Sau những năm ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, các ngành nghề dịch vụ, du lịch đang dần trở lại.
Theo thống kê của Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 5/2023 ước đạt 916.257 lượt tăng 573,7% so với cùng kỳ năm 2022. Tính chung 5 tháng năm 2023 ước đạt 4.599.959 lượt khách, tăng 1.914,4% so với cùng kỳ năm 2022. [1]
Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết, hiện nay ngành du lịch cần khoảng 485.000 lao động trong cơ sở lưu trú du lịch cho công suất trên 70%, trong đó nhân sự quản trị cần khoảng 45.000 người. Dự báo tăng trưởng du lịch Việt Nam 10 năm tới khá lạc quan, đến năm 2025 cả nước cần có 950.000 - 1.050.000 buồng lưu trú và đến năm 2030 cần 1.300.000 - 1.450.000 buồng.
Như vậy, năm 2025, nhu cầu về lao động khối cơ sở lưu trú khoảng hơn 800.000 và năm 2030 là hơn 1 triệu, giai đoạn 2022 - 2030, trung bình cần bổ sung mỗi năm trên 60.000 lao động. [2]
Thực tế này đặt ra yêu cầu đối với các cơ sở giáo dục đào tạo ngành học về du lịch cần có sự điều chỉnh trong phương pháp giảng dạy nhằm đáp ứng cho thị trường nguồn nhân lực đảm bảo cả về số lượng và chất lượng.
Ảnh minh họa: Báo điện tử Chính phủ |
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thanh Thủy - Trưởng khoa Du lịch (Trường Đại học Văn hóa Hà Nội) khẳng định: "Ngành Du lịch gồm kinh tế du lịch mang một sứ mệnh quan trọng trong giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đặc biệt là quá trình xây dựng nền kinh tế mới chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp sang kinh doanh dịch vụ".
Theo cô Thuỷ, bước vào hội nhập toàn cầu, lĩnh vực du lịch lại càng được nâng lên vị thế cao hơn trong việc góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, văn hóa, con người Việt Nam đến với bạn bè trên thế giới, đón dòng ngoại tệ từ nước ngoài vào Việt Nam để tích lũy thêm nguồn vốn dựa trên cơ sở kinh tế thế giới để tạo điều kiện phát triển kinh tế đất nước.
Trong giai đoạn đời sống người dân ngày càng được nâng cao, các loại hình dịch vụ vì thế cũng ra đời ngày càng nhiều để đáp ứng nhu cầu thăng cấp của con người.
Đặc biệt, ngành kinh tế du lịch là ngành dịch vụ có thể đáp ứng được toàn bộ mong muốn nhu cầu giải trí, thư giãn.
Chính vì vậy, sinh viên theo học có thể sớm gia nhập thị trường lao động, dễ dàng việc làm và được tiếp cận với công việc ngay khi ngồi trên ghế nhà trường.
Phó Giáo sư Thanh Thủy cho biết, mức lương khởi điểm của sinh viên hoặc cử nhân mới ra trường khá đảm bảo. Ví dụ, đối với sinh viên năm thứ hai, thứ ba đã được các công ty du lịch liên hệ với Khoa và nhà trường để mời làm trợ lý, hướng dẫn cho đoàn khách... với mức thù lao chi phí khoảng 500-700 nghìn đồng/ngày.
Thậm chí với những sinh viên giỏi ngoại ngữ, năng động, có kỹ năng nghề nghiệp sau khi tốt nghiệp có thể hưởng mức lương cao hơn rất nhiều so với mức lương cơ bản của cán bộ, công nhân, viên chức.
Tín hiệu đáng mừng là trong 2-3 năm tuyển sinh gần đây khoa Du lịch đều vượt chỉ tiêu ở cả hai ngành Quản trị dịch vụ Du lịch Lữ hành và Du lịch với điểm chuẩn trên 25 điểm. Hiện tại khoa Du lịch của Trường Đại học Văn hóa Hà Nội mỗi năm có khoảng gần 500 sinh viên theo học.
Trong 30 năm hình thành và phát triển, khoa Du lịch đã liên tục có nhiều thay đổi nhằm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng đáp ứng yêu cầu mới của thị trường.
