ty, doanh nghiệp cấp thoát nước cả ở khu vực nhà nước và khu vực tư nhân. Tuy nhiên, để đảm cơ hội việc làm cho người học cần phải có sự kết hợp chặt chẽ giữa doanh nghiệp và nhà trường.

Cũng theo thầy Hợi, Cấp thoát nước là một trong những ngành thuộc danh mục ngành, nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm trình độ trung cấp, cao đẳng theo Thông tư 05/2023/TT-BLĐTBXH của Bộ lao động - Thương binh và xã hội.

Tuy nhiên, mức lương của người học sau khi tốt nghiệp ngành học này lại chưa tương xứng với sự vất vả, nặng nhọc của công việc thực tế, trung bình chỉ vào khoảng 7-8 triệu đồng/tháng. Vậy nên, dù có chính sách ưu đãi đầu vào nhưng chưa có chính sách ưu đãi đầu ra phù hợp nên các trường nghề thường rất khó thu hút người học vào ngành Cấp thoát nước.

Thầy Hợi chia sẻ, những năm gần đây, nhà trường đặt ra chỉ tiêu mỗi năm là 100 người cho ngành học Cấp thoát nước nhưng đều tuyển sinh không đạt chỉ tiêu, thậm chí có những năm không thể mở được lớp học bởi nhiều lý do.

Trong đó, nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ xu hướng tâm lý chung hiện nay là nhiều em không muốn làm những công việc nặng nhọc, vất vả như cấp thoát nước; nhiều phụ huynh và học sinh thiếu nhận thức về thông tin, nhu cầu của xã hội và thị trường lao động của ngành nghề này; sự cạnh tranh từ các ngành nghề khác và cả từ các trường đại học; hầu hết các trường trung học phổ thông còn thiếu sự hỗ trợ cho các trường nghề trong công tác tuyển sinh, …

Cũng chính vì những khó khăn như vậy, nhiều cơ sở đào tạo hiện nay không còn mặn mà tuyển sinh và đào tạo với ngành học Cấp thoát nước mà chủ yếu chạy theo những ngành nghề xu thế mới.

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác tuyển sinh, thầy Hợi cho biết, nhà trường đã đưa ra nhiều giải pháp như thực hiện công tác tuyển sinh, hướng nghiệp chuyên sâu cho các em học sinh về ngành học; đưa các em đến trực tiếp nhà trường để thấy được mô hình, cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ đào tạo; hợp tác với các doanh nghiệp tư nhân trên địa bàn để đưa học sinh đi tham quan hệ thống những công trình cấp thoát nước, hệ thống vận hành nước,.. , giúp các em hiểu sâu hơn về công việc của người làm lĩnh vực cấp thoát nước; đồng thời đưa ra những chế độ ưu đãi đầu vào của nhà nước và nhà trường đối với ngành học Cấp thoát nước.

Cùng chia sẻ thông tin về ngành học trên, Thạc sỹ Nguyễn Anh Đức - Trưởng khoa Cơ khí xây dựng (Trường Cao đẳng Cơ giới xây dựng) cho hay, Cấp thoát nước là một ngành học quan trọng. Thực tiễn đã chỉ ra rằng, trong bối cảnh ở Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung đang đòi hỏi nhiều nhân lực về cấp thoát nước nhằm giải quyết các bài toán thoát nước, ngập lụt trong đô thị, xử lý nước thải, các công nghệ xử lý nước sạch để phục vụ nhu cầu sinh hoạt, công nghiệp của mỗi quốc gia.

Thống kê của Hội cấp thoát nước Việt Nam cho thấy, từ nay đến năm 2025, nước ta cần khoảng hơn 8000 kỹ sư, chuyên gia về cấp thoát nước để thiết kế, vận hành và thi công các cơ sở hạ tầng trong ngành thoát nước, phân phối nước và xử lý nước thải.

Hơn nữa, trong bối cảnh tài nguyên nước đang chịu những ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu; ngày càng nhiều cơ sở sản xuất, các khu công nghiệp trong và ngoài nước đến đầu tư tại Việt Nam, hơn bao giờ hết, nhu cầu nhân lực cho ngành cấp thoát nước lại tăng lên, đồng thời cũng đòi hỏi nâng cao cả về số lượng và chất lượng.

Về cơ hội việc làm, thầy Đức cho biết, sau khi tốt nghiệp ngành Cấp thoát nước hệ trung cấp, cao đẳng, người học sẽ có kiến thức, kỹ năng để phụ trách về mảng nước, cấp thoát nước, điện nước, xử lý đường ống nước,... làm việc tại các doanh nghiệp về cấp thoát nước ở cả trong nước và tại các thị trường nước ngoài như Nhật Bản và Hàn Quốc theo các chương trình hợp tác và liên kết, du học của nhà trường hoặc tự làm việc độc lập. Mức lương sau khi ra trường của các em đi làm ở các doanh nghiệp, công ty trong nước thường vào khoảng từ 8 – 10 triệu đồng/ tháng.

Tuy nhiên, thầy Đức bày tỏ, hiện nay, số người học quan tâm, đăng ký và lựa chọn theo học ngành Cấp thoát nước rất ít.

Hiện nhà trường đang tuyển sinh hệ trung cấp và cao đẳng cho ngành học này nhưng đối với hệ cao đẳng gần như không có người đăng ký, số người học đăng ký vào hệ trung cấp cũng rất thấp bởi người học không có nhu cầu; phụ huynh lo ngại con em phải học và làm ngành nghề này vì cho rằng đây là công việc vất vả, không lịch sự, kém sang. Đây cũng là khó khăn chung của nhiều trường nghề đang đào tạo ngành học này.

