Ngành Logistics: Nơi khó tổ chức cho SV đi thực hành, nơi chưa thu hút GV trẻ

24/09/2023 06:38
Ngọc Mai
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Yêu cầu tuyển dụng giảng viên cao (trình độ tiếng Anh), tổ chức cho sinh viên năm 2, 3 đi thực hành tại doanh nghiệp là khó khăn trong đào tạo Logistics.

Chính phủ ban hành Quyết định số 221/QĐ-TTg ngày 22/02/2021 sửa đổi, bổ sung Quyết định số 200/QĐ-TTg ngày 14/02/2017 về việc phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025, trong đó đã nhấn mạnh và chú trọng việc đào tạo nguồn nhân lực được cấp văn bằng quốc tế về logistics và coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng yếu.

Đặc biệt, theo một số chuyên gia, để đạt được mục tiêu đưa Việt Nam trở thành một đầu mối logistics của khu vực, việc chú trọng đào tạo đội ngũ nhân lực cho lĩnh vực logistics là rất cấp thiết.

Về vấn đề này, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Đình Chiến - Phó Trưởng khoa Khoa Thuế và Hải quan, Học viện Tài chính chia sẻ, năm 2023 là năm thứ 6 Học viện đào tạo chuyên ngành Hải quan và Logistics (chương trình chất lượng cao). Điểm trúng tuyển ngành Hải quan và Logistic năm 2023 là 27 điểm.

Số lượng sinh viên đầu vào của chuyên ngành bình quân 1 năm là gần 150 chỉ tiêu. Hầu hết sinh viên trong quá trình học có thể làm thêm các công việc liên quan đến chuyên ngành ở một số doanh nghiệp. Tỷ lệ sinh viên ra trường sau 1 năm có việc làm đúng ngành là 98%.

“Mức lương bình quân của sinh viên mới ra trường khi làm việc đúng chuyên ngành Hải quan và Logistics ở các doanh nghiệp trong nước có thể lên đến gần 20 triệu đồng/tháng”, thầy Chiến chia sẻ.

Đoàn giáo viên và sinh viên chuyên ngành Hải quan và Logistics chất lượng cao Học viện Tài chính đi thực tế tại Cục Hải quan tỉnh Quảng Ninh. (Ảnh: NTCC).

Đoàn giáo viên và sinh viên chuyên ngành Hải quan và Logistics chất lượng cao Học viện Tài chính đi thực tế tại Cục Hải quan tỉnh Quảng Ninh. (Ảnh: NTCC).

Theo thầy Chiến, sinh viên học chuyên ngành Hải quan và Logistics chất lượng cao của trường được đào tạo theo chuẩn chương trình chung và đào tạo theo định hướng của một số chứng chỉ nghề nghiệp về lĩnh vực hải quan và logistics. Do đó, sau khi tốt nghiệp, sinh viên có thể đăng ký tham gia thi và nhận các chứng chỉ gồm: chứng chỉ Diploma quốc tế về Logistics, chứng chỉ Diploma nâng cao về Quản lý chuỗi cung ứng của Liên đoàn các Hiệp hội Giao nhận quốc tế FIATA, chứng chỉ hành nghề Nghiệp vụ khai hải quan của Tổng cục Hải quan.

Để sinh viên tiếp cận kiến thức thực tế, thầy Chiến cho biết, Khoa ký kết hợp tác với Tổng cục Hải quan, Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam và một số doanh nghiệp về Logistics để đưa sinh viên đi thực tế, thực tập, kiến tập.

Cũng theo thầy Chiến, để đáp ứng yêu cầu công việc, sinh viên đòi hỏi phải có trình độ tiếng Anh tốt, đặc biệt là tiếng Anh chuyên ngành (về tài chính, hải quan, logistics, quản trị chuỗi cung ứng). Ngoài ra, sinh viên cũng cần có kỹ năng giao tiếp, kiến thức chuyên môn, kiến thức thực tế, biết đọc tài liệu và soạn hợp đồng khi làm việc với doanh nghiệp về Logistics.

"Một trong những yêu cầu đầu ra đối với sinh viên là phải có bài báo, công trình nghiên cứu khoa học (gọi là điểm khoa học) mới đảm bảo chương trình. Do vậy, nhằm hỗ trợ sinh viên, Khoa tạo các sân chơi như: sinh viên làm công trình nghiên cứu khoa học, viết bài báo khoa học cho các hội thảo trong và ngoài trường, viết bài báo khoa học đăng trên nội san của trường, tham gia cuộc thi chuyên môn thi Festival về thuế, hải quan, cuộc thi tài năng trẻ logistics Việt Nam", thầy Chiến nói.

Về đội ngũ giảng viên, theo thầy Chiến, hiện số lượng giảng viên trong Khoa có trình độ chuyên môn về lĩnh vực khi giảng dạy bằng tiếng Việt đảm bảo đủ yêu cầu. Tuy nhiên, những môn học cần giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh hiện Khoa mới chỉ có 50% giảng viên đáp ứng.

Khắc phục khó khăn, Khoa được Học viện bố trí giảng viên ở bộ môn khác từng học tập ở nước ngoài liên quan đến chuyên ngành Hải quan và Logistics tham gia dạy kiêm môn. Đồng thời, Khoa mời một số chuyên gia về giảng dạy để đảm bảo sinh viên đạt yêu cầu kiến thức chuyên môn của ngành.

