Hiện nay, cả nước có 2 đơn vị đào tạo lĩnh vực văn hóa dân tộc thiểu số là Trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh và Trường Đại học Văn hóa Hà Nội (trước kia có cả Trường Đại học Trà Vinh nhưng hiện tại đã ngừng tuyển sinh, đào tạo).
Dù chỉ có 2 đơn vị đào tạo, thế nhưng, “văn hóa dân tộc thiểu số” vẫn phải đứng trước nhiều thách thức, khó khăn: nguồn tuyển sinh hạn chế, định kiến, lầm tưởng của xã hội về cơ hội việc làm, thu nhập,…
Phạm vi đối tượng tuyển sinh bị bó hẹp
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về tình hình tuyển sinh những năm gần đây, thầy Hứa Sa Ni, Phó trưởng khoa Văn hóa các dân tộc thiểu số, Trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh cho hay, mặc dù khoa cũng cố gắng làm công tác truyền thông để thu hút người nhưng tình hình tuyển sinh của trường hiện nay vẫn rất khó khăn.
Năm học vừa qua, khoa tuyển được 10 sinh viên, sau đó có một số em xin nghỉ nên đến thời điểm hiện tại chỉ còn 6 sinh viên.
Sinh viên Khoa Văn hóa Dân tộc thiểu số, Trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh trong chương trình "Tiếp nối văn hoá - Lan toả tinh hoa" năm 2023 (Nguồn: Báo Dân tộc và Miền núi). |
Theo thầy Hứa Sa Ni, trước đây, khi bắt đầu mở, khoa đào tạo theo diện cử tuyển hoàn toàn trong mấy khóa đầu, mỗi năm đào tạo khoảng 30 sinh viên. Tuy nhiên, do sự thay đổi trong phương thức tuyển sinh khi hệ đào tạo cử tuyển không còn được thực hiện theo dự án của Chính phủ từ năm 2004 và việc tuyển nhân lực bão hòa ở các địa phương nên số người học cũng ngày càng giảm theo.
Hơn nữa, nguồn tuyển sinh của khoa vốn rất ít do một số nguyên nhân như khi thấy tên ngành học, tâm lý chung của xã hội là học xong ngành này phải lên vùng núi làm việc cũng như với xu hướng hiện nay, các em thường lựa chọn học các ngành thuộc khối kinh tế để nhanh chóng kiếm thu nhập hơn.
Thầy Hứa Sa Ni cho biết, hiện khoa cũng đã có kế hoạch xin xây dựng thêm một số chuyên ngành mới như chuyên ngành tổ chức hoạt động nghệ thuật, chuyên ngành đào tạo chuyên sâu ngôn ngữ dân tộc thiểu số như tiếng Hoa, tiếng Khmer,…, đặc biệt là chuyên ngành tổ chức hoạt động du lịch vùng dân tộc thiểu số mang tính ứng dụng cao nếu được mở chắc chắn sẽ thu hút được nhiều người học.
Thế nhưng, khó khăn ở chỗ, đội ngũ nhân sự của khoa hiện tại dù các thầy cô rất tâm huyết nhưng còn eo hẹp, chưa đáp ứng đủ để có thể mở mã ngành đào tạo theo đúng quy định.
Theo Phó trưởng khoa Văn hóa các dân tộc thiểu số, Trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh, chỉ tiêu cần tuyển sinh mỗi năm của khoa là 30 em, nhưng với tình hình như hiện tại, việc không có được đầu vào đủ theo quy định sẽ khiến khoa có thể phải đứng trước nguy cơ ngừng tuyển sinh, đóng cửa trong vài năm.
Việc khoa không đảm bảo được chỉ tiêu tuyển sinh cũng ảnh hưởng đến việc tuyển sinh của các ngành học khác trong trường.
Đáng nói, đầu ra của lĩnh vực văn hóa dân tộc thiểu số không hạn hẹp như nhiều người hay nghĩ mà ngược lại là khá rộng mở, bên cạnh từ việc làm trong các tổ chức quản lý, tổ chức các hoạt động, sự kiện gắn với du lịch gắn với văn hóa dân tộc thiểu số,… Mặt khác, nếu bạn nào có năng lực tốt có thể làm việc tại Đài phát thanh, truyền hình của địa phương, trung ương về mảng dân tộc,...
Bởi, trong quá trình học, các em cũng được cung cấp nhiều học phần với nguồn kiến thức đa dạng giúp người học có được cơ hội việc làm rộng mở.
Cũng đồng tình về cơ hội việc làm của sinh viên rộng mở sau khi tốt nghiệp lĩnh vực về văn hóa dân tộc thiểu số, Tiến sĩ Nguyễn Anh Cường, Trưởng khoa Văn hóa Dân tộc thiểu số, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội cho rằng, đã nhiều bạn sợ học ngành này xong phải lên núi nhưng thực tế thì không phải như vậy.
Sinh viên sau khi tốt nghiệp lĩnh vực văn hóa dân tộc thiểu số có thể làm tại nhiều cơ quan như Ủy ban dân tộc miền núi, Viện dân tộc học, Bảo tàng dân tộc học, làm việc tại các trung tâm xúc tiến du lịch của địa phương, hướng dẫn viên du lịch…
Thầy Cường chia sẻ, nhận thấy rằng việc đào tạo 2 chuyên ngành Quản lý nhà nước về văn hóa dân tộc thiểu số và Tổ chức các hoạt động văn hóa dân tộc thiểu số trước đây của khoa khiến đối tượng tuyển sinh bị bó hẹp trong phạm vi chỉ có các con em người dân tộc thiểu số quan tâm và tham gia.
