Ngành Khoa học chế biến món ăn không đơn thuần chỉ là việc nấu nướng, đây là một lĩnh vực khoa học tập trung vào nghiên cứu và phát triển các phương pháp, kỹ thuật và công nghệ để chế biến thức ăn một cách tối ưu, sáng tạo. Từ việc lựa chọn nguyên liệu, quá trình nấu nướng… tất cả đều được nghiên cứu kỹ lưỡng để đảm bảo hương vị, dinh dưỡng và an toàn thực phẩm.
Tại Trường Đại học Công thương Thành phố Hồ Chí Minh, ngành Khoa học chế biến món ăn ra đời từ năm 2018 và trở thành ngành học trọng điểm của trường, tạo ra nhiều cơ hội nghề nghiệp, đẩy mạnh sự sáng tạo trong nghệ thuật ẩm thực.
Ngành học yêu cầu niềm đam mê, sự kiên nhẫn và tỉ mỉ trong công việc
Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ Phạm Thái Sơn – Giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông, Trường Đại học Công thương Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, sinh viên học ngành Khoa học chế biến món ăn sẽ được trang bị kiến thức về các nguyên lý khoa học trong chế biến thực phẩm, dinh dưỡng, an toàn vệ sinh thực phẩm và quản lý chất lượng thực phẩm.
Ngoài ra, sinh viên học ngành này cũng sẽ học kỹ năng thực hành chế biến món ăn từ cơ bản đến nâng cao, kỹ năng sáng tạo món ăn mới, và kỹ năng quản lý bếp ăn chuyên nghiệp. Đặc biệt nhà trường có trung tâm thực hành trong trường, trang bị hiện đại và sang trọng như trong khách sạn, sinh viên vừa được học lý thuyết, vừa được học thực hành.
Cũng theo thầy Sơn, ngành Khoa học chế biến món ăn không chỉ đơn thuần là học cách chế biến các món ăn ngon mà còn là việc hiểu sâu về các nguyên liệu, kỹ thuật chế biến, và cả văn hóa ẩm thực.
Đồng thời, sinh viên còn được học về cách tối ưu hóa dinh dưỡng, quản lý an toàn thực phẩm, phát triển và cải tiến công thức món ăn, cũng như nghiên cứu các phương pháp chế biến mới và bền vững. Sinh viên trong ngành này phải trải qua nhiều khóa học thực hành, từ việc nắm bắt kỹ thuật cơ bản đến việc thử nghiệm và sáng tạo các món ăn mới.
Cùng với đó, sinh viên cũng học về quản lý và vận hành bếp ăn công nghiệp, nhà hàng và khách sạn, kỹ năng giao tiếp trong môi trường nấu nướng chuyên nghiệp.
Vì thế, ngành học này không chỉ đòi hỏi kiến thức chuyên môn, kỹ năng nấu nướng mà là sự đam mê, sự cống hiến và đặc biệt tính kiên trì. Những ai chọn lựa ngành học này không chỉ đang chọn một nghề nghiệp mà còn đang chọn một phong cách sống, một niềm đam mê và kiên trì để thực hiện sứ mệnh của mình trong thế giới ẩm thực đầy màu sắc và hấp dẫn.
Bên cạnh đó, ngành Khoa học chế biến món ăn không chỉ đơn thuần là ngành học yêu cầu sự kiên nhẫn, tinh tế mà còn cần không ngừng học hỏi. Vì vậy, sinh viên cần có đam mê và yêu thích ẩm thực và tỉ mỉ trong công việc. Kỹ năng sáng tạo và khả năng cảm nhận hương vị tốt cũng là những yếu tố quan trọng. Bên cạnh đó, kỹ năng làm việc nhóm, khả năng chịu áp lực cao, và kỹ năng quản lý thời gian cũng cần thiết để thành công trong ngành này.
Sinh viên tốt nghiệp ngành Khoa học chế biến món ăn có thể làm việc ở vị trí nào?
Ngành Khoa học chế biến món ăn tại Việt Nam đang trải qua giai đoạn phát triển mạnh mẽ, mở ra nhiều cơ hội nghề nghiệp hấp dẫn, theo thầy Sơn, với kiến thức và kỹ năng chuyên môn, sinh viên học ngành này có thể làm việc tại các vị trí công việc trong nhiều lĩnh vực khác nhau, từ ẩm thực tới an toàn thực phẩm và nghiên cứu.
Sinh viên tốt nghiệp ngành Khoa học chế biến món ăn có thể làm việc ở nhiều vị trí khác nhau như đầu bếp chuyên nghiệp, quản lý bếp ăn công nghiệp, chuyên gia nghiên cứu và phát triển sản phẩm thực phẩm, chuyên viên kiểm soát chất lượng thực phẩm, và chuyên viên tư vấn dinh dưỡng.