Cũng theo thầy Đức, thực tế hiện nay, các em chủ yếu chọn vào ngành nghề liên quan đến điện tử, cơ điện tử hay công nghệ ô tô thay vì chọn các ngành học thuộc lĩnh vực điện nước như Cấp thoát nước hay lĩnh vực cơ khí dù các doanh nghiệp đến xin tuyển dụng người lao động rất nhiều. Điều này có thể gây ra thực trạng mất cân đối về ngành nghề trong tương lai

Cùng đồng tình với những khó khăn hiện nay đối với công tác tuyển sinh ngành Cấp thoát nước do người học hiện nay chỉ chủ yếu lựa chọn các ngành học xu hướng về điện, ô tô, thầy Lê Công Minh - Trưởng khoa Xây dựng (Trường Cao đẳng Trung bộ) cho biết, đã 2 năm nay, trường không mở được lớp cho ngành học này.

Theo thầy Minh, trong xu thế hiện nay, đây là ngành nghề có vai trò rất quan trọng để phục vụ cho đời sống của con người nói chung, từ các vùng nông thôn cho đến các khu đô thị. Tuy nhiên, từ trước đến nay, việc tuyển dụng nguồn lao động về cấp thoát nước tại các nơi sử dụng lao động thường không đòi hỏi về trình độ mà chỉ cần là lao động phổ thông. Do đó, nhiều em cũng ngại học ngành Cấp thoát nước.

Trong khi đó, với xu thế khoa học công nghệ ngày càng phát triển như hiện nay, các vật liệu trong ngành nước cũng phát triển rất mạnh càng đòi hỏi về nguồn nhân lực có kỹ năng, trình độ nhiều hơn nữa trong tương lai.

Không những vậy, vị trí việc làm cho người học sau khi tốt nghiệp ngành Cấp thoát nước hiện nay vẫn còn hạn chế vì chủ yếu chỉ làm các công việc về khai thác, xử lý, cung cấp và phân phối nước tại các nhà máy nước sạch.

Cần nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng của ngành Cấp thoát nước

Mặt khác, về công tác đào tạo, Hiệu trường Trường Cao đẳng Phương Đông cho biết thêm, nhà trường có thuận lợi khi có sự hỗ trợ của các doanh nghiệp tư nhân để hỗ trợ học sinh, sinh viên khi đi thực hành, thực tập để các bạn quen dần với môi trường làm việc.

capthoatnuoc-2.jpg
Ảnh minh họa (Nguồn: Website Trường Cao đẳng Phương Đông).

Bên cạnh đó, nhà trường cũng luôn nâng cao trình độ của đội ngũ cán bộ, giảng viên; tổ chức những chương trình hội thảo với sự chia sẻ từ các chuyên gia để góp phần vào việc xây dựng và phát triển chương trình đào tạo; tổ chức các buổi tọa đàm chia sẻ từ các cựu sinh viên nhà trường để đào tạo thêm các kỹ năng mềm, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng nghề chuyên sâu cho người học.

Tuy nhiên, trường nghề ngoài công lập như Trường Cao đẳng Phương Đông gặp khó khăn nhiều hơn so với các trường công lập do thiếu sự hỗ trợ của nhà nước về cơ chế tài chính nên thu hút về chuyên gia đầu ngành, khó khăn trong quá trình quản lý,...

Nhân kỷ niệm Ngày nước Thế giới 22/03, thầy Hợi mong rằng, chính phủ, các bộ, ban, ngành có liên quan cần có sự đầu tư vào cơ sở hạ tầng, nguồn lực; có những chiến lược phát triển chương trình giáo dục, nâng cao nghiên cứu trong lĩnh vực cấp thoát nước nhằm giúp người học mới nhận thấy được tầm quan trọng ngành học này.

Không những vậy, phải có những chính sách thu hút doanh nghiệp để thúc đẩy họ tham gia vào đào tạo, hỗ trợ việc làm cho học sinh, sinh viên cùng nhà trường; bản thân các doanh nghiệp cũng cần có những chế độ thu hút, đãi ngộ với những người có tài năng trong lĩnh vực cấp thoát nước; mức thu nhập tương xứng với độ vất vả, nặng nhọc cho những người lao động làm công việc này.

Từ đó mới đảm bảo cho nhu cầu về nguồn nhân lực cấp thoát nước hiện tại và trong tương lai.

Nhằm đáp ứng cho nhu cầu của xã hội về nguồn nhân lực cấp thoát nước trong thời gian tới, Trưởng khoa Cơ khí xây dựng (Trường Cao đẳng Cơ giới xây dựng) mong rằng, nhà nước cần có giải pháp cụ thể hơn như đưa ra những chính sách hỗ trợ người học về kinh phí đào tạo, đầu tư trang thiết bị hiện đại cho các cơ sở đào tạo nghề để đáp ứng kịp thời với sự phát triển của xã hội hiện đại.

Trưởng khoa Xây dựng (Trường Cao đẳng Trung bộ) cũng đưa ra một số kiến nghị, giải pháp để góp phần giúp cho việc tuyển sinh, đào tạo ngành Cấp thoát nước được phát triển tốt hơn nữa trong tương lai.

Theo thầy Minh, các nhà quản lý cần phải có những chế độ ưu tiên đối với nghề này bởi vì đây là công việc tương đối nặng nhọc, vất vả; phải tuyên truyền cho người dân hiểu được tầm quan trọng của nguồn nước sạch và việc sử dụng nước sạch; các cơ sở đào tạo phải cải tiến chương trình để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, tránh việc doanh nghiệp phải đào tạo lại, gây ra khó khăn cho người học sau khi tốt nghiệp ra trường đi tuyển dụng.

Tường San