Không những vậy, phạm vi làm việc của các em cũng bị giới hạn trong các môi trường, cơ quan khối nhà nước, trong khi đó, để thi được biên chế vào các cơ quan nhà nước trong những năm gần đây cũng tương đối khó khăn, khiến sinh viên tốt nghiệp ngành học này ra trường đã rất vướng trong việc tìm công việc theo đúng ngành nghề.
Thách thức này đòi hỏi khoa phải có những thay đổi để đi cùng được với thời đại và giúp người học có thêm nhiều cơ hội hơn khi tốt nghiệp ra trường, do đó, năm 2020, khoa đã mở thêm chuyên ngành mới là tổ chức và quản lý du lịch vùng dân tộc thiểu.
“Để duy trì, phát triển và bảo tồn được những nền văn hóa truyền thống, đặc trưng của mỗi dân tộc thiểu số, việc khai thác, quảng bá được giá trị văn hóa đó là một nhiệm vụ rất cần thiết.
Nhiệm vụ này sẽ được thực hiện tốt nhất qua kênh du lịch và quan trọng hơn là phải thể hiện rõ được mối liên hệ giữa văn hóa và phát triển du lịch. Bởi mỗi địa điểm chúng ta đi du lịch tìm hiểu, khám phá đều gắn với nét đặc sắc của dân tộc vùng đó”, thầy Cường chia sẻ.
Hệ lụy khôn lường nếu thiếu hụt nguồn nhân lực “văn hóa dân tộc thiểu số” được đào tạo chuyên sâu
Theo thầy Hứa Sa Ni, nếu thiếu hụt nguồn nhân lực được đào tạo chuyên sâu về văn hóa dân tộc thiểu số để đào sâu, hiểu rõ bản sắc, truyền thống cốt lõi của dân tộc thiểu số sẽ rất khó để tạo ra sự lan tỏa, tôn vinh, để lại hệ lụy khôn lường.
“Vừa qua, trong một biểu diễn nghệ thuật mừng ngày dân tộc Việt Nam, giới thiệu về trang phục về dân tộc, tôi nhận thấy rằng, nhiều người dù lên giới thiệu nhưng chưa có sự hiểu biết đầy đủ, hiểu sâu về đúng bộ trang phục mà mình đang trình bày.
Đặc biệt, trong xu thế hiện nay, sự phát triển các hoạt động, du lịch trong vùng dân tộc thiểu số là rất mạnh mẽ, vậy nên, việc có trình độ cử nhân văn hóa dân tộc thiểu số lại càng cần thiết”, thầy Hứa Sa Ni nhấn mạnh.
Tiến sĩ Nguyễn Anh Cường cũng bày tỏ quan điểm, cùng với xu thế phát triển mạnh mẽ trong du lịch của Việt Nam hiện, không chỉ có những khách du lịch nước ngoài quan tâm nhiều đến du lịch vùng dân tộc thiểu số của nước ta mà ngày càng nhiều du khách trong nước muốn tìm hiểu, khám phá những vùng dân tộc khác với mình.
Tuy nhiên, vấn đề đáng lo ngại là nhiều bạn dù là người dân tộc thiểu số nhưng nếu không được đào tạo chuyên nghiệp, chuyên sâu có thể gây ra những hiểu lầm không đáng có”, thầy Cường chia sẻ.
Sinh viên khoa Văn hóa Dân tộc thiểu số, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội (Nguồn: Fanpage của khoa Văn hóa Dân tộc thiểu số, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội). |
Thầy Cường cho biết, thực tế, nhiều bạn sinh viên của khoa ban đầu mới vào học dù là người dân tộc nhưng lại không hiểu được ý nghĩa thực sự về trang phục của mình.
Việc làm này càng nguy hiểm hơn nếu tình trạng hiểu sai về văn hóa dân tộc thiểu số ngày càng gia tăng, dẫn đến nền văn hóa của mỗi địa phương, vùng miền dần bị lai căng, biến đổi và mai một.
Đơn giản chỉ như việc nếu chúng ta không nắm được trang phục truyền thống của người Mông vì sao được làm bằng vải lanh, dần dần, người ta sẽ dùng các loại vải công nghiệp khác làm nên và vô tình khiến chúng ta quên đi bản chất thực sự của nó.
Trên một số vùng cao hiện nay, do thiếu hiểu biết nên dẫn đến tình trạng nguy hiểm khi nhiều bạn trẻ hiểu nhầm về tục kéo vợ xưa kia của ông cha ta thành bắt cóc. Nguyên nhân xảy ra thực trạng này cũng một phần do người truyền bá, làm du lịch không phải người được đào tạo chuyên sâu về văn hóa dân tộc thiểu số.
Vậy nên, việc được đào tạo chuyên nghiệp sẽ giúp các em hiểu được đúng bản sắc, đúng văn hóa truyền thống của ông cha ta, từ đó, khi mình đi quảng bá thông tin mới chính xác, tránh khách du lịch, người nghe hiểu nhầm về văn hóa của địa phương.
Hiện khoa cũng đang tiến hành ký hợp đồng với các công ty du lịch, trung tâm văn hóa, xúc tiến du lịch để giúp các sinh viên của khoa đảm bảo về cơ hội việc sau khi tốt nghiệp.
Tiến sĩ Nguyễn Anh Cường mong rằng, các cấp bộ, ngành có liên quan cần tạo ra nhiều cơ hội việc làm cho sinh viên lĩnh vực văn hóa dân tộc thiểu số sau khi tốt nghiệp ra trường được làm đúng theo chuyên ngành mình đã học.