Ngành GD TP.HCM hướng dẫn nhiệm vụ giáo dục trung học năm 2022-2023 có gì mới?

11/09/2022 06:58
Ánh Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nâng cao chất lượng dạy học tại một số địa bàn còn khó khăn nhằm đạt mức tiến bộ chung của Thành phố là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của năm học 2022-2023.

Ngày 6/9/2022, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh ban hành Công văn số 3157/SGDĐT-GDTrH về việc hướng dẫn nhiệm vụ giáo dục trung học năm học 2022-2023.

Theo đó, Sở hướng dẫn các Phòng Giáo dục và Đào tạo quận, huyện, thành phố Thủ Đức và các trường trung học phổ thông, trường phổ thông nhiều cấp học thực hiện nhiệm vụ giáo dục trung học năm học mới có một số nội dung đáng chú ý như sau.

Tinh giảm nội dung dạy học theo Công văn số 4040

Nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên tại các trường trung học nhằm nâng cao năng lực tự chủ, xây dựng kế hoạch trung hạn và kế hoạch giáo dục nhà trường phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ để nâng cao chất lượng giáo dục;

Chú trọng duy trì và nâng cao chất lượng học sinh lớp cuối cấp; phát huy vai trò của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục để nâng cao chất lượng giáo dục nhà trường trong đó đặt nhiệm vụ trọng tâm là nâng cao chất lượng dạy học tại một số địa bàn còn khó khăn nhằm đạt mức tiến bộ chung của Thành phố.

Hiệu trưởng tổ chức xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình của từng môn học, hoạt động giáo dục bảo đảm thời lượng quy định trong chương trình và bố trí dạy học trong mỗi học kì một cách hợp lý, khoa học.

Kế hoạch dạy học các môn học thực hiện trong năm học 2022-2023 cần lưu ý việc củng cố, bổ sung những nội dung có liên quan ở lớp học dưới; những kiến thức, kĩ năng còn hạn chế do phải học trực tuyến, học trên truyền hình hoặc các hình thức học tập khác trong các năm học trước vì Covid-19 và tinh giảm nội dung dạy học theo Công văn số 4040/BGDĐT-GDTrH.

Đối với Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, giáo viên được phân công đảm nhận nội dung hoạt động nào phải có năng lực chuyên môn phù hợp với nội dung hoạt động đó.

Giáo viên được phân công đảm nhận các nội dung hoạt động của chương trình Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp thực hiện đúng nhiệm vụ của giáo viên thực hiện chương trình Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; phân định rõ nhiệm vụ thực hiện chương trình Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp với nhiệm vụ của giáo viên làm chủ nhiệm lớp theo quy định hiện hành.

Ảnh minh họa: P.L/giaoduc.net.vn

Ảnh minh họa: P.L/giaoduc.net.vn

Chú trọng dạy học trên hệ thống quản lý học tập (LMS)

Thực hiện có hiệu quả việc triển khai Chương trình mới ở khối lớp 7, lớp 10 với các điều chỉnh theo Nghị quyết số 63/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội; tập huấn, bồi dưỡng triển khai dạy học trên nền tảng chuyển đổi số, định hướng giáo dục thông minh;

- Đối với các lớp thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2006: thực hiện dạy học theo hướng dẫn tại Công văn số 3280/BGDĐT-GDTrH ngày 27/8/2020 về việc hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông.

Khi xây dựng kế hoạch dạy học các môn học, lưu ý tăng cường bổ trợ các nội dung theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 để chuẩn bị cho học sinh lớp 9 học lên lớp 10 theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

- Đối với các lớp thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018: thực hiện theo hướng dẫn tại Công văn số 1496/BGDĐT-GDTrH.

Đối với môn Lịch sử, thực hiện theo Chương trình giáo dục phổ thông môn Lịch sử ban hành kèm theo Thông tư số 13/2022/TT-BGDĐT ngày 03/8/2022; sử dụng sách giáo khoa Lịch sử lớp 10 đã được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt để sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông. Đối với các môn chuyên cấp trung học phổ thông thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục (có văn bản hướng dẫn riêng).

Thực hiện dạy học với hệ thống quản lý học tập (LMS); chú trọng thực hiện dạy học thông qua các khóa học được tổ chức trên hệ thống LMS để phát huy khả năng tự học, đọc, nghiên cứu bài học của học sinh theo hướng dẫn của giáo viên;

Linh hoạt khi thực hiện thời khóa biểu (trên Internet trong giai đoạn giãn cách xã hội, trực tiếp trên lớp khi học sinh đến trường học trực tiếp) và phát huy hiệu quả của hệ thống LMS để ôn tập, củng cố hoàn thiện kiến thức theo định hướng mở rộng không gian, thời gian tổ chức hoạt động học cho học sinh.