Đồng thời, với những sinh viên muốn khởi nghiệp cũng có thể mở nhà hàng hoặc kinh doanh dịch vụ ẩm thực riêng. Với sự phát triển của ngành du lịch và ẩm thực, cơ hội nghề nghiệp của lĩnh vực này ngày càng được mở rộng.
Ngoài ra, để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho sinh viên trong quá trình học tập, Trường Đại học Công thương Thành phố Hồ Chí Minh có mối quan hệ hợp tác với nhiều doanh nghiệp và nhà hàng lớn như hệ thống nhà hàng Hoàng Yến, Tập đoàn Lotte, và khách sạn Sherato... để tạo cơ hội thực tập và việc làm cho sinh viên.
Bên cạnh đó, trường cũng có nhiều chương trình học bổng từ các đối tác như học bổng từ công ty Acecook, và học bổng từ các tổ chức phi lợi nhuận nhằm hỗ trợ sinh viên có thành tích học tập xuất sắc hoặc có hoàn cảnh khó khăn.
Bạn Nguyễn Ngọc Gia Bình, sinh viên ngành Khoa học chế biến món ăn, Trường Đại học Công thương Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, trong chương trình học, sinh viên luôn được học lý thuyết đi kèm thực hành.
Nhà trường cũng có phòng thực hành với đầy đủ dụng cụ cho sinh viên được trải nghiệm thực tế, giúp sinh viên hiểu rõ được công việc sau này sẽ làm.
“Sinh viên trong ngành này phải trải qua nhiều khóa học thực hành, từ việc nắm bắt kỹ thuật cơ bản đến việc thử nghiệm và sáng tạo các món ăn mới. Mỗi món ăn không chỉ là sản phẩm, mà là một tác phẩm nghệ thuật được tạo ra với trái tim và tâm huyết của mình.
Ngoài các công việc chế món ăn hay nấu nướng, để có cơ hội thăng tiến thành một bếp trưởng hay đầu bếp chuyên nghiệp sinh viên cũng cần biết các kiến thức về cách sử dụng dao, các phương pháp làm chín thực phẩm, cách lên thực đơn cũng như cách chọn nguyên liệu chuẩn, tính toán chi phí hợp lý”, Bình chia sẻ
Bạn Đinh Thị Phương Thanh, sinh viên ngành Khoa học chế biến món ăn, Trường Đại học Công thương Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Để học tốt ngành này, sinh viên cần có sự yêu thích với ẩm thực đồng thời cần kiên trì, có tính kỷ luật bởi ngành Khoa học chế biến món ăn không đơn thuần là việc học cách nấu các món ăn ngon, vì vậy người học phải có tính cống hiến và kiên nhẫn, tìm tòi, ứng dụng và biết phối hợp và làm việc nhóm để phát triển nghề nghiệp.
Bên cạnh đó, nhà trường có phòng thực hành chuyên nghiệp như nhà hàng, khách sạn giúp sinh viên được trải nghiệm môi trường nấu nướng chuyên nghiệp.
Đồng thời, sinh viên cũng cần học cách sử dụng thành thạo các dụng cụ nấu ăn, chú trọng, tối ưu hóa quy trình sản xuất, đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm”
Tại Trường Đại học Công thương Thành phố Hồ Chí Minh, ngành Khoa học chế biến món ăn ra đời từ năm 2018 và trở thành ngành học trọng điểm của trường. Chương trình đào tạo ngành Khoa học chế biến món ăn được tích hợp giữa Khoa học thực phẩm với nghệ thuật ẩm thực. Ngành học trang bị cho sinh viên sự nghiệp làm đầu bếp; có khả năng nghiên cứu, hiểu biết về công nghệ thực phẩm trong phát triển sản phẩm, bếp thử nghiệm và trung tâm ẩm thực và năng lực quản lý.
Chương trình được xây dựng dựa trên sự tham khảo chương trình đào tạo cùng ngành của các trường: Culinary Science, The Culinary Institute of America College, Culinary Science, Johnson and Wales University và đặc biệt được xây dựng trên cơ sở kỹ năng nghề theo tiêu chuẩn nghề Du lịch Việt Nam (VTOS) - nghề chế biến món ăn và tiêu chuẩn nghề quốc gia – nghề chế biến món ăn. Sinh viên tốt nghiệp ngành Khoa học món ăn có nhiều cơ hội làm việc, khẳng định cá nhân, trở thành những đầu bếp nổi tiếng, làm việc trong các nhà hàng, khách sạn có uy tín.