“Những giảng viên trong Khoa được đề nghị đi học thêm để nâng cao trình độ tiếng Anh đáp ứng yêu cầu giảng dạy. Còn đối với những giảng viên mới được tuyển dụng đều phải đáp ứng tiêu chí về sử dụng tiếng Anh chuyên ngành.

Công tác tuyển dụng giảng viên được tiến hành theo đề án của Học viện đã được Bộ Tài chính phê duyệt. Tuy nhiên, với yêu cầu tuyển dụng cao trong khi thực tế mức thu nhập của giảng viên theo quy định nhà nước chưa tương xứng nên nhiều người trẻ mong làm việc ở cơ quan, doanh nghiệp ngoài trường để có thu nhập cao hơn.

Đây cũng là khó khăn chung của công tác tuyển dụng giảng viên hiện nay”.

_Tiến sĩ Nguyễn Đình Chiến_

Cùng chia sẻ về ngành đào tạo này, Tiến sĩ Nguyễn Thị Mai Anh – Trưởng bộ môn Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng, Khoa Quản lý Kinh doanh, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội cho biết, ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng của trường được tuyển sinh từ năm 2020 và được xếp trong các ngành có điểm trúng tuyển cao nhất trường (điểm trúng tuyển năm 2023 là 25,52 điểm).

Theo cô Mai Anh, chương trình đào tạo cử nhân ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng của trường được xây dựng bài bản với đa dạng các thành phần tham gia như đội ngũ giảng viên giàu kinh nghiệm, lãnh đạo doanh nghiệp, lãnh đạo cục xuất nhập khẩu – Bộ Công thương,… Từ đó góp phần giải bài toán nhân sự đang thiếu cả về số lượng và chất lượng cho ngành Logistics, đáp ứng nhu cầu thực tiễn của doanh nghiệp.

Cụ thể, chương trình đào tạo ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng của trường xây dựng theo mô hình CDIO chuẩn quốc tế (theo hướng phát triển những năng lực cho người học: Hình thành ý tưởng (Conceive), Thiết kế (Design), Triển khai (Implement) và Vận hành (Operate)). Đồng thời, chương trình chú trọng vào điều kiện cụ thể của nền kinh tế, phát huy và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người học lĩnh hội kiến thức và cơ hội trải nghiệm thực tiễn.

“Điểm khác biệt nổi bật khi sinh viên học ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng tại Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội là được trang bị kiến thức có thiên hướng về công nghiệp nhiều hơn. Tới đây, chương trình thay đổi một số nội dung để phù hợp với yêu cầu doanh nghiệp; cắt giảm dần các học phần mang tính lý thuyết, thay thế bằng các học phần thực hành thực tế hoặc trên phần mềm mô phỏng.

Sinh viên được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng và phẩm chất nghề nghiệp chuyên sâu như: quản lý hệ thống phân phối, giao nhận vận tải, xây dựng – quản lý hệ thống kho bãi và các điểm kết nối hàng hóa, các phương thức vận tải như: đường bộ, đường sắt, đường biển; kiến thức bổ trợ về marketing, tài chính quốc tế, quản lý sản xuất, quản lý chất lượng,...”, cô Mai Anh chia sẻ.

Bên cạnh những thuận lợi, cô Mai Anh cũng chỉ ra một số khó khăn.

Thứ nhất, sinh viên năm 2, 3 khi đi thực tế ở doanh nghiệp chỉ dừng lại ở mức độ tham quan nên đôi khi doanh nghiệp coi đó là cản trở (do các em chưa có nhiều kiến thức về chuyên ngành).

Thứ hai, ngành học mới tuyển sinh năm 2020 nên yêu cầu mà giảng viên đang “khát” nhất là kinh nghiệm thực tiễn.

Cụ thể, theo cô Mai Anh, thời điểm mới đưa vào giảng dạy ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng, công tác chuẩn bị đội ngũ giảng viên gặp một số khó khăn. Bản thân giảng viên cũng nỗ lực tham gia làm nhân viên, cộng tác viên cho doanh nghiệp Logistics để hiểu và mang kiến thức thực tế về giảng dạy cho sinh viên theo đúng tinh thần định hướng thực hành mà trường hướng tới.

Nhà trường cũng khuyến khích, cử giảng viên tham gia các lớp huấn luyện, học kiến thức thực tế, tài trợ khóa học nghiệp vụ chuyên môn, học chứng chỉ của Liên đoàn các Hiệp hội Giao nhận quốc tế FIATA.

Song, để phát triển ngành, cô Mai Anh mong muốn nhà trường tạo ra mạng lưới liên kết giữa các trường cùng đào tạo ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng để giảng viên có cơ hội học hỏi, giao lưu trao đổi về chuyên môn.

Về phía doanh nghiệp, cô cũng hy vọng được tạo điều kiện để sinh viên đến doanh nghiệp tham quan, thực tập. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng nên tham gia vào xây dựng các bài giảng, đóng góp ý kiến cho giảng viên đưa kiến thức như thế nào vào bài học để nâng cao chất lượng giảng dạy ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng.

Ngọc Mai