Theo đó, khoa đã cập nhật, bổ sung thêm các môn vào chương trình đào tạo như môn Công nghệ thông tin và công nghệ số trong du lịch, Khởi nghiệp trong du lịch, Quản trị rủi ro trong du lịch… đồng thời tăng dung lượng về số tín chỉ ngoại ngữ, các môn liên quan đến vấn đề quốc tế, chuyên môn sâu để sinh viên có sự tiếp cận rộng mở hơn về không gian địa lý, tri thức ngành nghề.
Từ đó, đặt ra yêu cầu đối với giảng viên và người học cần có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý thuyết và thực hành.
Ngoài ra, với đặc thù “tính động” của nghề du lịch luôn yêu cầu cập nhật sự thay đổi của đời sống xã hội, phương pháp đào tạo, công nghệ hiện đại để áp dụng vào giảng dạy, nghiên cứu, học tập nhằm đảm bảo kiến thức chuyên môn không bị lạc hậu, phù hợp với xu thế thời đại.
Sinh viên theo đuổi lĩnh vực du lịch cần có ý thức tự học và tự đọc, tự chủ trong việc tìm hiểu kiến thức trước khi được lắng nghe giảng viên truyền đạt để phát huy kỹ năng trao đổi, phản biện từ góc nhìn của sinh viên.
Tuy nhiên, trong quá trình đào tạo ngành học khoa du lịch Trường Đại học Văn hóa Hà Nội vẫn gặp phải những khó khăn nhất định.
Đầu tiên, vấn đề được vị Trưởng khoa nhấn mạnh là cơ sở vật chất kỹ thuật, hạ tầng công nghệ đáp ứng cho quá trình học tập, nghiên cứu của sinh viên vẫn còn hạn chế. Đặc biệt là trong quá trình chuyển đổi số hiện nay, khoa rất cần một cơ chế, hệ sinh thái đào tạo toàn diện hơn giúp sinh viên có cơ hội được trải nghiệm và học tập trong một môi trường đảm bảo.
Thứ hai, ý thức tự nâng cao chất lượng chuyên môn, tự chủ, tự học của một bộ phận học sinh còn chưa được cao. Sinh viên còn khá thụ động trong việc tiếp nhận kiến thức, khả năng tư duy và đưa lý thuyết vào thực tế còn nhiều vướng mắc, chưa được linh hoạt.
Thứ ba, chính sách hỗ trợ dành cho giảng viên, sinh viên ngành du lịch còn chưa nhiều để kích thích công tác nghiên cứu, giảng dạy. Việc đầu tư cho vật lực, tài lực, nhân lực hiện nay chưa được hiệu quả và toàn diện.
Trên cương vị là một người đứng đầu của khoa, Phó Giáo sư Bùi Thanh Thủy mong muốn nhà trường có những chính sách, biện pháp đảm bảo đủ nguồn giảng viên chất lượng để tập trung nguồn nhân lực phát triển mạnh mẽ ngành học.
Được biết, hiện nay số lượng giảng viên cơ hữu của khoa là 17 giảng viên cùng 18 giảng viên đồng chuyên môn hỗ trợ mới có thể đảm bảo nguồn lực giảng dạy, hướng dẫn.
Ngoài ra, cô Thuỷ kiến nghị cần có sự đầu tư nghiêm túc và quyết liệt hơn về cơ sở hạ tầng công nghệ, đặc biệt quan tâm và ưu tiên đối với ngành mũi nhọn như du lịch, góp phần vào sự phát triển kinh tế trong thời đại toàn cầu hóa, của cuộc cách mạng 4.0, thực hiện thành công định hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Đồng thời cần có một chính sách hỗ trợ riêng đối với ngành học, không chỉ đối với giảng viên mà còn đối với sinh viên để tạo động lực, sức bật mạnh hơn giúp ngày càng làm tốt công tác đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho thị trường.