Thực hiện Đề án “Giáo dục thông minh và học tập suốt đời giai đoạn 2020-2030”, các trường trung học hướng dẫn các tổ/nhóm bộ môn thực sinh hoạt chuyên môn theo định hướng nghiên cứu bài học, xây dựng các khóa học trên hệ thống LMS, xây dựng học liệu số hướng đến hoàn thiện kho học liệu điện tử dùng chung theo định hướng của Đề án.

Không kiểm tra, đánh giá đối với các nội dung tinh giản

Thực hiện việc đánh giá học sinh trung học cơ sở và học sinh trung học phổ thông theo quy định; xây dựng kế hoạch kiểm tra, đánh giá phù hợp với kế hoạch dạy học; không kiểm tra, đánh giá vượt quá yêu cầu cần đạt hoặc mức độ cần đạt của chương trình giáo dục phổ thông; không kiểm tra, đánh giá đối với các nội dung tinh giản theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục.

Điều chỉnh đổi mới kiểm tra, đánh giá đối với Chương trình giáo dục phổ thông cho khối lớp 8, 9 và khối lớp 11, 12 đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng dạy học song song với việc triển khai thực hiện kiểm tra, đánh giá theo chương trình quy định của chương trình giáo dục phổ thông 2018;

Tăng cường hiệu quả hoạt động giáo dục theo định hướng giáo dục STEM; đẩy mạnh hoạt động học sinh tham gia nghiên cứu khoa học; nâng cao hiệu quả công tác giáo dục hướng nghiệp, phân luồng trung học cơ sở và trung học phổ thông; tiếp tục đổi mới công tác quản trị, tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cơ sở giáo dục phổ thông.

Thực hiện thường xuyên, hiệu quả các phương pháp, hình thức và kĩ thuật dạy học tích cực; đổi mới phương thức đánh giá học sinh; tích cực đổi mới nội dung, phương thức giáo dục hướng nghiệp gắn với thực tiễn sản xuất, kinh doanh tại địa phương; tăng cường phân cấp quản lý, thực hiện quyền tự chủ của nhà trường trong việc thực hiện kế hoạch giáo dục.

Phát huy nguồn lực hiện có, thực hiện chủ trương xã hội hóa giáo dục đúng quy định nhằm triển khai có kết quả các chương trình, đề án, kế hoạch của thành phố để triển khai tại các cơ sở giáo dục trung học.

Phân luồng học sinh sau trung học

Nâng cao chất lượng giáo dục hướng nghiệp trong các cơ sở giáo dục trung học, trong đó tập trung đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục hướng nghiệp; phát triển đội ngũ giáo viên kiêm nhiệm làm nhiệm vụ tư vấn, hướng nghiệp;

Huy động nguồn lực xã hội tham gia giáo dục hướng nghiệp; tổ chức khảo sát nhu cầu học tập các môn học lựa chọn, cụm chuyên đề học tập của học sinh lớp 9 để chủ động chuẩn bị cho học sinh vào học lớp 10;

Tăng cường tư vấn hướng nghiệp theo định hướng nghề nghiệp cấp trung học phổ thông. Tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện giáo dục STEM trong trường trung học theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục, bảo đảm chất lượng, hiệu quả.

Định hướng hiệu quả việc phân luồng học sinh sau trung học cơ sở và sau trung học phổ thông theo học các chương trình giáo dục, đào tạo phù hợp với năng lực, sở trường, nguyện vọng của học sinh; tạo môi trường hỗ trợ khởi nghiệp trong trường trung học; tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trang bị kiến thức, kỹ năng về lựa chọn nghề nghiệp, khởi nghiệp nhằm thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, lập nghiệp của học sinh trung học.

Chuẩn bị cho kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông

Chuẩn bị tốt cho việc tổ chức kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông tại địa phương và các kì thi, cuộc thi cấp quốc gia, quốc tế, đảm bảo công bằng, khách quan, trung thực theo hướng dẫn của Sở (có văn bản hướng dẫn riêng).

Ngoài ra, để cụ thể hóa nhiệm vụ giáo dục trung học năm học 2022-2023, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã đề ra 9 giải pháp thực hiện. Bạn đọc có thể xem thêm nội dung chi tiết các giải pháp tại đây.

Ánh Dương