Cùng bàn luận về vấn đề việc đào tạo nhân lực ngành du lịch, Thạc sĩ Quản Bá Chính - Phụ trách Khoa Du lịch học (Trường Du lịch - Đại học Huế) cho hay: "Cơ hội việc làm của ngành học trong xã hội hiện nay là khá lớn. Dự báo tăng trưởng của ngành du lịch trong những năm tới là vô cùng lạc quan. Nhưng sự thiếu hụt về nhân lực chất lượng cao, được đào tạo bài bản về nghề du lịch, nhân sự có thể làm việc tại các cơ sở lưu trú, các doanh nghiệp lữ hành, các khu vui chơi giải trí đang khiến nhiều cơ sở đào tạo ngành học trăn trở".
Theo đó, những năm học trước đây số lượng tuyển sinh đầu vào của khoa Du lịch học (Trường Du lịch - Đại học Huế) không đảm bảo được đủ chỉ tiêu, chỉ chiếm khoảng 60-70%.
Nguyên nhân được thầy Chính chỉ ra là do thời điểm dịch bệnh bùng nổ đã ảnh hưởng khá nặng nề đến xã hội nói chung và ngành du lịch nói riêng. Ngoài ra, ngành học về du lịch cũng chưa thực sự được biết đến rộng rãi như một số ngành nghề đào tạo "hot" hiện nay.
Tuy còn gặp nhiều khó khăn song trong 2 năm gần đây số lượng sinh viên quan tâm và lựa chọn thi vào Trường Du lịch - Đại học Huế khá lạc quan nên không ảnh hưởng quá nhiều đến các hoạt động chung của nhà trường.
Hơn nữa, nguồn giảng viên được đào tạo bài bản từ các cơ sở giáo dục uy tín, hàng đầu tại Việt Nam và quốc tế nên luôn có đưa ra phương pháp giảng dạy mới, hiệu quả, phù hợp với mọi đối tượng sinh viên và theo sát nhu cầu xã hội.
Theo Thạc sĩ Quản Bá Chính, cải cách, đổi mới luôn là xu thế của sự phát triển, vì vậy yêu cầu đối với giảng viên là luôn quan sát sự biến động không ngừng của xã hội để nắm bắt xu hướng mới, nhất là nhu cầu ngày càng tăng về nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao, để từ đó đề ra các phương pháp giảng dạy mới mẻ, hiệu quả, học đi đôi với hành.
Bên cạnh việc học văn hoá tại nhà trường, khoa còn tạo cơ hội để sinh viên học tập cùng doanh nghiệp, tiếp cận với việc làm liên quan đến ngành học sớm để kích thích sự hào hứng, rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp cần thiết.
Thạc sĩ Quản Bá Chính thông tin thêm, nhu cầu tuyển dụng xã hội đối với ngành du lịch luôn tăng và có thể tăng đột biến sau sự phục hồi du lịch từ sau đại dịch Covid-19.
Chính vì thế việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành du lịch luôn là vấn đề được ưu tiên hàng đầu của khoa. Để đảm bảo được đầu vào cho các ngành học, các chính sách ưu đãi đối với nghề cũng nên được chú trọng.
Từ đó, thầy Chính kiến nghị cần có nhiều hơn những giải pháp hỗ trợ người lao động kịp thời trước những biến cố xã hội không lường trước để thu hút hơn người trẻ theo học ngành du lịch.
Các ngành học liên quan đến lĩnh vực du lịch hàng năm cần thêm hàng chục nghìn lao động trong khi lượng nhân lực mới là gần như không đáp ứng đủ. Trong thời kỳ toàn cầu hoá, lượng khách du lịch quốc tế đến với Việt Nam ngày càng tăng, góp phần tích cực trong sự đi lên của nền kinh tế nước nhà.
Chính những nhân lực được đào tạo bài bản về du lịch trong môi trường giáo dục chính là sứ giả, là cầu nối giúp lan toả vẻ đẹp Việt Nam và kết nối nhiều hơn bạn bè quốc tế nên đáng được quan tâm và đầu tư hơn nữa.
Tài liệu tham khảo:
[1] https://vietnamtourism.gov.vn/statistic/international
[2] https://giaoducthudo.giaoducthoidai.vn/khat-nhan-luc-mua-du-lich-doanh-nghiep-ve-truong-tuyen-dung-47676.html